Thói quen không mang tiền mặt đang dần được hình thành và gia tăng tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Theo nghiên cứu của Visa, trong năm 2022, 77% những người tham gia khảo sát tự tin có thể không dùng tiền mặt trong vòng 3 ngày; còn trong năm 2023, khảo sát 1.000 người tiêu dùng Việt Nam cho thấy thời gian trung bình không sử dụng tiền mặt trong một tháng tăng đến 11 ngày liên tiếp.
GIA TĂNG THANH TOÁN KHÔNG DÙNG TIỀN MẶT
Theo Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2023, thanh toán không dùng tiền mặt cả nước đạt khoảng 11 tỷ giao dịch, tăng gần 50% so với năm 2022, tổng giá trị giao dịch đạt hơn 200 triệu tỷ đồng. Bên cạnh đó, tính đến cuối năm 2023, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân là hơn 182,88 triệu tài khoản, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2022. Với đà tăng trưởng mạnh mẽ như vậy, Việt Nam là nước đứng đầu trong 5 quốc gia có tỷ lệ chuyển đổi thanh toán số cao nhất khu vực Đông Nam Á, vượt Philippines, Thái Lan, Singapore và Indonesia.
Làn sóng thanh toán kỹ thuật số không chỉ là kết quả của những tiến bộ về mặt công nghệ, mà còn là sự chuyển dịch để mang đến sự minh bạch trong chi tiêu giao dịch, đáp ứng nhu cầu thanh toán hiệu quả cho các cá nhân tổ chức; đồng thời, cũng mở ra những cơ hội tiềm năng để cả thị trường tăng trưởng và phát triển nhiều dịch vụ mới trong một nền kinh tế số – nơi tất cả các lĩnh vực dựa trên công nghệ và kỹ thuật số, trong đó tài chính số đóng vai trò mạch máu.
Thanh toán không dùng tiền mặt cũng là phương thức giúp Nhà nước dễ dàng quản lý, giám sát, thúc đẩy đổi mới toàn bộ nền kinh tế, từ đó cho phép nỗ lực số hóa kinh tế của Việt Nam diễn ra nhanh chóng và bền vững hơn.
Trong năm 2023, thanh toán không dùng tiền mặt cả nước đạt khoảng 11 tỷ giao dịch, tăng gần 50% so với năm 2022, tổng giá trị giao dịch đạt hơn 200 triệu tỷ đồng. Bên cạnh đó, tính đến cuối năm 2023, số lượng tài khoản thanh toán của cá nhân là hơn 182,88 triệu tài khoản, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Tập đoàn tư vấn Boston (BCG), các nền kinh tế thâm dụng nhiều tiền mặt hơn có xu hướng tăng trưởng chậm và bỏ lỡ những lợi ích tài chính đáng kể. Ngược lại, các nền kinh tế chuyển sang kỹ thuật số có thể tăng GDP hàng năm. Cụ thể, nghiên cứu của BCG ước tính rằng việc chuyển sang mô hình không dùng tiền mặt sẽ tăng thêm khoảng 1 điểm phần trăm vào GDP hàng năm của các nền kinh tế trưởng thành và hơn 3 điểm phần trăm đối với GDP của các nền kinh tế mới nổi.
Thanh toán không dùng tiền mặt đang được xem là động lực để thúc đẩy kinh tế nhờ vai trò của kỹ thuật số trong việc đơn giản hóa quá trình gửi và nhận thanh toán. Trong số các nền kinh tế tiên tiến, Thụy Điển và Hàn Quốc là hai ví dụ điển hình. Ngay từ năm 2018, các giao dịch tiền mặt ở Thụy Điển đã chiếm ít hơn 2% giá trị thanh toán. Còn tại Hàn Quốc, tính đến năm 2021, chỉ có 14,6% giao dịch được thực hiện bằng tiền mặt, đưa Hàn Quốc trở thành một trong những quốc gia không dùng tiền mặt hàng đầu trên thế giới.
Tại Việt Nam, từ năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1813/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025. Đáng chú ý, về mục tiêu cụ thể, đến cuối năm 2025 giá trị thanh toán không dùng tiền mặt gấp 25 lần GDP; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; từ 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; tăng số lượng cơ sở chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt lên trên 450.000 điểm.
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam cơ bản cho thấy triển vọng hoàn thành một số mục tiêu. Đơn cử như mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 49,4% ngay từ năm 2023. Cụ thể, theo báo cáo năm 2023 của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), mặc dù thanh toán bằng tiền mặt vẫn là phương thức giao dịch thịnh hành với 50,6% người thường xuyên sử dụng, song các phương thức thanh toán khác, bao gồm Internet Banking (dịch vụ ngân hàng trực tuyến), ví điện tử... cũng đang dần được sử dụng phổ biến.
Từ các dịch vụ công như bệnh viện, cơ sở giáo dục đến các điểm bán lẻ như nhà hàng, quán ăn, các chợ đều đã và đang chấp nhận phương thức thanh toán chuyển khoản. Đến cuối tháng 1/2024, Ngân hàng Nhà nước ghi nhận thị trường đã có 554.580 POS tăng 32,68% so với cùng kỳ năm 2023. Tính đến tháng 4/2024, khoảng 77,41% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng với hơn 35 triệu tài khoản thanh toán. Theo dữ liệu Statista, Việt Nam thậm chí đã vượt qua các quốc gia phát triển khác, như Hàn Quốc, Anh và Đức, về tỷ lệ thâm nhập thanh toán POS di động trong năm 2023.
Theo báo cáo năm 2023 của Công ty tài chính Mỹ FIS, Việt Nam hiện là quốc gia có tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt cao thứ 4 trong 40 thị trường FIS khảo sát ở châu Á, chỉ sau các nước Thái Lan (46%), Philippines (44%) và Nhật Bản (41%)...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 31-2024 phát hành ngày 29/7/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam