Gần đây, thời trang dành cho người có vóc dáng đầy đặn được chú trọng nhiều hơn. Không ít nhà mốt đã trao cho các người mẫu ngoại cỡ những đặc quyền bình đẳng như các người mẫu có phom dáng chuẩn để xuất hiện trong các show diễn, bộ ảnh thời trang hay thậm chí là chiến dịch quảng bá thương hiệu. Ngoài ra, cũng có nhiều thương hiệu thời trang giới thiệu các BST đặc biệt dành riêng cho các đối tượng khách hàng có phom dáng ngoại cỡ.
Dần dần, các nhà mốt đã cho giới mộ điệu thấy sự bình đẳng giữa trang phục mang phom dáng tiêu chuẩn và ngoại cỡ một cách rõ ràng nhất. Đặc biệt là show Savage x Fenty của Rihanna, nơi hội tụ các người mẫu và nghệ sĩ thuộc mọi phom dáng khác nhau, đã cho thấy tầm nhìn của ngành thời trang đã thay đổi rất nhiều so với giai đoạn đầu thế kỷ 20.
Hơn hết, nhiều thương hiệu xa xỉ đã minh chứng cho việc trang phục không chỉ dành cho người mẫu sàn diễn mang số đo tiêu chuẩn mà là dành cho mọi kích cỡ khác nhau. Trong đó, Dolce & Gabbana là nhà mốt cao cấp đầu tiên giới thiệu các thiết kế Ready-to-wear với kích cỡ US 16 – 18 từ năm 2019.
Khi nền tảng bán lại và ký gửi hàng xa xỉ The RealReal lần đầu tiên mở cửa hàng truyền thống vào năm 2017, họ đã nhận được nhiều phản hồi trực tiếp có giá trị từ một số khách hàng của mình. Theo đó, khách hàng rất yêu thích túi xách, giày dép và phụ kiện đã qua sử dụng được bán trên nền tảng, nhưng họ không tìm được bộ trang phục nào phù hợp.
Người đứng đầu bộ phận bán hàng Sasha Skoda nhớ lại: “Chúng tôi bắt đầu xem xét dữ liệu và nhận ra nhu cầu về hàng may mặc cỡ lớn đã vượt quá nguồn cung. Chúng tôi đã bỏ qua không phục vụ một lượng khán giả khổng lồ vào thời điểm đó".
Có nhiều thông tin trái chiều về kích cỡ trang phục trung bình của phụ nữ, nhưng một số nghiên cứu cho rằng size số trung bình của phụ nữ Anh là cỡ 16 và Hoa Kỳ ở cỡ 16 - 18 (tương đương size 18 - 20 của Vương quốc Anh). Hiện tại, kích thước phổ biến nhất của trang phục được bán lại qua nền tảng The RealReal là cỡ trung bình, khoảng size US 6 - 8 và size UK 10 – 12. Nghĩa là đa số những bộ trang phục được bán ra có size nhỏ hơn khá nhiều so với nhu cầu chung của khách hàng.
Đó là điều mà giờ đây nền tảng bán lại hàng xa xỉ này hy vọng sẽ thay đổi bằng cách hợp tác với nhà bán lẻ thời trang ngoại cỡ 11 Honoré. Mong muốn của The RealReal là mở rộng khả năng tiếp cận với hàng sang trọng có kích thước lớn trên thị trường đồ cũ, và một mối quan hệ hợp tác này thực tế đã được “kích hoạt” từ trước đại dịch. Mối quan hệ hợp tác dự kiến sẽ kéo dài trong sáu tháng với khả năng gia hạn được hai bên bỏ ngỏ.
Ý tưởng ban đầu là khuyến khích nhiều khách hàng ngoại cỡ bán lại quần áo của họ. Tiếp theo, bất kỳ người tiêu dùng nào đặt hàng quần áo size XL hoặc lớn hơn với The RealReal sẽ được giảm giá 30% cho đơn hàng mua tại 11 Honoré. Cả hai thương hiệu không yêu cầu giá trị tối thiểu cho mỗi hóa đơn, nhưng sản phẩm được mua và bán phải đáp ứng tiêu chí điều kiện của The RealReal, ví dụ: công ty cho biết họ sẽ không chấp nhận các mặt hàng thời trang nhanh vì chúng không được sản xuất với tiêu chí bền vững.
Patrick Herning, người sáng lập 11 Honoré cho biết thương hiệu muốn người tiêu dùng có thân hình quá khổ nên đầu tư vào một sản phẩm phù hợp với kích thước của họ, sau đó họ có thể điều chỉnh lại khi cần thiết. “Chúng tôi luôn tìm kiếm cơ hội cung cấp những bộ trang phục chất lượng trong lĩnh vực thời trang ngoại cỡ. Với hàng may mặc cỡ lớn, tuổi thọ sản phẩm không chỉ được xác định bởi chất lượng của vật liệu và cấu trúc mà còn do cách trang phục vừa vặn với một cơ thể quá khổ”.
Việc chuyển từ thời trang nhanh sang hàng xa xỉ đã qua sử dụng sẽ mở ra thêm một lối thoát, cả về tài chính lẫn đạo đức hoặc bền vững. Một rào cản duy nhất chính là nhiều nền tảng bán lại có chính sách hoàn trả chặt chẽ hơn. The RealReal cho phép khách hàng trả lại trong vòng 21 ngày kể từ ngày mua hàng tại cửa hàng hoặc ngày giao hàng ban đầu, nhưng thường các nền tảng tương đương hoàn toàn không cho phép trả lại hàng.
The RealReal cho biết quan hệ đối tác với 11 Honoré là một hình thức khuyến khích khách hàng mua sản phẩm chất lượng cao để có vòng đời dài hơn, hơn là mua hàng giá rẻ rồi nhanh chóng vứt bỏ. “Với những quan hệ đối tác và những ưu đãi của cả hai bên này, chúng tôi mang tới cho khách hàng lý do để tham gia thị trường bán lại. Mua các sản phẩm sang trọng chất lượng cao như của 11 Honoré là tăng khả năng mua đi bán lại trên thị trường thứ cấp. Đây là yếu tố then chốt của nền kinh tế tuần hoàn, bởi bạn không thể kéo dài tuổi thọ của những món hàng may mặc kém chất lượng”, James Rogers, giám đốc phụ trách tính bền vững của The RealReal cho biết.
Hiện 11 Honoré cũng đang hợp tác với một số thương hiệu ở thị trường sơ cấp để khuyến khích các thương hiệu mở rộng dải kích thước. “Đó là một quy trình mới. Nếu chúng ta bắt đầu thay đổi từ phía nhà thiết kế, chúng ta không chỉ mang đến cơ hội tiếp cận hàng xa xỉ với những khách hàng ngoại cỡ khá giả, mà đồng thời sẽ cung cấp cơ hội bán lại nó cho một người tiêu dùng khác cũng khát khao không kém”, ông Herning nói. “Vì vậy, quy trình này đang tạo ra một trải nghiệm bán lẻ hoàn toàn mới thông qua lăng kính của thị trường thứ cấp mà về cơ bản chưa từng tồn tại trước đây”.