Tuy nhiên, đằng sau đó là câu chuyện về chênh lệch cung- cầu, thiếu hụt nhân sự và bài toán cạnh tranh, phát triển bền vững thị trường nhân lực công nghệ thông tin…
NGHỀ "HOT" VỚI THU NHẬP "KHỦNG"
Đầu năm 2021, nữ kỹ sư IT 28 tuổi sống tại Hà Nội khiến cộng đồng xôn xao khi nộp 23,4 tỷ đồng thuế trong thu nhập 330 tỷ đồng. Một nam kỹ sư IT khác sinh năm 1990 cũng tự nguyện nộp 18,1 tỷ đồng tiền thuế trong tổng thu nhập 260 tỷ đồng một năm. Cả hai đều là lập trình viên, kiếm tiền từ nghề viết phần mềm.
Đây chỉ là một trong số minh chứng cho câu chuyện về mức thu nhập hiện nay của những kỹ sư lĩnh vực IT đang nóng trên thị trường nhân sự.
Kỹ sư trí tuệ nhân tạo và học máy có mức lương trung bình tháng cao nhất, khoảng 70 triệu đồng/tháng. Mức này cao gấp đôi lương kỹ sư dữ liệu lớn và kỹ sư Backend hay lập trình viên (trung bình 30 triệu đồng mỗi tháng).
Dải lương phổ biến của ngành công nghệ thông tin khoảng từ 8,4 đến 27,4 triệu đồng. Một thống kê của TopDev về thị trường IT Việt Nam tính đến quý 2/2021 cho thấy, kỹ sư trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (machine learning) có mức lương trung bình tháng cao nhất, khoảng 70 triệu đồng/tháng. Mức này cao gấp đôi lương kỹ sư dữ liệu lớn (Big Data) và kỹ sư Backend hay lập trình viên (trung bình khoảng 30 triệu đồng mỗi tháng).
6 trong số 10 vị trí IT có lương tháng cao nhất thuộc về các cấp quản lý và kiến trúc sư công nghệ. Vị trí có lương trung bình tháng cao nhất hiện nay là CTO và CIO, khoảng 130 triệu đồng.
Chia sẻ về mức lương mà các báo cáo đưa ra, tại tọa đàm trực tuyến về vấn đề này diễn ra chiều ngày 6/7, ông Nguyễn Hoàng Bảo Đại, chuyên gia phát triển của Google, lĩnh vực Machine Learning cho rằng, nhóm ngành công nghệ, công nghệ thông tin, khoa học máy tính đang rất hot và được nhiều bạn trẻ theo đuổi. So với mặt bằng chung, ngành IT có mức lương khá ổn cho sinh viên mới ra trường.
Trong những năm gần đây, lĩnh vực IT đã rất nóng trước xu thế chuyển đổi số, và các công nghệ mới như AI, Blockchain... đang tiếp cận vào thực tế trong xã hội và đời sống người dân.
Từ thực tế này, dưới góc độ đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng nhân sự, ông Trần Trung Hiếu, Sáng lập, CEO TopCV Vietnam nhấn mạnh, mức lương của ngành này cao hơn so với mặt bằng chung của thị trường. Cụ thể, những sinh viên mới ra trường làm việc 1-2 năm đã có mức lương 15-25 triệu đồng là bình thường. Những vị trí đặc thù như AI, Data… lương có thể lên đến 40-50 triệu đồng. Còn với mức thu nhập 100 triệu đồng chưa thực sự phổ biến và chỉ dành cho một số nhóm nhân sự đặc biệt.
Hầu hết các ý kiến đều khẳng định, cơ hội cho ngành IT ngày càng mở rộng hơn. Thu nhập của những người làm IT đã tăng lên, đặc biệt tạo cho các bạn trẻ cơ hội học tập, phát triển.
Tất nhiên để đạt được mức thu nhập mà nhiều lĩnh vực khác mơ ước là không hề dễ dàng bởi những thách thức, áp lực sáng tạo và đòi hỏi hy sinh thời gian, công sức… Theo chia sẻ của một lập trình viên, mặc dù mức lương có thời điểm hơn 100 triệu đồng/tháng nhưng vô cùng vất vả, phải làm việc ngày đêm cho kịp tiến độ, thường xuyên bị “dựng” dậy lúc nửa đêm và bị ám ảnh bởi tiếng chuông điện thoại.
CHÊNH LỆCH CUNG CẦU QUÁ LỚN
Một ngành đầy tiềm năng với mức thu nhập cao nhưng các doanh nghiệp lại không dễ tuyển dụng đủ nhân sự theo nhu cầu. Các chuyên gia cho rằng, một trong những nguyên nhân cơ bản là do mất cân đối cung cầu. Nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong lĩnh vực này rất lớn và liên tục tăng hàng năm, nhất là trước xu thế chuyển đổi số.
Ông Hiếu chia sẻ, nhu cầu tuyển dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đặc biệt là các lĩnh vực công nghệ mới hiện nay như AI, Big Data, Blockchain… rất cao. Các doanh nghiệp công nghệ đều chung tình trạng thiếu hụt nhân sự IT, thậm chí sẵn sàng trả lương rất cao so với mặt bằng thị trường nhưng cũng không tìm được đủ nhân sự có năng lực và phù hợp.
Theo báo cáo nghiên cứu về thị trường IT Việt Nam thì nhu cầu tuyền dụng nhân lực ngành công nghệ thông tin năm 2021 tăng khoảng 36% so với năm trước, với nhu cầu rất lớn khoảng 117.000 lập trình viên, trong khi khả năng đáp ứng chỉ khoảng 12%. Đây là khoảng cách chênh lệch quá lớn và cộng dồn hàng năm.
Dưới góc độ một doanh nghiệp công nghệ với 18.000 nhân viên, bà Chu Thị Thanh Hà, Chủ tịch FPT Software cho rằng có khoảng cách về số lượng và chất lượng nhân sự IT. Nhu cầu tuyển ngày một tăng trong khi thị trường nhân lực không đáp ứng.
Doanh nghiệp rất thiếu nhân sự IT nhưng là thiếu những người làm được việc, thiếu nhân sự phù hợp chứ không phải cứ học công nghệ thông tin ra sẽ chắc chắn có việc. Đây là lĩnh vực đòi hỏi năng lực làm việc thực tế hơn là câu chuyện bằng cấp.
Năm 2020, toàn ngành IT Việt Nam thiếu 400.000 người nhưng mỗi năm số sinh viên tốt nghiệp chỉ có 50.000 sinh viên. Như vậy khoảng cách về số lượng nhân lực IT Việt Nam còn đang thiếu rất nhiều.
Về chất lượng nhân sự, do áp lực công việc ngày càng khó và lĩnh vực IT thay đổi nhanh trong khi nhân lực IT còn hạn chế khả năng ngoại ngữ; các kỹ năng tư duy hệ thống, giải quyết vấn đề và khả năng tự học. Lĩnh vực IT thường xuyên thay đổi nên khả năng tự học của các nhân sự IT cũng cần phải được nâng cao hơn để bắt kịp với xu hướng công nghệ.
Ông Hiếu nhận xét, mô hình đào tạo ở các trường chưa hoàn toàn theo sát nhu cầu thực tế cũng như tốc độ thay đổi công nghệ. Do đó, nếu các sinh viên không tự học tốt, không tự nâng cấp bản thân thì sau khi ra trường khó có thể làm việc ngay được và theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ.
Bình luận thêm về quan điểm này, ông Nguyễn Hùng Cường, Tổng giám đốc NashTech Việt Nam cho biết, mặc dù mỗi năm Việt Nam có hơn 50.000 sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin nhưng chỉ khoảng 30% số đó có thể đi làm ngay, còn lại vẫn phải tái đào tạo.
CẠNH TRANH BẰNG GIÁ, KHÓ TUYỂN DỤNG
Cũng từ thực trạng thiếu hụt nguồn cung trong khi nhu cầu quá lớn đã dẫn đến tình trạng doanh nghiệp phải cạnh tranh nhau bằng giá, sẵn sàng trả lương cao hơn thậm chí có đơn vị trả gấp đôi so với mặt bằng thị trường…
Mặc dù bằng cách này, các doanh nghiệp có thể dễ thu hút được nhân sự nhưng để lại hệ quả tạo độ vênh và sự bất cân bằng về lương trên thị trường. Điều đó cũng sẽ tạo ra hiệu ứng ngược và mặt bằng lương thị trường sẽ đẩy lên cao hơn so với thực tế trong khi năng lực của các ứng viên có thể không đáp ứng đúng với yêu cầu.
Doanh nghiệp phải cạnh tranh với nhau bằng giá khi tuyển dụng, sẵn sàng trả lương cao hơn thậm chí có đơn vị trả gấp đôi so với mặt bằng thị trường…
Ông Hiếu phân tích, khi năng lực ứng viên có 1 nhưng doanh nghiệp sẵn sàng trả lương gấp đôi để tuyển dụng nên dẫn đến tình trạng nâng mức mặt bằng thu nhập thị trường lên. Không những thế, điều này còn làm cho chính các ứng viên ngộ nhận về năng lực của mình đang tốt và xứng đáng được hưởng mức lương cao hơn. Thực trạng đó đã làm cho cung và cầu khó gặp vì nhu cầu của hai phía đang lệch nhau quá nhiều.
Khi các doanh nghiệp càng thiếu hụt nhân sự, càng phá giá thì mức lương thị trường sẽ càng bị đẩy lên. Khi đẩy lương cao hơn so với nhu cầu thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ nguồn tài chính hoặc chấp nhận trả nhiều tiền hơn để tuyển nhân sự nên việc tuyển dụng sẽ khó hơn.
Còn theo Tổng giám đốc NashTech Việt Nam, chính vì khoảng cách cung- cầu lệch nhau quá lớn nên giá trên đầu một nhân sự IT ngày một tăng. Theo các nghiên cứu thì mức lương IT ở Việt Nam đang tiệm cận với một số thị trường như Ấn Độ, Đông Âu, Mỹ La Tinh… Điều này sẽ gây ra nhiều rủi ro cho sự phát triển bền vững của ngành công nghệ thông tin.
Ngoài ra, nếu các doanh nghiệp tuyển dụng bằng cách “mua” người của nhau sẽ làm cho mức giá nhân lực IT ở Việt Nam ngày càng tăng cao.