Theo Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 8/4/2013, tám tuyến đường sắt đô thị (metro) Thành phố Hồ Chí Minh (Tp.HCM) đã được Chính phủ quy hoạch có tổng chiều dài 169km. Hiện nay, một dự án chuẩn bị đưa vào khai thác, sử dụng (cuối 2021 đầu 2022), một dự án chuẩn bị khởi công trong năm 2021 và ba dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu.
METRO SỐ 1: CHẠY THỬ VÀO THÁNG 6/2021
Tuyến metro số 1 có tên thương mại là metro Bến Thành – Suối Tiên, dài 19,7km, chạy qua địa bàn các quận 1, 2, 9, Thủ Đức (các quận 2, 9 và Thủ Đức nay là Tp.Thủ Đức) và Tp. Dĩ An (tỉnh Bình Dương), có điểm đầu là ga trung tâm chợ Bến Thành (quận 1) và điểm cuối là ga Suối Tiên (Tp.Thủ Đức).
Toàn tuyến có 14 nhà ga, gồm 3 ga ngầm (đoạn đi ngầm dài 2,6km) và 11 ga trên cao, 1 khu depot Long Bình rộng 27 ha. Dự án được khởi động xây dựng vào tháng 8/2012 và dự kiến khai thác thương mại vào đầu năm 2022, chạy thử đoạn trên cao vào tháng 6/2021. Tổng mức đầu tư của dự án 43.700 tỷ đồng, do JICA tài trợ và vốn đối ứng của Tp.HCM, chia làm 4 gói thầu chính.
Hiện nay, tuyến metro số 1 đang được nghiên cứu kéo dài tới thành phố Biên Hòa – tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương, theo đề nghị của hai địa phương nói trên.
Ban quản lý đường sắt đô thị Tp.HCM (MAUR) cho biết đến nay tuyến metro số 1 đã hoàn thành trên 85% tổng khối lượng công trình. Theo kế hoạch, đến tháng 6/2021 sẽ chạy thử đoạn trên cao để thao dượt tổng kiểm tra các yếu tố kỹ thuật. Cuối năm 2021 sẽ chạy kỹ thuật trên toàn tuyến và quý 1/2022 sẽ khánh thành, đưa vào khai thác thương mại, kết thúc hành trình 8 năm tuyến metro đầu tiên của Tp.HCM.
Trước đó, vào tháng 10/2020, 3 đoàn (toa) tàu metro đầu tiên của metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên từ Nhật Bản đã nhập về đến Tp.HCM, tập trung tại depot Long Bình, lắp bánh vào đường ray và chạy vận hành kỹ thuật, chuẩn bị cho giai đoạn hoàn thiện toàn tuyến metro. Tàu được sản xuất tại Nhật Bản, có chiều dài 61,5m, sức chở 930 khách (147 khách ngồi ghế, 783 khách đứng), tốc độ tối đa là 110 km/h khi đi trên cao và 80 km/h khi chạy ngầm.
METRO SỐ 2 VÀ 3B: KẾT NỐI HƯỚNG TÂY BẮC - ĐÔNG BẮC THÀNH PHỐ
Tuyến metro số 2 còn gọi là tuyến metro Bến Thành – Tham Lương, có chiều dài khoảng 11,2km đi qua các quận 1, 3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú. Trong đó có 9,2km đi ngầm từ chợ Bến Thành qua các đường Cách mạng tháng Tám, Trường Chinh, và 2km đoạn đi trên cao.
Toàn tuyến có tổng cộng 10 nhà ga, gồm 9 ga ngầm và một ga trên cao. Dự án có vốn đầu tư hơn 48.000 tỷ đồng; có 8 gói thầu chính và đang trong giai đoạn mở thầu trước khi khởi công chính thức vào cuối năm 2021, hoàn thành sau 5 năm xây dựng. Dự kiến, đến tháng 6/2020 sẽ hoàn thành công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư và giao mặt bằng cho dự án.
Ban quản lý đường sắt đô thị Tp.HCM cho biết hiện tuyến số 2 đang được nghiên cứu kéo dài thêm 2 đoạn là Thủ Thiêm – Bến Thành và Tham Lương – Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi. Chiều dài 2 tuyến này khoảng 37km, đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi toàn tuyến. Cũng theo Ban quản lý đường sắt đô thị Tp.HCM, đến nay công tác giải phóng mặt bằng phục vụ xây dựng nhà ga đã đạt hơn 97% và sẽ hoàn thành 100% vào cuối năm nay. Việc hình thành tuyến metro số 2 sẽ giải quyết nhu cầu đi lại từ trung tâm thành phố về phía Tây Bắc, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông.
Tuyến metro số 3b hay tuyến Thị Nghè, có điểm đầu là ngã 6 Cộng Hòa (quận 3) đi qua các tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai – Xô Viết Nghệ Tĩnh – Quốc lộ 13 và kết thúc tại depot Hiệp Bình Phước, chiều dài khoảng 12,1km. Trong tương lai sẽ nghiên cứu kết nối với Tp.Thủ Dầu Một (Bình Dương) từ ga Hiệp Bình đi dọc Quốc lộ 13 kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1 của tỉnh Bình Dương. Tuyến 3b đang trong giai đoạn kêu gọi đầu tư.
TUYẾN SỐ 3A VÀ 5: KẾT NỐI HƯỚNG TÂY NAM THÀNH PHỐ VÀ PHỤ CẬN
Tuyến số 3a có tên thương mại là Bến Thành – Tân Kiên di chuyển theo hướng Bến Thành – Phạm Ngũ Lão – Ngã 6 Cộng Hòa – Hùng Vương – Hồng Bàng – Kinh Dương Vương – Depot Tân Kiên – ga Tân Kiên. Tổng chiều dài khoảng 19,8km. Tổng mức đầu tư khoảng 2,82 tỷ USD, chia làm 2 giai đoạn đầu tư: Giai đoạn 1 Bến Thành – Bến xe Miền Tây với vốn đầu tư khoảng 1,82 tỷ USD và giai đoạn 2; Bến xe Miền Tây – ga depot Tân Kiên, ước 1 tỷ USD.
Tuyến metro số 3a sẽ kết nối với các tuyến metro số 1, số 2, số 4 tại ga Bến Thành để vận chuyển hành khách với cửa ngõ thành phố đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Dự án đang được đề xuất kéo dài tính kết nối tới Tp.Tân An, tỉnh Long An đi dọc Quốc lộ 1 và sẽ xây dựng sau năm 2030.
Tuyến số 5 có chiều dài 26km bắt đầu từ: Bến xe Cần Giuộc mới – Quốc lộ 50 – Tùng Thiện Vương – Phù Đổng Thiên Vương – Lý Thường Kiệt – Hoàng Văn Thụ – Phan Đăng Lưu – Bạch Đằng – Điện Biên Phủ – cầu Sài Gòn. Dự án chia làm 2 giai đoạn đầu tư với tổng nguồn vốn dự kiến là 3,76 tỷ USD và hiện đang trong giai đoạn kêu gọi đầu tư.
Hai tuyến 3a và số 5 này, khi hoàn thành sẽ kết nối trục trung tâm Tp.HCM là chợ Bến Thành kết nối xuyên tâm qua các quận Bình Thạnh, 3, 5, 6, Bình Chánh đi Long An qua các huyện Bến Lức, Thủ Thừa, Tp.Tân An, kết nối mở về các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
TUYẾN SỐ 4: XUYÊN TÂM BẮC - NAM
Đây là một trong những tuyến đường sắt đô thị dài nhất của Tp.HCM, chạy theo hướng Bắc – Nam đi qua những khu dân cư đông đúc nhất. Dự án đã lập báo cáo đầu tư xây dựng công trình, lập hồ sơ cắm mốc giới và bàn giao cho địa phương để quản lý quy hoạch. Hiện đang kêu gọi nhà đầu tư để sớm thực hiện dự án.
Chiều dài toàn tuyến 36,2km, gồm 19,9km đi trên cao và 16,3km đi ngầm. Lộ trình di chuyển: Thạnh Xuân – Hà Huy Giáp – Nguyễn Oanh – Nguyễn Kiệm – Phan Đình Phùng – Hai Bà Trưng – Bến Thành – Nguyễn Thái Học - Tôn Đản – Nguyễn Hữu Thọ – Khu đô thị Hiệp Phước (huyện Nhà Bè). Số lượng ga: 32 (14 ga ngầm và 18 ga trên cao, có 2 depot đặt tại Thạnh Xuân khoảng 27 ha và Hiệp Phước khoảng 20 ha). Tổng mức đầu tư khoảng 4,57 tỷ USD.
Ngoài ra, các tuyến số 4b Công viên Gia Định – Lăng Cha Cả (dài 3,2km) và tuyến số 6 Bà Quẹo – Phú Lâm (dài 5,6km) là những tuyến ngắn, kết nối nội tuyến, giúp hạn chế tình trạng kẹt xe trong nội thành, tạo thành điểm nhấn hình thành hệ thống giao thông đô thị đồng bộ, hiện đại, kết nối toàn bộ các đầu mối giao thông trọng yếu, các khu đô thị vệ tinh cho một Sài Gòn – Tp.HCM siêu đô thị hiện đại tương lai.
Với 8 tuyến metro Tp.HCM trên đây, hạ tầng giao thông tại đô thị lớn nhất cả nước sẽ từng bước được cải thiện. Mục tiêu xây dựng thành phố thông minh đang dần hiện thực hóa.
Riêng với tuyến metro số 1 sẽ đưa vào vận hành khai thác vào cuối năm 2021 đầu năm 2022, được xem là dự án tiên phong về công nghệ tại Việt Nam. Các nhà tư vấn và nhà thầu Nhật Bản tự hào về dự án bằng việc đưa vào áp dụng kỹ thuật cao của Nhật Bản và có những điều chỉnh kỹ lưỡng, cẩn trọng trong quá trình thực hiện và cũng như vận hành toàn dự án trong tương lai.
Một “Thành phố siêu metro” không còn là những con số trên giấy, nó đang dần hiện thực hóa trong một ngày rất gần. Và người dân đang làm việc và sinh sống tại Tp.HCM cũng đang rút ngắn “cơn ngóng trông metro”, họ chỉ còn đếm từng ngày vậy.