Theo dữ liệu năm 2020 của Liên hợp quốc, dân số thế giới ngày càng già với chỉ hơn 33% ở độ tuổi dưới 20, giảm đáng kể so với tỷ lệ 44% vào năm 1950. Trong khi đó, tỷ lệ dân số trên 40 tuổi toàn cầu hiện là gần 37%.
Châu Âu là khu vực có tỷ lệ dân số già cao nhất thế giới, theo sau là Bắc Mỹ. Giới chuyên gia nhận định, dân số già hóa chủ yếu do tuổi thọ tăng lên và tỷ lệ sinh giảm xuống.
Năm 2020, trên thế giới có hơn 147 triệu người ở độ tuổi 80-99, chiếm 1,9% dân số. Trong khi đó, vào năm 1950, tỷ lệ này chỉ là gần 0,05%.
Dân số già hóa thường kéo theo nhiều vấn đề như lực lượng lao động giảm và nhiều người trông chờ vào lương hưu hơn. Điều này có thể gây áp lực đối với những người trong độ tuổi lao động nếu chính phủ các nước tăng thuế để bổ sung vào ngân sách phúc lợi xã hội.
Tất nhiên, dân số già hóa cũng có những tác động tích cực với xã hội. Đơn cử, người già có xu hướng làm tình nguyện nhiều hơn so với các nhóm tuổi khác. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng cộng đồng người cao tuổi có tỷ lệ phạm tội thấp hơn. Tại Australia, tỷ lệ phạm tội được dự báo giảm 16% khi dân số nước này già hơn vào năm 2050.
Để giảm thiểu những rủi ro liên quan tới việc dân số già hóa nhanh chóng, một số quốc gia đã và đang nghiên cứu hệ thống hưu trí bền vững hơn để vừa hỗ trợ người già vừa giảm áp lực đối với nhóm dân số trong độ tuổi lao động.