Công ty Cổ phần Thép POMINA (mã POM-HOSE) thông báo Nghị quyết HĐQT về việc tạm dừng triển khai kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược Nansei.
Theo đó, HĐQT POM thông qua việc tạm dừng triển khai kế hoạch chào bán cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản. Đặc biệt việc tạm dừng kế hoạch này trước thềm ĐHĐCĐ bất thường năm 2024.
Theo kế hoạch ban đầu, Pomina sẽ phát hành riêng lẻ hơn 70 triệu cổ phiếu (hơn 20% vốn điều lệ) cho hãng thép Nhật Bản với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng số tiền huy động 700 tỷ đồng.
Bên cạnh phát hành cổ phiếu riêng lẻ, Pomina cũng dự tính chuyển nhượng một phần vốn tại Công ty TNHH Pomina 3, đồng thời vay vốn tại ngân hàng BIDV với hạn mức tín dụng hơn 699 tỷ đồng. Với số tiền thu về, Pomina sẽ khởi động lại lò cao và tái cấu trúc để tăng năng lực tài chính cho công ty và kỳ vọng phục hồi trong thời gian tới.
Mới đây, POM chốt danh sách đăng ký cuối cùng để dự Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường nhằm thông qua phương án tái cấu trúc công ty. Ngày đăng ký cuối cùng là ngày 16/2/2024. Tuy nhiên thời gian tổ chức ĐHĐCĐ bất thường chưa được công ty công bố.
Trên thị trường, cổ phiếu POM đang trong tình trạng bị kiểm soát. Để khắc phục tình trạng này, vừa qua, POM cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong hai năm qua việc thu nhập thư xác nhận từ nhà thầu Trung Quốc gặp nhiều khó khăn và công ty cam kết sẽ xác nhận công nợ nhà cung cấp nước ngoài; chuẩn bị các phương án khả thi về cân đối dòng tiền cho giả định hoạt động liên tục cùng với các bằng chứng chắc chắn cho giả định này để khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu.
Đồng thời, POM cũng tiếp tục làm việc với các ngân hàng để thu thập ý kiến và xác nhận của các ngân hàng về việc tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Công ty; tiếp tục duy trì giới hạn tín dụng, cơ cấu lại các khoản vay, gia hạn nợ và điều chỉnh thời gian cho vay dài hơn.
Trước đó, tại Báo cáo tài chính bán niên 2023 đã soát xét, Pomina báo lỗ ròng lên tới 504 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, trong khi cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2022 chỉ lỗ 23,087 tỷ đồng và đây là khoản lỗ kỷ lục mà doanh nghiệp thép này ghi nhận trong 6 tháng đầu năm.
Theo giải trình từ phía công ty, công ty báo lỗ là do nhà máy theo Pomina 3 vẫn còn ngưng hoạt độ nhưng phải gánh chịu nhiều chi phí trong đó có chi phí lãi vay. Pomina 3 sẽ hoạt động trở lại dự kiến vào quý 4/2023 ngay sau khi phát hành vốn riêng lẻ cho nhà đầu tư.
Mặt khác, tình hình bất động sản đóng băng, nhu cầu tiêu thụ thép và doanh thu trong kỳ sụt giảm mạnh, dẫn đến công ty bị sụt giảm doanh thu, trong khi chi phí cố định và lãi vay cao gây lỗ lớn trong kỳ.
Đáng chú ý, đơn vị kiểm toán của POM là Ernst & Young Việt Nam đã có ý kiến nhấn mạnh liên quan tới khoản lỗ thuần gần 505 tỷ đồng và khoản lỗ luỹ kế 758 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2023. Bên cạnh đó, nợ ngắn hạn ghi nhận 7.770 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý 2, vượt quá lượng tài sản ngắn hạn gần 3.400 tỷ, tương ứng vốn lưu động bị âm 4.300 tỷ đồng.
Ngoài ra, trên bảng cân đối kế toán, tại thời điểm 30/6/2023, Pomina ghi nhận khoản vay ngân hàng gần 6.266 tỷ đồng, trong đó 5.420 tỷ đồng là khoản vay ngắn hạn. Trong đó, nhiều khoản vay ngân hàng đã quá hạn thanh toán lãi và gốc với giá trị 2.200 tỷ đồng, không ít khoản vay khác cũng sắp đến hạn thanh toán vào đầu năm 2024.
Cùng với đó, khoản phải trả người bán ngắn hạn có giá trị 922 tỷ đồng. Pomina đang trong quá trình làm việc với các nhà cung cấp để gia hạn thanh toán cho các khoản phải trả nói trên
Theo đơn vị kiểm toán, các điều kiện này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Thép Pomina.