April 17, 2023 | 14:00 GMT+7

Thị trường đồ cũ sẽ phát triển nhanh hơn bán lẻ truyền thống?

Minh Nguyệt -

Một báo cáo từ eBay mới đây đã nêu bật cách người bán và người mua ngày nay đang áp dụng mô hình thương mại ngược (resale). Theo đó, Gen Z chính là thế hệ đang thúc đẩy nhu cầu ngày càng tăng trong việc sở hữu những món đồ đã qua sử dụng...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Được công bố năm 2022, báo cáo hàng năm của eBay về thương mại nhấn mạnh rằng, người tiêu dùng trẻ tuổi là lực lượng chính mới nổi trên thị trường đồ cũ với 80% số lượng hàng đã qua sử dụng được mua bởi Gen Z. Bên cạnh đó, cứ khoảng 1 trong số 3 người thuộc Gen Z bắt đầu hoạt động bán lại vào năm ngoái, chiếm tỷ lệ lớn nhất, 32%, trong số những người bắt đầu hoạt động kinh doanh đồ cũ vào năm 2022.

KÊNH BỔ SUNG THU HÚT NGƯỜI TIÊU DÙNG

Sau những thay đổi địa chấn do đại dịch Covid-19, sức hấp dẫn của thị trường đồ cũ đã tăng lên đáng kể. Sự xuất hiện của các trang web resale, như Depop hay Vinted, với ưu điểm dễ sử dụng đã khuyến khích người bán mới tham gia vào thị trường. Nhiều thương hiệu và nhà bán lẻ cũng đã tập trung vào thị trường resale để củng cố yếu tố bền vững và theo kịp xu hướng.

Trong nghiên cứu của eBay, khoảng 20% người được khảo sát cho biết lý do thúc đẩy họ mua đồ cũ là để tránh lãng phí. Đồng thời, 52% cho biết kiếm thêm tiền là trọng tâm chính của họ khi bán các món đồ đã qua sử dụng.

Số liệu từ Thredup - sàn giao dịch sản phẩm thời trang secondhand lớn nhất thế giới - cho thấy trong 10 năm tới thị trường resale sẽ phát triển với tốc độ nhanh chưa từng có. Cụ thể, báo cáo toàn cầu do Thredup thực hiện với sự phân tích của Công ty nghiên cứu thị trường GlobalData cho thấy thị trường đồ cũ nói chung của toàn cầu sẽ tăng gần gấp đôi vào năm 2027, đạt 350 tỷ USD, với thị trường Mỹ đóng góp 70 tỷ USD trong số này. Bán lại trực tuyến là lĩnh vực phát triển nhanh nhất của thị trường đồ cũ, với dự kiến sẽ tăng trung bình thêm 21% hàng năm trong vòng 5 năm tới.

Ông James Reinhart, Giám đốc điều hành của ThredUp, cho rằng bên cạnh những hiểu biết mới về tốc độ tăng trưởng của thị trường và hành vi mua sắm của người tiêu dùng, Báo cáo bán lại hàng năm lần thứ 11 của họ có một số phát hiện đầy cảm hứng kể từ khi bắt đầu việc khảo sát vào năm 2013. Một trong những phát hiện đó là thị trường resale ngành thời trang đang phát triển với tốc độ nhanh hơn 11 lần so với bán lẻ truyền thống, nó sẽ có giá trị 84 tỷ USD vào năm 2030, với giá trị của thời trang nhanh khi đó được dự đoán là khoảng 40 tỷ USD.

Thị trường resale ngành thời trang đang phát triển với tốc độ nhanh hơn 11 lần so với bán lẻ truyền thống.
Thị trường resale ngành thời trang đang phát triển với tốc độ nhanh hơn 11 lần so với bán lẻ truyền thống.

Sự thay đổi này cũng bao trùm lên các mặt hàng thời trang cao cấp. Diana Lee, Giám đốc nghiên cứu và phân tích tại BoF cho hay: “Cách các thương hiệu lớn và các nhà bán lẻ đang dần thay đổi. Họ không còn lo sợ việc các món đồ đã qua sử dụng sẽ ăn mòn doanh số bán hàng mới, thậm chí còn xem đây như một kênh bổ sung để thu hút người tiêu dùng và thúc đẩy doanh số bán hàng”.

Về thị phần, trong năm 2023, các nhà bán lẻ giảm giá như TJ Maxx chiếm thị phần lớn nhất. Tiếp theo là các nền tảng bán sản phẩm qua sử dụng như ThredUp hoặc cửa hàng thiện chí, nhà bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng và các thương hiệu giá trung bình. Trong khi các cửa hàng bán đồ cũ truyền thống vẫn chiếm phần lớn doanh số, thì các kênh mua bán trực tuyến đang “giành giật" về mình 30% thị phần - trong đó có cả kênh đến từ những thương hiệu nổi tiếng.

Mặt khác, hình thức kinh doanh trực tuyến dường như đang chiếm lợi thế vì nắm giữ công nghệ cho phép dễ dàng xác thực nguồn gốc sản phẩm, chống lại những mặt hàng giả mạo - một trong những rủi ro chính của mô hình bán lại.

Điển hình như chiến dịch Xuân – Hè 2023 của Chloé, thương hiệu cao cấp này đã cho ra mắt Chloé Vertical - một công nghệ kỹ thuật số cho phép người dùng quét mã vạch để theo dõi chuỗi cung ứng từ đầu đến cuối. Tương tự, Luxury Closet, một nền tảng trực tuyến cũng cung cấp khả năng xác thực các sản phẩm được bán thông qua trang web của mình. Theo thống kê, 70% doanh số của nền tảng đến từ 10 thương hiệu quốc tế hàng đầu.

Trước xu hướng này, thị trường Việt Nam cũng đã sẵn sàng bước vào “cuộc chơi”...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 16-2023 phát hành ngày 17-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Thị trường đồ cũ sẽ phát triển nhanh hơn bán lẻ truyền thống? - Ảnh 1

 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate