Dòng vốn nước ngoài bao gồm ETF và chủ động vẫn tiếp tục ở trạng thái rút ròng 2,6 nghìn tỷ đồng trong tháng 10/2023, nâng tổng giá trị rút ròng lũy kế từ đầu năm lên gần 11,2 nghìn tỷ đồng, thống kê từ FiinTrade.
Đáng chú ý quy mô rút ròng trong tháng 10/2023 đã giảm so với tháng 9 nhờ dòng tiền quay lại các quỹ ETFs khi thị trường điều chỉnh mạnh. Cụ thể, giá trị vào ròng ở các quỹ ETFs đạt 1,3 nghìn tỷ đồng, tập trung ở quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF 1,2 nghìn tỷ đồng, trong khi dòng vốn chủ động chịu áp lực rút ròng mạnh hơn 4 nghìn tỷ đồng.
Lũy kế 10 tháng đầu năm 2023, dòng tiền từ các quỹ ETF ngoại vẫn ở trạng thái dương hơn 5 nghìn tỷ đồng, trái ngược lại với dòng vốn chủ động nước ngoài rút ròng 16,4 tỷ đồng.
Các quỹ ETFs nước ngoài ghi nhận dòng tiền đã bớt tiêu cực hơn với giá trị vào ròng đạt gần 1,4 nghìn tỷ đồng trong tháng 10 sau diễn biến rút ròng 2 tháng liên tiếp trước đó gần 3,4 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 10 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị vào ròng ở các quỹ ETF nước ngoài đạt hơn 5 nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF vào ròng hơn 1,2 nghìn tỷ đồng. Đây là mức vào ròng cao nhất trong 7 tháng qua của quỹ này. Bên cạnh đó, phiên ngày 6/11/2023, quỹ đã phát hành ròng 9 triệu chứng chỉ quỹ (tương đương gần 80 tỷ đồng) và toàn bộ giải ngân vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Như vậy, quỹ này bắt đầu có đông thái đẩy mạnh gom cổ phiếu trong những nhịp giảm mạnh của thị trường. Ngoài ra, dòng tiền ròng quỹ Xtrackers FTSE Vietnam 30 ETF cũng quay trở lại đạt hơn 200 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, quỹ VanEck Vietnam ETF bị rút ròng hơn 194 tỷ đồng. Đây là tháng rút ròng thứ 2 liên tiếp của quỹ này với tổng giá trị đạt hơn 263 tỷ đồng.
Cần lưu ý rằng trong khi quỹ ETFs nước ngoài thu hút dòng tiền trở lại thì các ETF trong nước lại bị rút ròng mạnh hơn 1 nghìn tỷ đồng trong tháng 10/2023. Chủ yếu đến từ quỹ VFMVN Diamond ETF (-682 tỷ đồng), VFM VN30 ETF (-247 tỷ đồng) và SSIAM VNFIN LEAD ETF (-192 tỷ đồng).
Sau các phiên điều chỉnh gần đây, mặt bằng định giá chung của thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức thấp hơn so với cách đây 1-2 tháng, dấy lên kỳ vọng rằng có thể kích hoạt dòng tiền ngoại vào mạnh giống như giai đoạn cuối năm 2022.
Tuy nhiên, FiinTrade cho rằng xu hướng này khó có thể xảy ra bởi mặt bằng định giá hiện vẫn cao hơn so với giai đoạn cuối năm 2022, những chuyển biến về mặt vĩ mô đang chậm hơn kỳ vọng và diễn biến kém tích cực về dòng tiền vào các quỹ ETF ở các thị trường đang phát triển.
Dòng vốn chủ động của nước ngoài ở trạng thái âm 4 nghìn tỷ đồng trong tháng 10/2023, nâng tổng giá trị rút ròng trong 10T2023 lên mức 16,4 nghìn tỷ đồng. Xem xét cụ thể hơn, hai quỹ chủ động với tổng NAV đạt 60,375 tỷ đồng bao gồm VEIL và PYN Elite Fund ghi nhận rút ròng hơn 223 tỷ đồng.
Đánh giá của SSI Research mới đây cho rằng, một số yếu tố tích cực có thể hỗ trợ dòng tiền ETF trong thời gian tới nhờ định giá ở một số thị trường như Đài Loan và Hàn Quốc cao và triển vọng không còn nhiều do tăng trưởng lợi nhuận bị phụ thuộc nhiều vào nhóm ngành công nghệ. Dòng tiền từ các nhà đầu tư Thái Lan tiếp tục cơ cấu nhằm hạn chế tác động của đạo luật mới về thuế. Tuy nhiên, kì vọng một phần dòng tiền cá nhân rút ra có thể sẽ chuyển sang Chứng chỉ lưu kí (DR) hoặc các quỹ đầu tư từ Thái và do vậy vẫn có thể ghi nhận dòng tiền gián tiếp tới thị trường chứng khoán Việt Nam.
Yếu tố mùa vụ dòng tiền ETF thường có xu hướng giải ngân mạnh hơn trong Quý 4 và Quý 1. Bất cứ nhịp điều chỉnh mạnh của thị trường trong giai đoạn này sẽ kích hoạt dòng tiền ETF bắt đáy. Rủi ro là dòng tiền giải ngân vào Quỹ ETF có thể bị chịu ảnh hưởng bởi quán tính rút vốn từ các Quỹ ETF thị trường đang phát triển.
Nhìn chung, SSI Research duy trì quan điểm tích cực đối với dòng vốn ETF – tuy nhiên mức độ vào ròng sẽ không quá đột biến khi các biến số vĩ mô chưa có sự cải thiện rõ nét.