Thanh khoản trên hai sàn niêm yết sáng nay đã phục hồi tăng khoảng 69% so với sáng hôm qua, đạt 7.762 tỷ đồng, cao nhất 4 phiên phiên. Tuy nhiên độ rộng vẫn xác nhận trạng thái giảm giá áp đảo và lực cầu bắt đáy chỉ hành động ở vùng giá đỏ. Khối ngoại cũng có phiên sáng mua ròng đầu tiên sau 8 phiên bán ròng liên tục.
VN-Index chốt phiên sáng đã hồi lại, chỉ còn giảm 2,16 điểm tương đương +0,19%, đạt 1.119,49 điểm. Lúc chạm đáy khoảng 10h55, chỉ số giảm hơn 8 điểm tương đương -0,75%. Thấp nhất VN-Index xuống mức 1.113,28 điểm, sát đáy hồi đầu tháng 10. Hiện chỉ số đang nỗ lực chinh phục trở lại mốc 1.120 điểm.
Nỗ lực phục hồi ở điểm số đang được một số cổ phiếu blue-chips dẫn dắt, tiếc rằng chưa có sự cộng hưởng đủ mạnh. Trong 10 mã vốn hóa lớn nhất của VN-Index, chỉ có 4 mã tăng là VHM tăng 0,56%, VIC tăng 0,91%, VPB tăng 1,76%, FPT tăng 0,54%. Nhóm còn lại giảm là VCB giảm 0,81%, BID giảm 0,85%, GAS giảm 0,47%, VNM giảm 1,6%, HPG giảm 0,2% và CTG tham chiếu.
Nỗ lực bắt đáy ở nhóm blue-chips là khá rõ, khi đại đa số đều đã phục hồi thoát đáy ở mức độ khác nhau. VPB nổi bật khi từ mức giảm 1,54% so với tham chiếu quay đầu tăng 1,76%, tương đương đảo chiều với biên độ 3,36%. VJC đảo chiều 1,96%, thành tăng 1,26% so với tham chiếu. VIC, VIB, TPB, STB, SSI, HPG, HDB, GVR, FPT, ACB là các cổ phiếu khác trong nhóm VN30 đảo chiều trên 1%.
Dù vậy độ rộng của nhóm blue-chips cũng mới có 10 mã tăng/16 mã giảm, không nhiều cổ phiếu đảo chiều đủ mạnh để vượt tham chiếu. VN30-Index chốt phiên sáng đang tăng 0,07%, chủ yếu nhờ VPB và FPT có trọng số lớn. VN-Index chưa tăng được vì các trụ yếu hơn và phụ thuộc chủ yếu vào các mã vốn hóa trung bình.
Độ rộng của VN-Index cũng chưa tốt, mới có 116 mã tăng/340 mã giảm. Diễn biến của độ rộng trong phiên cũng cho thấy khả năng phục hồi mạnh còn hạn chế. Lúc chỉ số chạm đáy ghi nhận 68 mã tăng/388 mã giảm. Như vậy cũng chỉ có hơn 40 cổ phiếu đổi màu được giá.
Trong 340 cổ phiếu đang đỏ, có tới 122 mã vẫn đang giảm trên 1%. Số này chiếm 15,2% tổng giá trị khớp của sàn HoSE. Mặt khác, toàn sàn này có 17 mã thanh khoản trên 100 tỷ đồng – chiếm 50% tổng khớp của sàn – thì chỉ 3 mã giảm là PDR giảm 0,84%, DIG giảm 1,14% và HPG giảm 0,22%, nhưng tới 12 mã tăng. Như vậy ở nhóm tập trung thanh khoản cao nhất thị trường, hiệu lực tăng giá nhờ dòng tiền mạnh cũng khá rõ nét.
Cầu bắt đáy xuất hiện là một tín hiệu tốt sau khi thị trường đột nhiên bị xả mạnh cuối phiên hôm qua. Lực cầu thể hiện quan điểm khi VN-Index lùi xuống sát đáy cũ cũng cho thấy sự tự tin vào ngưỡng hỗ trợ này. Trong 116 cổ phiếu đang tăng giá, 43 mã tăng trên 1%. Những mã thanh khoản rất tốt là VPB, VIX, DGC, SSI, VND, GEX, PVD, VCI, đều khớp trên 100 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài cũng là điểm sáng nhỏ khi quay đầu mua ròng 112,9 tỷ đồng trên HoSE. Nguyên nhân chính của việc mua ròng là khối này đã giảm bán, tổng giá trị xả giảm khoảng 20% so với sáng hôm qua trong khi giải ngân tăng 37%. Đây là phiên sáng mua ròng đầu tiên sau 8 phiên sáng bán ròng liên tiếp. Dù vậy quy mô này cũng không phải là lớn đồng thời tập trung vào vài cổ phiếu là FPT +36,2 tỷ, VIX +28,3 tỷ, SSI +27,3 tỷ, PVD +20,6 tỷ. Phía bán cũng chỉ có MWG -21,6 tỷ, VNM -20,9 tỷ là nhiều.
Việc VN-Index giảm liền sang phiên thứ 3 cho thấy nhịp phục hồi ngắn tuần trước đã kết thúc. Hiện tại chỉ số đang có xu hướng kiểm định lại đáy ngắn hạn đầu tháng 10. Dòng tiền bắt đáy quay lại hoạt động mạnh hơn là tín hiệu tích cực. Chiều nay khi lượng cổ phiếu thua lỗ tại đỉnh ngắn hạn về tài khoản, áp lực bán có thể tăng lên và dòng tiền phải thể hiện sức mạnh tốt hơn nữa.