Thực tế, ngành công nghiệp khai thác kim loại, đá quý ảnh hưởng rất nhiều tới môi trường, từ việc tìm kiếm nguồn cung ứng, cho đến công đoạn khai thác, xử lý và vận chuyển. Tái chế trang sức cũ, sáng chế chất liệu nhân tạo và minh bạch trong cách khai thác là những nỗ lực đáng ghi nhận của các thương hiệu trang sức cao cấp toàn cầu.
KIM CƯƠNG RÕ NGUỒN GỐC VÀ VÀNG TÁI CHẾ
Mọi phong trào thành công đều được khởi xướng bởi một người dẫn dắt có uy tín và những cam kết quan trọng. Chopard là một trong những thương hiệu tiên phong có những chính sách đảm bảo về tính bền vững trong từng sản phẩm của mình, thể hiện qua tính minh bạch trong chất liệu. Nguyên liệu phổ biến trong chế tác trang sức là vàng được Chopard cam kết chỉ sử dụng vàng được đóng mộc Fairmined. 100% vàng được thu mua từ nhà cung cấp uy tín đảm bảo tính an toàn cho môi trường trong khâu khai thác.
Không chỉ có vàng, đá quý cũng được hãng lựa chọn từ những nhà cung cấp đáng tin cậy. Về kim cương, Chopard chỉ thu mua sản phẩm được cấp chứng chỉ Kimberley Process và World Diamond Council System of Warranties. Với đá quý, hãng cộng tác với Gemfields, nhà khai thác lớn nhất thế giới để ra mắt BST trang sức cao cấp cho Green Carpet với cam kết đá quý được khai thác có trách nhiệm.
Năm 2021, Boryana Straubel (vợ của người đồng sáng lập Tesla, JB Straubel) đã chính thức ra mắt thương hiệu Generation Collection và bộ sưu tập trang sức vàng khối từ vàng 24 karat bền vững. Generation là thương hiệu trang sức bền vững đầu tiên của Mỹ được tạo dựng dựa trên tiền đề kinh tế tuần hoàn. “Những sản phẩm của tương lai cần phải bền vững và mang lại lợi ích tài chính cho con người. Vàng 24k tái chế chính xác là như vậy”, Boryana nói.
Trang sức của Generation Collection là các sản phẩm có tỉ lệ carbon bằng 0. Đây là một sự “đầu tư chức năng” hiếm có: bạn có thể đeo nó lên người để trông thật xinh đẹp và biết rằng giá trị của chúng vẫn sẽ tiếp tục tăng giá theo thị trường, đồng thời giúp bảo vệ môi trường sống. Công ty của Boryana Straubel tập trung vào việc thúc đẩy một cuộc cách mạng trong ngành thời trang bằng cách biến rác thải điện tử thành vàng, từ đó giảm ô nhiễm môi trường.
Theo tờ CNBC, bằng việc sử dụng vàng tái chế, con người sẽ có thể cắt giảm 99% tỉ lệ ô nhiễm, giảm gần 2% lượng khí thải CO2 trong ngành công nghiệp thời trang. Phương pháp cung ứng này không những làm giảm đáng kể số năng lượng, nước và CO2, mà còn giúp tăng năng suất khai thác vàng lên hơn 50 lần so với phương pháp khai thác từ quặng truyền thống.
NHỮNG VẬT LIỆU MỚI RA ĐỜI
Hàng năm tại châu Á, có đến 100 tỷ USD được chi tiêu cho đồ trang sức có tuổi karat cao, như vàng 24k. Nhưng hầu như trên thị trường không có đồ trang sức nào được làm từ kim loại sạch, trong khi đó, vàng 24k đã tăng giá 580% trong 20 năm qua (S&P 500 chỉ tăng giá 160% cùng kỳ), và 74% phụ nữ vẫn chú trọng mua loại trang sức này.
Thương hiệu Boucheron gần đây đã giới thiệu bộ sưu tập trang sức được sản xuất từ amiăng. Họ đã ra mắt các sản phẩm làm bằng Cofalit - kết quả của quá trình đốt nóng và nung chảy amiăng thành vật chất giống như xi măng. Quá trình này đã biến amiăng từ một loại hóa chất nguy hiểm trở nên vô hại hoàn toàn. Công ty trang sức Pomellato cũng đã sử dụng kỹ thuật hàn truyền thống của Nhật Bản (gọi là kintsugi) để tái chế những viên đá bị hư hỏng, trong khi Tiffany & Co. đã tung ra dòng sản phẩm đầu tiên làm từ vàng tái chế.
Zulu Ghepriya, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Smiling Rocks, một thương hiệu chuyên về kim cương nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, cho biết: "Các nhà thiết kế đang thấy rằng tương lai sẽ là các dòng sản phẩm bền vững". Ông cũng nói rằng ngành trang sức đang thích ứng với nhiều lời kêu gọi từ người tiêu dùng về việc minh bạch hơn trong quá trình sản xuất.
Niels Schaefer, đồng sáng lập của Loev, hãng chế tác các tác phẩm đương đại từ vàng 18k tái chế, cho biết: "Có một sự thay đổi lớn đang diễn ra trong xã hội ngày nay, vốn chịu ảnh hưởng bởi đại dịch cũng như các cuộc khủng hoảng chính trị và môi trường. Mọi người đang cố gắng hiểu sản phẩm được sản xuất ở đâu và như thế nào và điều quan trọng đối với họ là họ biết giá trị đằng sau những thương hiệu mà họ đã chọn".
Laura Chaves, người sáng lập Lark & Berry, công ty sử dụng đá quý nhân tạo có nguồn gốc bền vững, cũng cho biết các doanh nghiệp trang sức cần phải thay đổi: "Có rất nhiều cách để các công ty có thể cố gắng trở nên bền vững hơn. Không chỉ nói đến kim loại và đá quý, mà còn là phương thức đóng gói và vận chuyển. Luôn luôn có thể làm được điều gì đó ở mọi bước trong chuỗi cung ứng".
Mặt khác, nguồn kim cương tái chế có thể bù đắp vào khoảng trống thị trường do việc sản xuất kim cương tự nhiên suy giảm trong khi nhu cầu kim cương vẫn không ngừng tăng. Theo David Kellie, Giám đốc điều hành Hiệp hội Kim cương tự nhiên, xu hướng tiêu thụ kim cương tái chế sẽ bùng nổ tại thị trường Mỹ, châu Âu và Trung Quốc. Do đó, nhiều thương hiệu trang sức có lịch sử lâu đời hiện đang tìm kiếm những viên kim cương kinh điển trong quá khứ và tìm cách mua lại để bổ sung vào kho lưu trữ. Cách tiếp cận đó không chỉ phù hợp với khái niệm tái chế kim cương mà còn giúp họ thiết lập văn hóa thương hiệu.
Tại Geneva, Thụy Sĩ, Agua de Oro – một doanh nghiệp gia đình hơn 70 năm lịch sử, nổi tiếng với cam kết thực hiện mục tiêu xã hội và môi trường – cũng đang đem đến cho các khách hàng những viên kim cương và đá quý được sử dụng lại. “Trang sức có thể bền, đẹp, tràn đầy cảm hứng và khiến cho người khác phải thèm muốn, nhưng trang sức cũng cần phải bền vững, tử tế và đổi mới bất cứ lúc nào có thể,” một đại diện của thương hiệu chia sẻ.
Tuy nhiên, đối với các thương hiệu, việc thực hành bền vững và minh bạch không dễ dàng vì nó không chỉ là kể câu chuyện và đưa mặt hàng lên các website bán lẻ của mình. Họ còn phải chứng minh sự chân thành và giá trị nguyên bản thực sự của thương hiệu cho khách hàng. “Ngày nay, sự uy tín của một nhãn hiệu còn được đo bằng những gì nhãn hàng đó thực sự làm hoặc chứng minh được họ hoàn toàn minh bạch trong kinh doanh”, ông Cyrille Vigneron, Giám đốc điều hành của Catier nhận định