Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các tổ chức kinh doanh, mua bán vàng miếng, các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022, Nghị định số 19/2023/NĐ-CP ngày 28/4/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền, Quyết định số 11/2023/QĐ-TTg ngày 27/4/2023 Thủ tướng Chính phủ quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo và Thông tư số 09/2023/TT-NHNN ngày 28/7/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tại văn bản số 10064/NHNN-TTGSNH ngày 28/12/2023.
Các đơn vị nói trên nghiêm túc chấp hành việc báo cáo giao dịch có giá trị lớn theo quy định tại Điều 25; báo cáo giao dịch đáng ngờ theo quy định tại Điều 26 của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 và thực hiện báo cáo bổ sung (nếu có) theo quy định của pháp luật phòng, chống rửa tiền; kịp thời báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến giao dịch đáng ngờ.
Các tổ chức tín dụng, tổ chức kinh doanh vàng, các trung gian thanh toán rà soát, cập nhật và gửi bổ sung báo cáo đánh giá rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, báo cáo kiểm toán nội bộ theo quy định của pháp luật, thông tin cán bộ đầu mối về phòng, chống rửa tiền (nếu có thay đổi)... về Cục Phòng, chống rửa tiền theo quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền và hướng dẫn tại Thông tư số 09/2023/TT-NHNN trước ngày 15/7/2024.
Rất khó để theo dõi nguồn gốc của vàng và xác định danh tính của những người sở hữu nó. Vàng cũng được chấp nhận rộng rãi trên toàn thế giới như một kho lưu trữ giá trị và kênh thanh toán. Điều này giúp cho tội phạm dễ dàng chuyển đổi tiền bất hợp pháp thành vàng và che giấu nguồn gốc của tiền.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW
Trao đổi với phóng viên VnEconomy, lãnh đạo một ngân hàng thương mại nhà nước cho biết tại các điểm bán vàng miếng của ngân hàng này, cán bộ ngân hàng chưa thể phát hiện ngay các giao dịch đáng ngờ để ngăn chặn. Tuy nhiên, ngân hàng tiến hành thu thập, tổng hợp tất cả dữ liệu từ số căn cước công dân, các giấy tờ tuỳ thân của người mua và gửi đến Cục Phòng, chống rửa tiền của Ngân hàng Nhà nước.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho rằng giao dịch mua bán vàng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rửa tiền vì những đặc điểm như: tính thanh khoản cao, giá trị lớn và tính phi tập trung.
Tính thanh khoản là đặc điểm nổi trội của thị trường vàng, có thể được mua bán nhanh chóng và dễ dàng trên nhiều kênh giao dịch khác nhau. Các giao dịch vàng thường được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả, với thời gian thanh toán ngắn. Vàng là tài sản phi kỹ thuật số, những thông tin nhận dạng riêng rất dễ chỉnh sửa, xóa bỏ.
Do đó, khó có thể theo dõi nguồn gốc của vàng và xác định danh tính của những người sở hữu nó. Vàng cũng được chấp nhận rộng rãi trên toàn thế giới như một kho lưu trữ giá trị và kênh thanh toán. Điều này giúp cho tội phạm dễ dàng chuyển đổi tiền bất hợp pháp thành vàng và che giấu nguồn gốc của tiền.
Cũng theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, để hạn chế nguy cơ rửa tiền trong giao dịch vàng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, tổ chức kinh doanh vàng và khách hàng.
Ngoài ra, khách hàng cũng cần nâng cao cảnh giác và thực hiện các biện pháp tự bảo vệ khi giao dịch vàng, như lựa chọn tổ chức kinh doanh vàng uy tín để thực hiện giao dịch; cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin theo yêu cầu của tổ chức kinh doanh vàng; giữ lại hóa đơn, chứng từ liên quan đến giao dịch mua bán vàng; báo cáo cho cơ quan chức năng nếu nghi ngờ có hoạt động rửa tiền diễn ra.