November 04, 2021 | 12:45 GMT+7

Thị trường lao động có khả năng phục hồi trong quý 2/2022?

Phúc Minh -

Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định, tiến độ tiêm vaccine được bao phủ rộng hơn, thì cuối quý 1, đầu quý 2/2022, tình hình lao động, việc làm tại các địa phương có khả năng khôi phục lại như trước thời điểm bùng phát dịch...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo của Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất TP. HCM, tính tới ngày 30/10, số lượng doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất quay trở lại hoạt động là 1.430/1.500 doanh nghiệp, chiếm 95,33%, với số lao động làm việc là 256.356 người, chiếm 76,3% so với thời điểm trước dịch Covid-19.

Đại diện Ban quản lý cho biết, do các doanh nghiệp vẫn đang phải thích ứng từng bước theo bộ tiêu chí sản xuất an toàn của TP. HCM, nên các nhà máy, xí nghiệp vẫn chưa trở lại sản xuất 100% mà phổ biến mới đạt 50-70%.

Để cung ứng lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. HCM đã phối hợp với 2 Ban quản lý Khu chế xuất và công nghiệp thành phố, Ban quản lý Khu công nghệ cao thành phố nắm bắt nhu cầu lao động trong các doanh nghiệp để triển khai các hoạt động kết nối cung - cầu lao động như: tìm kiếm nguồn lao động thông qua phối hợp với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tham gia các sàn giao dịch việc làm trực tuyến trong tháng 10 và tháng 11.

Đồng thời, phối hợp với các quận, huyện đoàn, liên loàn lao động quận, huyện… tiếp nhận danh sách người lao động bị mất việc làm trong thời gian giãn cách xã hội để thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm.

Trong khi đó, tại Bình Dương hiện có 4.504 doanh nghiệp đăng ký và hoạt động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”, “3 xanh” với tổng số lao động làm việc trên 724.000 người. Bình Dương dự kiến trong thời gian tới (giữa tháng 11), số doanh nghiệp trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt trên 80% (khoảng trên 1 triệu lao động sẽ trở lại làm việc).

Để phục hồi thị trường lao động, tỉnh Bình Dương cho biết đang tích cực triển khai các giải pháp như: tiếp tục rà soát, nắm tình hình người lao động thật sự khó khăn, cần trợ giúp do ảnh hưởng dịch Covid-19 để có chính sách hỗ trợ bổ sung.

Đồng thời, có các giải pháp về kết nối cung - cầu lao động như: tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến; kết nối thông tin tuyển dụng lao động với các địa phương thông qua hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh…để vận động người lao động về quê quay trở lại Bình Dương làm việc.

Tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương trọng điểm về giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động vừa diễn ra, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thông tin, đến nay đã có 70-75% doanh nghiệp và người lao động quay trở lại làm việc, đặc biệt có những địa phương đạt tỷ lệ trên 90%.

“Nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định như hiện tại, tiến độ triển khai tiêm vaccine được đẩy nhanh và diện bao phủ rộng hơn, thì có khả năng trong cuối quý 1, đầu quý 2/2022 tình hình lao động, việc làm của các địa phương sẽ được khôi phục lại như trước thời điểm bùng phát dịch”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng yêu cầu, thời gian tới khi tình hình dịch bệnh đã ổn định hơn, các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ người dân, đảm bảo toàn bộ những người nằm trong diện chính sách phải được hưởng chính sách. 

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố cần khẩn trương hoàn thiện báo cáo đánh giá đầy đủ tình hình lao động - xã hội để đề xuất ban hành các chính sách, trong đó tập trung vào 3 vấn đề lớn: giữ chân người lao động; hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động và điều tiết thị trường, tập trung giải quyết cán cân cung cầu lao động.

Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tham mưu vào Đề án phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội của Chính phủ, trong đó tập trung giải quyết vấn đề nhà ở, nơi lưu trú cho công nhân, người lao động.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate