Samsung Electronics ngày 11/10 cho biết lợi nhuận hoạt động của công ty có thể giảm 78% trong quý 3 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng dư thừa con chip trên toàn cầu gây ra thua lỗ ở mảng bán dẫn - bộ phận vốn là “cỗ máy in tiền” của hãng điện tử Hàn Quốc này.
Theo tin từ Reuters, Samsung - nhà sản xuất chip nhớ và smartphone lớn nhất thế giới - ước tính lợi nhuận hoạt động giảm còn 2,4 nghìn tỷ won, tương đương 1,79 tỷ USD, trong quý vừa rồi từ mức 10,85 nghìn tỷ won trong quý 3/2022. Tuy giảm mạnh, mức lợi nhuận mà Samsung đưa ra trong báo cáo tài chính sơ bộ vẫn cao hơn con số dự báo 2,1 nghìn tỷ won mà các nhà phân tích đưa ra.
Ngoài ra, mức lợi nhuận quý 3 này vẫn cao hơn các con số lợi nhuận 640 tỷ won ghi nhận trong quý 1 và 670 tỷ won của quý 2 năm nay. Lợi nhuận quý 1/2023 của Samsung là mức thấp nhất kể từ năm 2009.
Giá cổ phiếu Samsung niêm yết tại thị trường Hàn Quốc tăng 3,3% sau khi báo cáo trên được công bố, so với mức tăng 1,8% của toàn thị trường.
Quý 1 và quý 2, Samsung báo lỗ tương ứng 4,58 nghìn tỷ won và 4,36 nghìn tỷ won ở bộ phận chip, do giá chip nhớ giảm chóng mặt và giá trị hàng tồn kho bị cắt giảm.
Sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu và môi trường lãi suất cao đã gây suy yếu nhu cầu đối với hầu hết các loại hàng hoá tiêu dùng sau một thời kỳ tăng trưởng bùng nổ do đại dịch Covid-19. Sự suy giảm nhu cầu đối với các sản phẩm như điện thoại thông minh và máy tính xách tay - các thiết bị cần chip - buộc các nhà sản xuất chip như Samsung phải giảm sản lượng nhằm ngăn giá chip giảm sâu hơn. Trước khi xảy ra tình trạng khủng hoảng thừa chip như hiện nay, thế giới đã trải qua một cuộc khủng hoảng thiếu chip trong thời gian đại dịch.
Tuy Samsung chưa đưa ra con số cụ thể, các nhà phân tích cho rằng thua lỗ ở mảng chip nhớ của hãng trong quý 3 năm nay có thể giảm còn 3 nghìn tỷ won do hãng đã tập trung nhiều hơn vào những loại chip cao cấp có tỷ suất lợi nhuận lớn hơn như chip DRAM sử dụng cho công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), đồng thời cắt giảm sản lượng các sản phẩm chip kém hiện đại.
Một đối thủ lớn của Samsung là hãng chip Mỹ Micron Technology hồi tháng trước đã dự báo thua lỗ trong quý 3, làm dấy lên lo ngại về sự phục hồi chậm chạp trên các thị trường chủ đạo của nhà sản xuất chip nhớ này, chẳng hạn các trung tâm dữ liệu.
Tuy nhiên, giá chip DRAM, loại được sử dụng trong các thiết bị công nghệ, bắt đầu tăng mạnh trở lại vào cuối quý 3 vừa qua. Giá chip NAND Flash dùng cho lưu trữ dữ liệu có thể sẽ bắt đầu hồi phục trong quý 4 này, đưa ngành công nghiệp chip đảo ngược giia đoạn suy giảm bắt đầu vào năm ngoai - giới phân tích dự báo.
Quý 3 thường là một quý lợi nhuận cao hàng năm tại các mảng điện thoại và màn hình của Samsung, vì đó là khoảng thời gian hãng trình làng các mẫu smartphone cao cấp và nhu cầu màn hình từ các khách hàng như Apple tăng trước khi “táo khuyết” trình làng chiếc iPhone thế hệ mới. Samsung là nhà cung cấp màn hình cho điện thoại iPhone của Apple.
Báo cáo ngày 11/10 của Samsung dự báo doanh thu quý 3 của hãng có thể giảm 67% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 67 nghìn tỷ won, tương đương khoảng 50 tỷ USD.
Nhà phân tích SK Kim của công ty Daiwa Securities lạc quan về triển vọng kinh doanh của Samsung trong thời gian tới, cho rằng tình trạng dư thừa chip sẽ giảm dần và giá chip nhớ sẽ khởi sắc trong quý 4 này. Một báo cáo của Citi hồi tháng 8 dự báo Samsung sẽ sớm bắt đầu cung cấp chip nhớ cho bộ phận xử lý đồ hoạ của hãng chip Mỹ Nvidia để sử dụng cho AI.
Ông Kim nhận định đây sẽ là một “cú huých” cho Samsung, và nói thêm: “Chúng tôi dự báo sẽ có các cơ hội tăng trưởng cho Samsung trong năm 2024 liên quan đến nhu cầu AI”.