Ngày 24/4/2023, hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực thực phẩm bền vững với chủ đề “Cùng nhau chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh khủng hoảng mới” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đăng cai tổ chức đã khai mạc tại Hà Nội.
CHUYỂN ĐỔI HỆ THỐNG LƯƠNG THỰC, THỰC PHẨM LÀ VẤN ĐỀ CẤP BÁCH
Đây là Hội nghị cấp Bộ trưởng với sự tham dự của trên 300 đại biểu trong đó bao gồm gần 200 đại biểu quốc tế đến từ nhiều quốc gia. Về lãnh đạo cấp cao, Hội nghị có sự tham dự của: Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Trần Lưu Quang, các Bộ trưởng Nông nghiệp của các quốc gia Thụy Sỹ, Malawi, Rwanda, Ethiopia, Campuchia, Saint Vincent và Grenadines; Thứ trưởng Nông nghiệp của Ghana, Kenya; Giám đốc điều hành Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc ( UNIDO); Giám đốc Toàn cầu về Đối tác và chính sách của Liên minh các Viện nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế (CGIAR), Tổng giám đốc Liên minh đa dạng sinh học quốc tế và (CIAT). Ngoài ra, Bộ trưởng Nông nghiệp Costa Rica và Tổng Giám đốc FAO tham dự trực tuyến.
Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã dẫn ra các báo cáo của FAO (2020, 2021) về nạn đói đang trên đà gia tăng và số người bị ảnh hưởng đã lên tới 828 triệu người vào năm 2021. Riêng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương dự kiến chỉ đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) vào năm 2065, chậm hơn ba thập kỷ rưỡi so với kế hoạch.
“Vấn đề đã trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, và bây giờ – chứ không phải lúc nào khác - phải hành động ngay để bảo vệ hành tinh – ngôi nhà chung của tất cả chúng ta và thế hệ mai sau”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
“Việt Nam chân thành và trân trọng cám ơn các tổ chức Liên hợp quốc (đặc biệt là Chương trình hệ thống lương thực, thực phẩm bền vững), cộng đồng quốc tế, các nhà tài trợ, các cơ quan nghiên cứu, các tổ chức Phi Chính phủ, khu vực doanh nghiệp … về những hỗ trợ quý báu trong thời gian qua. Việt Nam cũng khẳng định sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác với các nước trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt thông qua chương trình hợp tác Nam – Nam và hợp tác ba bên về nông nghiệp”, Phó Thủ tướng bày tỏ.
Ngày 28/3/2023, Chính phủ Việt Nam đã ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030”, để thực thi mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất và cung cấp thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững, mà chúng tôi đã khẳng định tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp quốc về Hệ thống lương thực thực phẩm năm 2021.
Phát biểu trực tuyến tại phiên Khai mạc Hội nghị, ông Qu Dongyu, Tổng giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO), cho rằng bối cảnh hiện nay đặt ra yêu cầu phải chuyển đổi cấp bách hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng hiệu quả hơn, toàn diện hơn, linh hoạt hơn và bền vững hơn. Để làm được điều này phải có sự chung tay của tất cả các nước.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang lo ngại về nguy cơ mất an ninh lương thực trước những tác động của biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, đại dịch mới nổi trong đó có Covid-19, các cuộc xung đột và giá nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất lương thực, thực phẩm tăng cao.
Ngay trước thềm Hội nghị này, ngày 22/4, Bộ trưởng Nông nghiệp các nước trong Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã nhóm họp tại thành phố Miyazaki, Tây Nam (Nhật Bản), để tìm kiếm giải pháp nhằm đảm bảo nguồn cung cấp lương thực ổn định. Các Bộ trưởng G7 đã nhất trí sẽ mở rộng sản xuất lương thực và hỗ trợ những nước đang phát triển tăng cường an ninh lương thực trên cơ sở thúc đẩy nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường.
“FAO cam kết để tiếp tục cùng hợp tác với các bên liên quan để đạt được các mục tiêu chung của chúng ta là sản xuất tốt hơn, dinh dưỡng tốt hơn, môi trường tốt hơn, cuộc sống tốt hơn. Hội nghị này rất quan trọng để thảo luận về các rào cản, các khó khăn, thách thức chính liên quan đến việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm” - ông Qu Dongyu khẳng định.
ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM, TĂNG THU NHẬP CHO NÔNG DÂN
Ngay sau phần khai mạc, cũng trong ngày 24/4, Hội nghị tiến hành ba phiên tọa đàm cấp Bộ trưởng.
Phiên 1 có sự tham gia của ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam; ông Christian Hofer - Bộ trưởng Nông nghiệp Thụy Sĩ; ông Meles Mekonen - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Ethiopia.
Phiên 2 có sự tham gia của ông Ildephonse Musafiri - Bộ trưởng Nông nghiệp và Tài nguyên Động vật Rwanda; ông San Vanty - Bộ trưởng Bộ Nông lâm ngư nghiệp Campuchia; ông Mithika Linturi - Tổng thư ký Phát triển Nông nghiệp và Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp Chăn nuôi Thủy sản và Hợp tác xã Kenya.
Phiên 3 có sự tham gia của ông Samuel Kawale - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Malawi; ông Yaw Addo Frimpong Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Lương thực Ghana …
Phát biểu tại phiên tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho hay trong khoảng 30 năm trở lại đây, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ lớn trong việc giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm và đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế cũng như phát triển kinh tế-xã hội. Nông nghiệp Việt Nam đã thể hiện vai trò, vị thế to lớn đối với phát triển kinh tế và ổn định xã hội.
“Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam chủ yếu là các nông hộ quy mô nhỏ, manh mún. Người sản xuất nông nghiệp vẫn tiếp tục nằm trong nhóm những người có thu nhập thấp nhất và dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt trong điều kiện biến đổi khí hậu, dịch bệnh mới nổi và các biến động thị trường”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, tốc độ tăng trưởng liên tục của ngành nông nghiệp trong những thập niên gần đây với chiến lược thâm canh cao đã gây ra những tác động đối với môi trường. Kèm theo đó là sự xuất hiện của những hình thái mới về mất an ninh dinh dưỡng trong chế độ ăn, chế độ dinh dưỡng. Trong khi đó, nhu cầu của thị trường thay đổi nhanh chóng, đặt ra các yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, dinh dưỡng, tiêu chuẩn công bằng và bền vững.
"Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam đang triển khai xây dựng Kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ngành nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, bao gồm Kế hoạch “Giảm phát thải khí mê-tan trong lĩnh vực nông nghiệp đến 2030”.
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Tại COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết Việt Nam phấn đấu đạt phát thải ròng bằng '0' vào năm 2050 và hai cam kết khác có liên quan chặt chẽ đến ngành nông nghiệp, đó là cam kết tham gia sáng kiến “Giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu” và cam kết thực hiện “Tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất”.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm là nhiệm vụ liên ngành với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, các bộ, ngành địa phương, các tổ chức đoàn thể, và mọi tác nhân trong toàn hệ thống lương thực thực phẩm. Việc chuyển đổi phải gắn với phát triển nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường khả năng chống chịu trước các cú sốc, góp phần nâng cao uy tín và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
"Chuyển đổi phải hướng tới nâng cao thu nhập cho người sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, đảm bảo khả năng tiếp cận và thụ hưởng lương thực thực phẩm lành mạnh cho mọi đối tượng và trong mọi tình huống, đặc biệt đối với khu vực khó khăn, nhóm người nghèo và dễ bị tổn thương", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.