Cả những ngân hàng truyền thống và công ty khởi nghiệp fintech ở Philippines đều đang cạnh tranh giành chỗ đứng trong thị trường ngân hàng kỹ thuật số mới nổi, được thúc đẩy bởi nhu cầu sử dụng điện thoại thông minh mọi lúc mọi nơi.
Điển hình nhất, thương hiệu hàng đầu Rizal Commercial Banking Corporation (RCBC) tự hào là “ngân hàng số hoá nhất” tại Philippines cung cấp nhiều dịch vụ tài chính kỹ thuật số, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Eugene Acevedo chia sẻ với Nikkei Asia trong một phỏng vấn.
Được biết, ứng dụng tài chính tiêu dùng DiskarTech thuộc RCBC đã thu hút hơn 5 triệu lượt tải xuống. Nền tảng sử dụng khoảng 50 mô hình trí tuệ nhân tạo được phát triển nội bộ nhằm hỗ trợ kiểm tra tín dụng và phát hiện gian lận.
Chủ tịch kiêm CEO Acevedo cho biết: “Tôi tự tin khẳng định chúng tôi là ngân hàng hàng đầu về trí tuệ nhân tạo. Đó là lý do tại sao phần lớn quyết định của chúng tôi được đưa ra hoặc dựa trên AI cũng như khoa học dữ liệu”.
Siêu ngân hàng Nhật Bản Sumitomo Mitsui Financial Group (SMFG) đã mua cổ phần của RCBC vào năm 2021. Tại quê nhà, SMFG là nhà cung cấp ứng dụng và thẻ ngân hàng tất cả trong một Olive, kết hợp toàn bộ chức năng của tài khoản ngân hàng, thanh toán tín dụng và một số dịch vụ tài chính khác. RCBC đang lên kế hoạch tận dụng bí quyết của SMFG trong lĩnh vực này.
Tại Philippines, 46% dân số từ 15 tuổi trở lên sở hữu tài khoản ngân hàng, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới vào năm 2021, tăng 14% so với năm 2017, nhưng vẫn thấp hơn mức 94% của Thái Lan và 88% của Malaysia trong khu vực Đông Nam Á.
Nói cách khác, con số cho thấy tiềm năng tăng trưởng cao ở thị trường Philippines. Độ tuổi trung bình tại nước này tương đối trẻ, khoảng 25 tuổi và tầng lớp trung lưu dự kiến sẽ mở rộng trong tương lai gần.
THỊ TRƯỜNG ĐẦY TIỀM NĂNG TẠI PHILIPPINES
Philippines cũng nằm trong số quốc gia dẫn đầu về thời gian sử dụng internet do sự phổ biến của điện thoại thông minh, tạo nên “mảnh đất màu mỡ” cho những nền tảng ngân hàng số sinh sôi và phát triển.
Ngân hàng Trung ương Philippines đang nỗ lực thúc đẩy dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số hay thanh toán điện tử như một phần của chiến dịch cải thiện các dịch vụ tài chính trở nên an toàn và dễ tiếp cận hơn. Vào năm 2021, tổ chức đã cấp giấy phép thành lập ngân hàng kỹ thuật số cho 6 doanh nghiệp tài chính, bao gồm cả startup non trẻ như GoTyme Bank. Do không cần mở chi nhánh ngân hàng vật lý nên công ty được cấp phép có thể mở rộng hoạt động kinh doanh nhanh chóng theo cấp số nhân.
GoTyme Bank là liên doanh giữa Tập đoàn Gokongwei Group của Philippines và nền tảng ngân hàng Tyme đến từ Nam Phi. GoTyme Bank bắt đầu đi vào hoạt động vào tháng 10/2022.
Đến với ki-ốt tự phục vụ của GoTyme Bank, khách hàng có thể mở tài khoản và nhận tiền mặt chỉ trong 5 phút thao tác - một quá trình thường mất thời gian hơn rất nhiều tại bất kỳ chi nhánh ngân hàng truyền thống nào.
GoTyme Bank dự kiến sẽ đạt 5 triệu người dùng vào năm tới, con số mục tiêu gần bằng lượt tải xuống ứng dụng của RCBC. Đồng thời, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Nathaniel Clarke tuyên bố GoTyme có kế hoạch mở rộng sang lĩnh vực bảo hiểm, đầu tư và đa dạng dịch vụ tài chính khác.
CEO Clarke cho biết thêm, mặc dù ngành đã có nhiều tiến bộ trong lĩnh vực ngân hàng số với việc áp dụng thanh toán bằng ví điện tử, nhưng “chưa có nhiều tiến bộ trong mảng tín dụng, bảo hiểm và đầu tư”. “Vì vậy, chúng tôi đang cố gắng giải quyết vấn đề này”.
Mức độ cạnh tranh là rất khốc liệt trong ngành tài chính kỹ thuật số Philippines. Một trong những ngân hàng truyền thống lớn nhất, BDO Unibank, đang mong muốn mở rộng sự hiện diện thương hiệu của hãng. Theo đó, GCash và Maya là hai ví điện tử liên kết với các tập đoàn viễn thông. Mỗi ứng dụng đều có hàng chục triệu người dùng và mới đây, Maya cũng giành được giấy phép thành lập ngân hàng số.
Nhiều ngân hàng kỹ thuật số mới nổi hiện đang ở giai đoạn đầu tư trả trước để thu hút khách hàng. Ví dụ, GoTyme Bank sẵn sàng cung cấp lãi suất tiết kiệm 5% hàng năm, cao hơn đa số ngân hàng truyền thống.
Một báo cáo từ Fitch Ratings công bố đầu tuần này ghi nhận tăng trưởng nhanh chóng của các ngân hàng kỹ thuật số mới gia nhập tại Philippines. “Chúng tôi hy vọng những ngân hàng này sẽ tiếp tục cạnh tranh mạnh mẽ về lãi suất tiền gửi trong hai năm tới”, báo cáo nhấn mạnh.
Nhưng Fitch Ratings cũng lập luận rằng chiến lược phụ thuộc vào lãi suất cao để thu hút khách hàng không phải là hướng đi bền vững. Ngược lại, tổ chức nhận thấy nhiều ngân hàng truyền thống vẫn đang duy trì tốt vị thế trong lĩnh vực này.