Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Khoáng sản lần thứ 8 (AMMin 8) được tổ chức trực tuyến ở 10 nước ASEAN và Ban Thư ký ASEAN ngày 8/10/2021.
CHÚ TRỌNG CÔNG NGHỆ KHAI THÁC, CHẾ BIẾN, GIA TĂNG GIÁ TRỊ VÀ THÂN THIỆN MÔI TRƯỜNG
Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về Khoáng sản lần thứ 8 (AMMin 8) diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt, khi nhân loại đang phải đối mặt với khủng hoảng “kép”, bao gồm đại dịch Covid-19, khủng hoảng khí hậu và sụp đổ hệ sinh thái tự nhiên. Tuy nhiên với việc tổ chức họp bàn theo hình thức trực tuyến, hội nghị các Bộ trưởng ASEAN về khoáng sản vẫn thống nhất về nhận thức để tạo ra những thay đổi cơ bản trong tư duy và hành động nhằm chuyển hóa được những thách thức nghiêm trọng thành những cơ hội phát triển mới.
Tài nguyên khoáng sản đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của loài người trong thời gian dài. Tuy nhiên, việc khai thác quá mức và sử dụng thiếu bền vững nguồn tài nguyên quý này giá phục vụ mục đích phát triển của con người đã làm thay đổi cảnh quan, đưa nhân loại đến thách thức nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường, sụp đổ hệ sinh thái, khủng hoảng khí hậu…
Tiêu chí minh bạch trong tiếp cận thông tin, chia sẻ lợi ích từ nguồn lợi khoáng sản; tiết kiệm, hiệu quả, bền vững và bao trùm phải được ưu tiên cao nhất trong hoạch định chính sách, đầu tư tài chính cho khai thác, sử dụng khoáng sản. Nguồn lợi từ tài nguyên phải được tái đầu tư phát triển cho ngành kinh tế khác, cho tương lai.
Trước thực trạng đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, đã đến lúc, nhân loại cần đánh giá, nhìn nhận một cách đầy đủ về những tác động của các hoạt động khai thác, sử dụng thiếu bền vững của mình, kịp thời khắc phục được những khiếm khuyết trong mô hình phát triển trước kia. Đây chính là cơ hội để ngành khoáng sản thực hiện chuyển đổi con đường phát triển chú trọng công nghệ khai thác, chế biến, gia tăng giá trị, thân thiên với môi trường, phù hợp với các xu thế toàn cầu như phát triển kinh tế tuần hoàn, các-bon thấp, giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Bên cạnh đó, với thực tế phát triển cho thấy nhiều quốc gia và dân tộc trên thế giới đã bị vướng vào “lời nguyền tài nguyên”, không thể tạo sự phát triển đồng đều, công bằng dựa trên lợi thế về tài nguyên. Do đó, tiêu chí minh bạch trong tiếp cận thông tin, chia sẻ lợi ích từ nguồn lợi khoáng sản; tiết kiệm, hiệu quả, bền vững và bao trùm phải được ưu tiên cao nhất trong quá trình hoạch định chính sách, đầu tư tài chính cho các hoạt động khai thác, sử dụng khoáng sản. Nguồn lợi từ tài nguyên phải được tái đầu tư phát triển cho ngành kinh tế khác, đầu tư cho tương lai bền vững của các thế hệ mai sau của ASEAN.
Theo Bộ trường Bộ Tài Nguyên và Môi trường, ngành khoáng sản phải đi đầu trong chuyển đổi số, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ để tham gia giải quyết những vấn đề cấp bách toàn cầu như phục hồi hệ sinh thái tự nhiên, giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, suy thoái đất đai lưu trữ các-bon tại những mỏ đã khai thác góp phần vào thực hiện mục tiêu trung hòa các-bon của các quốc gia.
Mỗi nước có kinh nghiệm, tri thức riêng về khoáng sản nhưng đang cùng nhau hướng tới mục tiêu chung là xây dựng ngành công nghiệp khoáng sản bền vững, góp phần thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, giải quyết những thách thức toàn cầu đang đặt ra. Để làm được việc đó, ông Hà cho rằng các nước cần phải tăng cường hợp tác và phối hợp.
"Việt Nam sẵn sàng hợp tác cùng các quốc gia trong cộng đồng ASEAN và các đối tác chia sẻ kiến thức, tri thức khoa học về khoáng sản và công nghệ mới, nhằm tìm kiếm những khoáng sản chiến lược mới; xem xét, xây dựng cơ sở dữ liệu chung của ASEAN dựa trên nền tảng chuyển đổi số; tạo ra những giá trị mang tính lâu dài", ông Hà nhấn mạnh.
TIỀM NĂNG MỚI TRONG HÀNH ĐỘNG HỢP TÁC KHOÁNG SẢN ASEAN
Tại Hội nghị, các quốc gia ASEAN cũng đã thảo luận, tóm tắt các vấn đề liên quan đến các giải pháp chính và các nhiệm vụ ưu tiên cho ASEAN 2021 và phát triển cộng đồng ASEAN, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến cách mạng Công nghiệp 4.0 và nền kinh tế tuần hoàn. Cùng với đó, tóm tắt các kết quả chính được hoàn thành bởi ASOMM và nhóm công tác trong năm 2020, 2021 bao gồm cả tiến độ hợp tác với các đối tác và ghi nhận tầm quan trọng của việc thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan để xây dựng, hỗ trợ phát triển chính sách, mục tiêu, nguyên tắc và thực tiễn khai thác khoáng sản bền vững trong ASEAN…
Kế hoạch hành động hợp tác khoáng sản ASEAN 2016-2025 (AMCAP III) giai đoạn 2 (2021-2025) sẽ tập trung chủ yếu xây dựng đầu tư vào tất cả các giai đoạn của chuỗi giá trị khoáng sản, trong đó thăm dò là bước khởi đầu và tập trung từng bước xây dựng các cơ hội trong chuỗi giá trị khoáng sản.
Hội nghị cũng đưa ra tuyên bố về chính sách, các ưu tiên và lợi ích quốc gia đối với phát triển công nghiệp khai thác khoáng sản, bao gồm phát triển và quản trị khoáng sản quốc gia; thông qua các khuyến nghị chính về hợp tác khu vực về khoáng sản để ứng phó với các cơ hội và thách thức của một tương lai chuyên sâu về khoáng sản.
Đồng thời, các nước ASEAN cũng xem xét thông qua Kế hoạch hành động hợp tác khoáng sản ASEAN 2016- 2025 (AMCAP-III) giai đoạn 2 (2021– 2025). Sự phát triển của AMCAP-III sẽ góp phần tạo ra một ngành khoáng sản ASEAN tiên tiến và tiến bộ vì sự thịnh vượng kinh tế- xã hội và môi trường thông qua tăng cường thương mại và đầu tư, tăng cường hợp tác và nâng cao năng lực để phát triển khoáng sản bền vững trong khu vực.
Theo ông Suy Sem, Bộ trưởng Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchia, kế hoạch hành động hợp tác khoáng sản ASEAN 2016-2025 (AMCAP III) giai đoạn 2 (2021-2025) sẽ tập trung chủ yếu xây dựng đầu tư vào tất cả các giai đoạn của chuỗi giá trị khoáng sản, trong đó thăm dò là bước khởi đầu và tập trung từng bước xây dựng các cơ hội trong chuỗi giá trị khoáng sản. Xây dựng tính tiềm năng về địa chất và chính sách sẽ là chìa khóa cho cách tiếp cận này.
Bên cạnh đó, để nâng cao trọng tâm của việc thực hiện AMCAP cần thực hiện chương trình nâng cao năng lực khu vực trong hợp tác khoáng sản ASEAN được xây dựng dựa trên 5 chủ đề chính: ước tính trữ lượng tài nguyên; giá trị gia tăng về khoáng sản; công nghệ khai thác xanh; quản lý môi trường mỏ và phục hồi mỏ.