Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến thị trường game trực tuyến trong năm 2020, khiến nhu cầu chơi game di động tăng mạnh trên toàn cầu. Việt Nam cũng có chung xu hướng này khi mọi chỉ số về lượt tải, số lượng game đều tăng mạnh so với năm 2019.
Theo báo cáo “Ứng dụng di động 2021” do công ty về giải trí số công bố mới đây, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, người dân buộc phải giãn cách xã hội nên việc chơi game di động trở nên phổ biến, hút nhiều người chơi mới. Báo cáo cho biết, trong năm 2020, các khách hàng đã dành tổng cộng 168 triệu USD cho việc trả phí mua các ứng dụng game di động trên kho tải CH Play và App Store.
NGÀNH GAME TRỰC TUYẾN TĂNG TRƯỞNG MẠNH
Trong báo cáo phục vụ cho hội nghị đánh giá tổng kết năm 2020 và định hướng năm 2021 của Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) có đánh giá ngành game online là một trong ít ngành công nghiệp nội dung số giữ vững được doanh thu và thị trường lao động ổn định, thậm chí còn tăng nhẹ so với các năm trước.
Theo báo cáo của Cục, doanh thu của ngành công nghiệp game online đã tăng từ 4,968 nghìn tỷ đồng của năm 2015 lên mức 11,5 nghìn tỷ đồng năm 2019 và dự báo tăng trưởng năm 2020 là 12 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp ngành game online cũng nộp ngân sách nhà nước 1.150 tỷ đồng năm 2019, so với 490 tỷ đồng năm 2015, dự kiến năm 2020 là 1.200 tỷ đồng. Về lao động, con số tăng trưởng còn ấn tượng hơn, từ mức 7.000 người năm 2015 lên đến 24.000 người năm 2019.
Thị trường game di động chứng kiến tăng trưởng 40% doanh thu qua kho tải, lượt tải và số lượng game ra mắt cũng tăng mạnh so với 2019, dự đoán có thể đạt con số 205 triệu USD vào năm 2021.
“Những số liệu thống kê ghi nhận từ thị trường về doanh thu từ hoạt động cung cấp trò chơi điện tử trên mạng (game online) từ 2015 đến 2019 cho thấy mức tăng trưởng gấp đôi về doanh thu, gấp gần 2 lần rưỡi về tiền thuế nộp ngân sách nhà nước và gấp ba về nhân lực hoạt động trong ngành game online”, Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử nhận xét.
Trong khi đó, báo cáo “Ứng dụng di động 2021” của Appota cũng cho biết năm 2020, cú huých từ đại dịch Covid -19 đã tác động mạnh đến thị trường và khiến nhu cầu chơi game di động tăng trưởng mạnh trên toàn cầu. Việt Nam cũng có chung xu hướng này khi mọi chỉ số về lượt tải, số lượng game đều tăng trưởng mạnh so với năm 2019.
Cụ thể, thị trường game di động chứng kiến tăng trưởng 40% doanh thu qua kho tải, lượt tải và số lượng game ra mắt cũng tăng mạnh so với 2019, dự đoán có thể đạt con số 205 triệu USD vào năm 2021 (doanh số trả phí và mua ứng dụng game mobile của Việt Nam). “Điều này chứng minh rằng thị trường game di động đã nhận được cú huých lớn từ Covid-19”, báo cáo của Appota nhấn mạnh.
Loại hình trò chơi Esport (thể thao điện tử) trên di động cũng có dấu hiệu tăng trưởng đột biến sau đại dịch. Số liệu của công ty giải trí số Appota cho biết có tới 80% người chơi cho rằng họ đã dành thêm nhiều thời gian tiếp xúc với các nội dung eSports trong giai đoạn giãn cách xã hội. Theo đó, trung bình người chơi dành 2 giờ 55 phút mỗi ngày để chơi các trò chơi eSports, số thời gian trung bình để xem livestream hoặc các giải đấu eSport là 2 giờ 10 phút.
CƠ HỘI ĐỂ PHÁT HÀNH GAME CHẤT LƯỢNG
Theo thống kê từ AppsFlyer, người dùng trên iOS có tỉ lệ trung thành với các ứng dụng cao hơn trên Android, đặc biệt là các ứng dụng Gaming trên iOS có tỉ lệ giữ chân người dùng (Retention rates) cao nhất trong ngày đầu tiên.
Trong nửa cuối năm 2020, các trò chơi di động được tải nhiều nhất trên iOS là các trò chơi eSports nổi tiếng, còn các trò chơi được tải nhiều nhất trên Android là những trò chơi casual, nhập vai với quy mô nhỏ. Vì vậy, các trò chơi eSports được đầu tư về nội dung và có nhà phát hành chính thức tại Việt Nam sẽ dễ dàng giữ chân được người dùng hơn so với các trò chơi casual khác.
Theo thống kê của Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử, tính đến hết 30/10/2020 có 193 doanh nghiệp được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 trên mạng (trong đó có 4 doanh nghiệp thông báo ngừng hoạt động, 50 doanh nghiệp vừa bị thu hồi giấy phép G1).
Cũng thời điểm trên, số lượng trò chơi điện tử đã được cấp quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản là 878 trò chơi (trong đó có 625 trò chơi đang phát hành, 253 trò chơi đã thông báo dừng phát hành). Số lượng doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký G2, G3, G4 là 106 doanh nghiệp; 8.332 trò chơi điện tử G2, G3 và G4 trên mạng được cấp giấy xác nhận thông báo phát hành.
Các nhà phát hành tại Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này bằng việc đẩy mạnh phát hành những game chất lượng để đáp ứng được nhu cầu của người dùng.
CEO NPH Gamota Trang Vũ.
Tiềm năng phát triển thị trường game trực tuyến nói chung và game trên di động nói riêng trong năm 2021 theo giới trong ngành (nhà phát hành game) cũng như các công ty nền tảng sẽ có nhiều cơ hội để phát triển khi người dùng chưa bao giờ dành thời gian cho chiếc điện thoại lại nhiều như những năm qua, đặc biệt là năm 2020 và đầu 2021 trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
“Kết quả của năm 2020 cho chúng ta biết rõ rằng các ứng dụng và trò chơi trên mobile sẽ là trọng tâm của cuộc sống này ngay cả khi chúng ta đang ở nhà. Để giành chiến thắng trên thị trường mobile, hơn bao giờ hết, các thương hiệu và nhà phát hành cần đánh giá lại hiệu suất của các ứng dụng và trò chơi trên di động của mình và so chúng với các ước tính dữ liệu thị trường”, Phó chủ tịch Marketing khu vực toàn cầu của App Annie Bertrand Salord cho hay.
CEO NPH Gamota Trang Vũ cho rằng ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến ngành game rất lớn, các chỉ số về lượt tải, số lượng game và nhu cầu giải trí cũng như số người chơi đều có sự tăng trưởng vượt bậc. Do đó, theo CEO của Gamota, các nhà phát hành tại Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này bằng việc đẩy mạnh phát hành những game chất lượng để đáp ứng được nhu cầu của người dùng.
Tiếp đến là ứng dụng những xu hướng mới vào game, đem lại sân chơi thú vị, trải nghiệm thực tế cho game thủ, ví dụ như chơi game trên nền tảng blockchain hay game thực tế ảo...
Tuy nhiên, theo CEO NPH Gamota Trang Vũ, để tạo điều kiện cho ngành game được đi xa hơn tại Việt Nam, cần có những chính sách hạn chế game lậu, game không giấy phép. Công tác quản lý cần mạnh tay và xử phạt triệt để hơn nữa đối với những cá nhân, tổ chức có hành vi phát hành game trái pháp luật để ngăn ngừa và giảm bớt tác hại của các game không phép độc hại đang tràn vào thị trường game Việt.