Tổng lợi nhuận sau thuế toàn thị trường trong Quý 3/2024 tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2023, tương đương với tốc độ tăng trưởng trong hai quý đầu năm tăng lần lượt 21,2% trong Quý 1 và tăng 19,9% trong Qúy 2/2024, theo số liệu thống kê từ FiinTrade.
Điều này cho thấy xu hướng tăng trưởng đang được duy trì ổn định. Tăng trưởng chung đóng góp chủ yếu bởi nhóm Phi tài chính tăng 28,5% trong khi nhóm Tài chính ghi nhận mức tăng thấp hơn 16,5% do lợi nhuận kém đi ở Chứng khoán giảm 8,6% và Bảo hiểm giảm 34,5%. Riêng với Ngân hàng, xu hướng tăng so với cùng kỳ tiếp tục được duy trì, đạt 17,6% trong Q3/2024, nhưng giảm tốc so với quý trước tăng 21,6% trong Q2/2024.
Sau khi kết quả kinh doanh quý 3/2024 được cập nhật cùng với nhịp điều chỉnh nhẹ gần đây VN-Index giảm 4% trong gần 1 tháng, P/E toàn thị trường hiện ở mức 13,2x, thấp hơn khoảng 12% so với mức trung bình giai đoạn từ 2015 đến nay và tiếp tục bị tác động bởi mức P/E thấp của ngành Ngân hàng trong khi đó, P/E vẫn neo ở mức cao với nhóm Phi tài chính.
Nhìn lại lịch sử P/E giai đoạn từ 2020 trở lại đây, mỗi khi P/E về dưới 12x, thị trường ở trạng thái quá bán (RSI <30, Vn-Index giảm tối thiểu 10%), tỷ lệ cổ phiếu nằm dưới các ngưỡng hỗ trợ trung dài hạn vượt mốc 80%-90%, có kỳ vọng mạnh về tăng trưởng lợi nhuận thì đó sẽ là thời điểm VN-Index đảo chiều đi lên.
Ở thời điểm hiện tại, P/E đang cao hơn 39% so với đáy lịch sử 9,6x vào tháng 11/2022 và cao hơn 4% so với đáy 1 năm 12,7x vào tháng 10/2023, thị trường chưa vào vùng quá bán với mức điều chỉnh khoảng -4%, tỷ lệ cổ phiếu nằm dưới các đường MA50/MA100/MA200 ở mức trung tính (60%-70%), kỳ vọng tăng trưởng duy trì ổn định, thì thị trường chưa thể hấp dẫn dòng tiền quay trở lại.
Ý tưởng đầu tư cho giai đoạn còn lại của năm 2024 sẽ là nhóm cổ phiếu/ngành với mặt bằng định giá thấp hơn so với thị trường chung và có câu chuyện kỳ vọng phía trước.
Theo FiinTrade, Công nghệ Thông tin, Bán lẻ, Hóa chất là ba ngành đang có kỳ vọng quá đà, thể hiện qua hệ số P/E và P/B cùng vượt xa mức trung bình 5 năm và tăng trưởng lợi nhuận thấp hơn kỳ vọng.
Trong khi đó, chỉ có 4/19 ngành đang giao dịch ở nền định giá dựa trên hệ số P/E và P/B thấp hơn so với trung bình 5 năm, bao gồm Ngân hàng, Bảo hiểm, Bất động sản, Tài nguyên cơ bản chủ yếu là Thép.
Về cơ bản, Ngân hàng và Bảo hiểm đang gặp thách thức trong việc duy trì tăng trưởng lợi nhuận ngắn hạn. Thép đã ở cuối pha hồi phục nhưng chưa xuất hiện thêm yếu tố mới để giúp lợi nhuận tiếp tục bứt phá.
Riêng với Bất động sản, đây là một trong rất ít ngành đang ở đầu chu kỳ hồi phục. Kỳ vọng tăng trưởng được hỗ trợ bởi các động thái tháo gỡ pháp lý ở các dự án bất động sản nhà ở và chuẩn bị mở bán của một số doanh nghiệp như DXG, PDR, KDH…
Chỉ số giá ngành Ngân hàng đã tăng gần 8% trong 3 tháng, cao hơn mức tăng của Vn-Index (+3,1%), nhờ sự cải thiện về định giá và tăng trưởng giá trị sổ sách. Cụ thể, CTG và một số cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ (STB, TPB, LPB) có giá tăng vượt trội so với trung bình ngành nhờ định giá mở rộng. Trong khi đó, nhóm vốn hóa lớn (VCB, BID, TCB, MBB) ghi nhận mức tăng thấp hơn và đóng góp chủ yếu từ tăng trưởng giá trị sổ sách.
Cổ phiếu Ngân đang giao dịch ở mức 1,5x P/B, duy trì sát biên độ -1 lần độ lệch chuẩn so với trung bình giai đoạn từ 2019 đến nay (1.5x). Trở ngại ngắn hạn (rủi ro NIM thu hẹp, áp lực trích lập dự phòng gia tăng…) cùng với mặt bằng giá tương đối cao (+20% trong 1 năm) khiến Ngân hàng kém hấp dẫn dòng tiền và cần mức chiết khấu sâu hơn về định giá để dòng tiền quay trở lại.