Loship – doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (start-up) giao đồ ăn và thương mại điện tử giao hàng trong một giờ, vừa công bố hoàn thành vòng gọi vốn Pre-Series C lên đến 12 triệu USD. Công ty này cũng là một trong bốn start-up Việt lọt vào danh sách 100 start-up và công ty nhỏ đáng mong đợi ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Forbes.
VnEconomy có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Trung - CEO của start-up Loship về thương vụ gọi vốn này cũng như những tiềm năng của thị trường Việt Nam.
Việc gọi vốn thành công 12 triệu USD từ các nhà đầu tư ở vòng Pre-Series C có nhiều ý nghĩa, bởi đây là lần đầu tiên các quỹ đầu tư như BAce Capital và Sun Hung Kai rót vốn vào thị trường Việt Nam. Điều gì đã khiến các nhà đầu tư này quyết định rót vốn vào Loship, thưa ông?
Nếu chúng ta nhìn rộng ra, sẽ thấy rằng Covid-19 đến thời điểm hiện tại đã kéo dài một năm rưỡi. Những gì diễn ra trong suốt thời gian đó trên thế giới đó là chứng tỏ tầm quan trọng của những dịch vụ giao hàng tức thì như Loship trong việc giúp người dùng tiếp cận cửa hàng địa phương và mua được đồ mình muốn, cũng như giao tức thì. Nhu cầu của con người không bao giờ thay đổi, sự thay đổi thường đến từ thói quen của người dùng. Đại dịch diễn ra phức tạp tại Việt Nam, nhưng điều đó không thay sự thật rằng Việt Nam đã là một ngôi sao và vẫn sẽ tiếp tục là ngôi sao sáng nhất trong khu vực Đông Nam Á trong vòng 5 năm tiếp theo. Chính vì tất cả những điều này cộng lại, Loship đã nhận được nguồn vốn quý báu từ các nhà đầu tư lớn này.
THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM SẼ VƯƠN LÊN DẪN ĐẦU KHU VỰC
Đâu là cơ sở khiến ông khẳng định Việt Nam sẽ tỏa sáng và là một thị trường tăng trưởng đầy tiềm năng, đặc biệt ở lĩnh vực giao hàng?
Chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi cực lớn về hành vi người dùng dịch chuyển sang online. Sự lan tỏa của công nghệ, smartphone và ví điện tử, sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cùng với tỷ trọng Millennials và Gen Z chiếm đa số đã làm thay đổi đáng kể thói quen tiêu dùng của người Việt, hướng đến các giải pháp giao hàng tận nơi - chú trọng sự tiện lợi và nhu cầu được đáp ứng nhanh chóng.
Đây là tín hiệu rất tốt cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực e-commerce, vận chuyển, giao hàng chặng cuối (last-mile delivery). Ngay cả khi đại dịch qua đi và các lệnh hạn chế di chuyển được nới lỏng, tôi tin rằng nhu cầu giao hàng tận nơi của người dùng vẫn sẽ không thay đổi.
Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư nước ngoài liên tục chảy vào Việt Nam và sự nhập cuộc của các ứng dụng mới sẽ làm thị trường càng trở nên sôi động. Việc có nhiều người chơi tham gia vào sẽ giúp người dùng biết tới và sử dụng các dịch vụ này nhiều hơn, từ đó thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của thị trường nói chung.
Tuy nhiên, việc khai thác quy mô thị trường giao nhận trực tuyến tại Việt Nam so với tiềm năng vốn có vẫn còn khá khiêm tốn. Khu vực thành thị vẫn còn nhiều không gian để lấp đầy, chưa kể đến sự lan dần ra các đô thị vệ tinh. Điều này mở ra cơ hội tăng trưởng rất lớn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.
Vậy theo quan sát của ông, Việt Nam đang đứng ở đâu so với các nước trong khu vực trong lĩnh vực này?
Đi cùng với sự phát triển nhu cầu mua sắm online, khách hàng ngày càng trở nên khó tính và đòi hỏi nhiều hơn về chất lượng dịch vụ, tốc độ giao hàng. Sự phát triển của các dịch vụ logistics, chuyển phát chặng cuối (last-mile delivery), giao hàng ngay lập tức (on-demand delivery) giúp thúc đẩy khả năng cạnh tranh của thị trường Việt Nam so với các nước trong khu vực. Theo thống kê, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường thương mại điện tử (e-commerce) phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia với hơn 68 triệu người dùng Internet trên tổng số 97 triệu dân.
Hơn thế, Việt Nam đang đi lại trên chính con đường của các thị trường tiên phong như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia,... nhưng với tốc độ nhanh hơn rất nhiều. Về quy mô dân số, Việt Nam chỉ xếp sau Indonesia và Philippines, tuy nhiên chúng ta có những đặc thù khiến cho thị trường Việt Nam không hề thua kém so với các nước trong khu vực như chất lượng lao động, sự hoàn thiện về cơ sở hạ tầng và sự ổn định về chính trị. Tôi tin rằng sẽ không mất quá nhiều thời gian để thị trường Việt Nam bứt phá và vươn lên dẫn đầu khu vực.
Với nguồn vốn đầu tư hàng chục triệu USD mới, kế hoạch tăng trưởng và phủ rộng thị trường của Loship là như thế nào? Đâu là thách thức lớn nhất của hãng?
Có nhiều thách thức chờ đợi chúng tôi phía trước như: chất lượng giao hàng, cải thiện vượt bậc cuộc sống của người shipper và bổ sung nguồn lực quản trị. Nhưng trở ngại lớn nhất là rào cản gia nhập thị trường không quá lớn, dẫn đến việc trong tương lai sẽ có thể xuất hiện nhiều công ty với tiềm lực lớn hơn gia nhập vào thị trường e-commerce. Điều này sẽ dẫn đến việc cần nhiều vốn hơn để bảo vệ thị phần, cũng như thu hút người dùng mới.
Những chiến lược đều có thể dễ dàng sao chép và cách duy nhất để chúng tôi giải quyết vấn đề này, chính là việc phải thực dụng và đi nhanh hơn đối thủ. Với đội ngũ hiện có, khao khát, trẻ và đã trải qua rất nhiều thất bại, chúng tôi tin rằng Loship sẽ vượt qua được những khó khăn phía trước.
MỤC TIÊU NIÊM YẾT TRÊN SÀN CHỨNG KHOÁN MỸ
Loship mới đây cũng hé lộ về tham vọng sẽ IPO trong tương lai. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về các kế hoạch kinh doanh của Loship cho mục tiêu này được không?
IPO là một trong những cột mốc quan trọng mà Loship hướng đến trong vòng ba năm tới. Chúng tôi hy vọng sẽ có thể niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) vào năm 2024 sau khi đạt lợi nhuận.
IPO là kết quả của cả một quá trình dài, và để một start-up Việt Nam IPO thành công là không dễ dàng. Tuy nhiên, Loship là đại diện của những khát khao người Việt và chúng tôi đã cố gắng rất nhiều năm vất vả cũng chỉ vì muốn đạt được giấc mơ của chúng tôi. Sự khác biệt giữa các công ty thường đến từ người đứng đầu và đôi khi chỉ cần người sáng lập có tham vọng đủ lớn, can đảm dẫn dắt đội ngũ, thì đều có thể thay đổi được tương lai.
Để tiến gần đến mục tiêu IPO, ngoài những nỗ lực gọi vốn, trước mắt chúng tôi muốn mở rộng hoạt động của Loship tới nhiều thành phố hơn tại Việt Nam, và xa hơn có thể là việc mở rộng hoạt động tại một số quốc gia khác trong khu vực. Loship đặt mục tiêu từ đây đến cuối năm 2021 sẽ có mặt tại ít nhất 10 thành phố trên Việt Nam và trong vòng hai năm tới, 10% dân số Việt Nam sẽ sử dụng ứng dụng của chúng tôi hàng tháng.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hoạt động kinh doanh B2B cũng như các dịch vụ hiện có. Mục tiêu của chúng tôi là hướng đến việc kinh doanh có lợi nhuận trước khi nghĩ tới việc IPO trong tương lai. Trong ngắn hạn, chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm và chúng tôi cần phải làm mọi thứ nhanh nhất có thể.
Thị trường giao hàng đang trở nên rất cạnh tranh bởi sự tham gia từ rất nhiều ông lớn công nghệ trong khu vực. Ông có kỳ vọng gì về những hỗ trợ từ phía Chính phủ để mở lối cho các startup Việt như Loship phát triển nhanh và mạnh hơn nữa trong tương lai?
Tôi tin rằng Chính phủ đã và đang có những nỗ lực cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số và tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi nhằm thu hút đầu tư nước ngoài. Startup Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để bứt phá khi nền kinh tế dần ổn định và hoạt động đầu tư dần phục hồi.
Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường đang chịu sự chi phối từ rất nhiều tay chơi nước ngoài, tôi thiết nghĩ Chính phủ nên dành sự quan tâm nhiều hơn đến các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam, xem startup là tương lai của tăng trưởng kinh tế nước nhà, chứ không chỉ đơn thuần là một phần của nền kinh tế.
Nền kinh tế Việt Nam cần nhiều hơn nữa những doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, có năng lực cạnh tranh để đưa Việt Nam vào dòng chảy chung của thế giới. Điều quan trọng hơn là tinh thần kinh doanh của người trẻ, của giới startup Việt đang giúp truyền cảm hứng mạnh mẽ cho cộng đồng và xã hội.
Tôi cũng cho rằng không nên xem startup là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và hỗ trợ bằng các chính sách chung. Nên có những cơ chế hỗ trợ đặc biệt cho các startup đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ mang lại giá trị cho xã hội; đồng thời đơn giản hóa thủ tục nhận vốn đầu tư từ nước ngoài cho các doanh nghiệp trong nước.