Quả đúng vậy, các cuộc khảo sát cho hay nông sản, thực phẩm nước ta những năm gần đây không an toàn từ khâu sản xuất đến quy trình chế biến, bảo quản và tiêu thụ. Vấn nạn này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, niềm tin của người tiêu dùng mà còn dẫn đến nguy cơ mất cân bằng trong cơ cấu phát triển nông nghiệp, kém hiệu quả cả về giá trị kinh tế và ý nghĩa nhân văn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có khoảng 10% dân số thế giới bị ngộ độc do ăn thức ăn nhiễm độc, trong số đó có hàng trăm nghìn người bị chết vì nguyên nhân thực phẩm không an toàn. Ở Việt Nam, tỷ lệ thực phẩm chưa an toàn còn rất cao. Số lượng các vụ ngộ độc thực phẩm cũng như số người bị nhiễm độc thực phẩm do các tác nhân nấm mốc, vi sinh vật, thuốc tăng trọng, thuốc kích thích sinh trưởng, kháng sinh, thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản, thuốc chống ẩm mốc… còn xuất hiện, tồn dư hóa chất trong thực phẩm sử dụng hàng ngày của người tiêu dùng còn khá cao, đặc biệt là các trường hợp mắc bệnh nhiễm trùng bởi thực phẩm. Con số thống kê ngộ độc thực phẩm cho thấy số vụ và số người bị ngộ độc không giảm trong những năm gần đây mà còn có dấu hiệu gia tăng. Một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng trên là do phương thức sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn lạc hậu, nhỏ lẻ; quản lý chất lượng sản phẩm còn lỏng lẻo ở nhiều khâu trong chuỗi từ sản xuất, chế biến, vận chuyển, bao gói, tiêu thụ thực phẩm; nhận thức và ý thức, trách nhiệm về an toàn của các tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi sản xuất, quản lý còn nhiều hạn chế; công tác kiểm tra, giám sát, chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe. Thực tế này đã đặt ra yêu cầu cần có những rà soát, đánh giá tổng thể, nhận diện các vấn đề cốt lõi; các nguyên nhân sâu xa dẫn tới tình trạng trên, từ đó, có những giải pháp phù hợp và hiệu quả nhằm đạt được sự cải thiện thực tế trong ngắn hạn và lâu dài. Trước vấn nạn thực phẩm “bẩn” trong nước, người dân đang có xu hướng mua những sản phẩm an toàn hơn ở thị trường ngoại nhập. Tuy nhiên trên thực tế, khi mua tại chợ đầu mối Việt thì những sản phẩm này cũng chưa chắc đã an toàn vì tình trạng làm giả, nhiều chủ hàng lạm dụng hóa chất bảo quản giữ tươi lâu đến hàng tháng trời. Nhiều người nội trợ có kinh nghiệm cho biết, họ thường chỉ mua trái cây ngoại nhập ở các siêu thị lớn cho dù giá ở đó không phải lúc nào cũng tốt nhất nhưng họ tin tưởng vào hệ thống kiểm soát, nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm cũng như uy tín của các siêu thị này.
Các diễn giả trình bày trong phiên thảo luận - Ảnh: Việt Tuấn.
Với lợi thế về phát triển nông nghiệp, trong những năm qua, Việt Nam từ một nước nhập khẩu lương thực, đến nay không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu về lương thực, thực phẩm cho hơn 90 triệu dân, đảm bảo an ninh dinh dưỡng mà nhiều mặt hàng xuất khẩu còn đứng trong tốp đầu của thế giới. Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam cũng đang đứng trước cơ hội và những thách thức trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt; tăng trưởng và giá trị gia tăng ngành nông nghiệp trong những năm gần đây có xu hướng giảm và vấn đề mất vệ sinh, an toàn thực phẩm. Hiện nay đã có nhiều chủ trương, chính sách chỉ đạo các cấp các ngành, địa phương huy động nguồn lực con người và lợi thế tự nhiên để phát triển nông nghiệp xanh, sạch, bền vững, an toàn góp phần quan trọng vào xoá đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập của người nông dân cải thiện sức khỏe, dinh dưỡng và cuộc sống cho nhân dân. Trong hội thảo Nông nghiệp an toàn: “Giải pháp thúc đẩy trách nhiệm thực thi trong quản lý chuỗi giá trị nông nghiệp” do Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức ngày 15/7 vừa qua, đã có nhiều ý kiến thẳng thắn của các vị đại biểu nhằm tìm ra những giải pháp hữu hiệu đẩy nền nông nghiệp nước ta phát triển sang trang mới, an toàn và giá trị hơn. Có thể thấy chưa khi nào “ sức nóng” của vấn nạn thực phẩm lại cao độ như hiện nay, khi ban tổ chức truyền thông tin về hội thảo này, ngay lập tức nhận được tất cả sự quan tâm của đông đảo các giới, từ Trung ương, đến các bộ, ban, ngành, các hiệp hội liên quan, đại diện FAO, Đại sứ quán Mỹ, ngân hàng Worlbank, đặc biệt là nhà tài trợ vàng Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển nông thôn Agribank, phối hợp tổ chức có Viện Chính sách chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn IPSARD và tài trợ quà tặng từ Công ty cổ phần VQC ( Vqcgroup). Tại hội thảo, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội nhà báo Việt Nam đã nhấn mạnh: Tôi đánh giá cao sáng kiến, nỗ lực của Thời báo Kinh tế Việt Nam đã tổ chức hội thảo này, tôi tin tưởng với sự tham gia của hàng trăm cơ quan báo chí có mặt tại đây, thông điệp chống thực phẩm bẩn, tạo nền nông nghiệp an toàn bền vững sẽ được báo chí truyền thông hiệu quả hơn. Đây là yếu tố quan trọng góp phần xây dựng hình ảnh uy tín quốc gia, góp phần phát triển giống nòi Việt Nam.
Ông Phùng Hữu Hào, Phó cục trưởng Cục quản lý chất lượng Nông lâm và Thuỷ sản,
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Ảnh: Việt Tuấn.
Bà Dương Thị Mai Hoa, Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup
và bà Nguyễn Thị Phượng, Phó tổng giám đốc Agribank ký kết hợp tác.
Nhiều năm qua ngành Nông nghiệp coi an toàn thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm. 2016 là năm cao điểm về an toàn thực phẩm, Bộ NN- PTNT sẽ tiếp tục rà soát các quy định, ban hành bổ sung các tiêu chuẩn kỹ thuật để siết chặt quản lý chất lượng nông sản. Công tác thanh tra sẽ được tăng cường. Công tác nâng cao chất lượng nhân lực được chú trọng. Đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ, máy móc vào chế biến nông sản an toàn. Thực hiện các chuỗi sản xuất liên kết tạo ra các nông sản an toàn. |
Kết quả 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy: Rau có 4,2% vi phạm trong đó thuốc bảo vệ thực vật chiếm 3,98% giảm so với đợt cao điểm hành động về vệ sinh an toàn thực phẩm (5,17%), thịt có 10,93%, trong đó vi sinh 9,7% giảm so với đợt cao điểm hành động về vệ sinh an toàn thực phẩm (15,4%), hóa chất, kháng sinh, chất cấm, kim loại nặng (chiếm 1,3%, giảm so với đợt cao điểm hành động về vệ sinh an toàn thực phẩm (1,91%), thủy sản nuôi (1,61%) trong đó chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, chất cấm (chiếm 1,41%, tăng so với cuối năm 2015 (1,14%). |
Diệu Huyền