June 11, 2024 | 07:22 GMT+7

Thêm doanh nghiệp ngoại gia nhập "cuộc đua" đào tạo nhân lực ngành bán dẫn

Anh Nhi -

Để đáp ứng mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư cho ngành công nghiệp bán dẫn vào năm 2030, hàng loạt tập đoàn bán dẫn nước ngoài đã gia nhập “cuộc đua” đào tạo nhân lực ngành bán dẫn của Việt Nam…

Nhiều doanh nghiệp coi Việt Nam là thị trường chiến lược, mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành bán dẫn.
Nhiều doanh nghiệp coi Việt Nam là thị trường chiến lược, mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành bán dẫn.

Trong suốt 20 năm qua, thị trường chip bán dẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định với mức tăng trưởng bình quân 14%/năm. Theo Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn (SIA), thị trường bán dẫn toàn cầu dự kiến sẽ đạt 600 tỷ USD vào năm 2025 và lên con số nghìn tỷ USD vào năm 2030.

NGUỒN NHÂN LỰC CHƯA ĐÁP ỨNG YÊU CẦU CHUYÊN MÔN

Tại Việt Nam, thời gian vừa qua đã thu hút nhiều “ông lớn” trong ngành công nghiệp bán dẫn như Samsung, Amkor, Infineon… tới đầu tư, xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp… có giá trị lên tới hàng tỷ USD. Nhiều dự báo cho thấy công nghiệp bán dẫn Việt Nam sẽ vượt 6 tỷ USD vào cuối năm nay và đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất quan trọng của nhiều doanh nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Tuy nhiên, ngành công nghiệp bán dẫn vẫn là ngành sản xuất mới tại Việt Nam nên nguồn lao động được đào tạo chính về công nghiệp bán dẫn còn hạn chế, chủ yếu là lao động được đào tạo về các chuyên ngành học liên quan đến lĩnh vực bán dẫn. Do vậy, lao động được doanh nghiệp tuyển vào để đảm nhiệm các vị trí kỹ thuật, sản xuất về công nghiệp bán dẫn đều chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn của doanh nghiệp và thị trường.

Vì vậy, để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam đặt ra mục tiêu đào tạo 50.000 nhân lực chất lượng cao, làm việc trong tất cả các công đoạn của lĩnh vực bán dẫn. Việt Nam cũng đã hợp tác với rất nhiều tập đoàn lớn để tổ chức đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn trong tương lai.

“Sự hợp tác này là rất cần thiết bởi muốn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, phải bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế, không thể một mình một cách thức đào tạo”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ về Đề án Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và trình Chính phủ.

TẬP TRUNG VÀO MỘT SỐ CÔNG ĐOẠN

Không chỉ Việt Nam có nhu cầu phát triển công nghiệp bán dẫn mà theo ông Marvin Mu, Phó chủ tịch Tập đoàn Máy tính và Truyền thông Silicon Power, Việt Nam cũng là thị trường bán dẫn hấp dẫn với doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, rất nhiều doanh nghiệp coi Việt Nam là thị trường chiến lược, mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

“Do vậy, các doanh nghiệp bán dẫn cũng mong muốn hợp tác với Việt Nam trong việc hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lực cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành này trong tương lai”, ông Marvin nói.

Tập đoàn Máy tính và Truyền thông Silicon Power và Cao đẳng FPT Polytechnic ký kết thỏa thuận hợp tác để nâng cao chất lượng đào tạo trong ngành bán dẫn.
Tập đoàn Máy tính và Truyền thông Silicon Power và Cao đẳng FPT Polytechnic ký kết thỏa thuận hợp tác để nâng cao chất lượng đào tạo trong ngành bán dẫn.

Bên cạnh những gã khổng lồ như Nvidia, Samsung, Synopsys… mới đây, Tập đoàn Máy tính và Truyền thông Silicon Power cũng đã gia nhập cuộc đua này. Theo đó, Silicon Power đã ký thỏa thuận hợp tác với Cao đẳng FPT Polytechnic để nâng cao chất lượng đào tạo trong ngành bán dẫn.

Theo thỏa thuận này, Tập đoàn Silicon Power sẽ tiếp nhận sinh viên ngành bán dẫn được đào tạo tại FPT Polytechnic sang Đài Loan thực tập, làm việc tại khoảng 180 vị trí khác nhau - từ sản xuất đến thiết kế sản phẩm và các ngành phụ trợ. Đây là cơ hội lớn cho sinh viên FPT Polytechnic được học lên các bậc học cao hơn về ngành này tại các trường Đại học tại Đài Loan.

“Tôi nghĩ sự hợp tác lần này thực sự là bước tiến lớn cho sự phát triển của công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam và Đài Loan. Chương trình đào tạo có sẵn đầu ra để các bạn sinh viên có thể học tiếp lên bậc học cao hơn hoặc làm việc ngay tại các doanh nghiệp Đài Loan và nhiều nước khác có nhu cầu. Chắc chắn trong khoảng từ 2-5 năm tới, khi các bạn quay trở về Việt Nam sẽ là nguồn nhân lực bổ sung nội lực mạnh mẽ cho Việt Nam trong việc phát triển chip và bán dẫn”, ông Marvin Mu chia sẻ.

Chia sẻ thêm về sự hợp tác này, ông Vũ Chí Thành, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic, cho biết sản xuất bán dẫn có rất nhiều công đoạn phức tạp nên trước mắt, Việt Nam cần tập trung vào lĩnh vực đào tạo về thiết kế, kiểm thử với sự hỗ trợ của các tập đoàn lớn về bán dẫn trên thế giới có ý định đầu tư vào Việt Nam.

“Cùng với việc được cấp phép đào tạo về công nghệ bán dẫn theo khung chương trình của Anh quốc tại Việt Nam, FPT Polytechnic đã làm việc với nhiều tập đoàn nổi tiếng thế giới, chuẩn bị đầy đủ các chỗ thực tập để giúp sinh viên có cơ hội trải nghiệm thực tế, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp quốc tế”, ông Thành cho biết.

Đáng chú ý, không chỉ nhìn thấy tiềm năng của lĩnh vực bán dẫn, ông Marvin Mu còn cho rằng việc hợp tác với FPT còn là bước khởi đầu cho kế hoạch mở rộng hoạt động của Silicon Power tại Việt Nam trong những lĩnh vực khác, bao gồm ổ cứng SSD, RAM và máy tính cá nhân…

“Thị trường người dùng tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, vì vậy, chúng tôi tin tưởng vào việc mở rộng của mình với mục tiêu trở thành một trong những nhà cung cấp hàng đầu cho thị trường Việt Nam. Dự kiến, thời gian tới, Silicon Power sẽ mở trụ sở chính khu vực Đông Nam Á tại Việt Nam”, ông Marvin cho biết.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate