August 26, 2021 | 18:22 GMT+7

Thị trường laptop: Tăng trưởng nóng do cung không đủ cầu

Hồng Vinh -

Nhu cầu làm việc online tại nhà và nhiều trường bắt đầu nhập học trực tuyến khiến nhu cầu mua laptop tăng cao trong khi Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khan hiếm hàng về Việt Nam…

Nhu cầu làm việc tại nhà và chuẩn bị năm học mới làm nhu cầu dùng laptop tăng cao.
Nhu cầu làm việc tại nhà và chuẩn bị năm học mới làm nhu cầu dùng laptop tăng cao.

Ghi nhận của VnEconomy, tại các cửa hàng bán lẻ, tình trạng khan hiếm hàng trước nhu cầu tăng cao của người dùng, và đặc biệt các cửa hàng đều chịu ảnh hưởng nặng nề của việc thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

TĂNG TRƯỞNG NÓNG Ở NHIỀU PHÂN KHÚC

Đại diện FPT Shop cho biết, trong đợt giãn cách lần này, nhu cầu làm việc tại nhà trùng với thời điểm chuẩn bị năm học mới và học online nên tổng số lượng máy tính xách tay bán ra tăng 30% so với tháng trước và tăng gần 100% so với năm ngoái. Trong đó, laptop phân khúc giá bán từ 20 triệu trở lên có sức tăng mạnh nhất 70% so với tháng trước và tăng khoảng 200% so với cùng kỳ năm trước. 

 
"Năm 2021, tổng số máy tính cá nhân (laptop, PC), máy tính bảng (tablet) và điện thoại thông minh sẽ đạt 6,2 tỷ chiếc trên toàn cầu. Số lượng laptop và tablet được sử dụng vào năm 2021 sẽ tăng 125 triệu chiếc so với năm 2020. Năm 2022, số lượng thiết bị này trên toàn cầu sẽ đạt 6,4 tỷ chiếc, tăng 3,2% so với năm 2021".
Theo Gartner dự báo

Về phân khúc giá dưới 12 triệu đồng, FPT Shop chủ trương kinh doanh đa dạng sản phẩm ở phân khúc này vì phù hợp cho đối tượng học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, lịch trình hàng hóa về Việt Nam lại phụ thuộc vào các hãng máy tính và hiện đang thiếu nguyên liệu sản xuất, phụ kiện ở các phân khúc này. Tất cả laptop ở phân khúc này nếu có thì FPT Shop đều nhập hết vì nhu cầu tăng cao.

Ngoài ra, các mẫu laptop phân khúc dưới 12 triệu đang chiếm khoảng 3% về mặt số lượng trên tổng số bán của laptop trong tháng 8 và đang giảm so với tháng 7 do lượng hàng ở phân khúc này đang thiếu hụt rất nhiều trong khi tổng số lượng bán ra tăng gần 50% so với tháng 7. Tuy nhiên, để giúp khách hàng tiếp cận những dòng sản phẩm phân khúc cao hơn thì FRT có chương trình trả góp 0%, giảm bớt áp lực phải chi số tiền lớn ban đầu.

Từ giữa tháng 8 đến nay, một số trường đã cho học sinh nhập học với hình thức học trực tuyến, bao gồm cả học sinh lớp 1. Hệ thống cửa hàng CellphoneS cũng ghi nhận sức mua máy tính bảng và laptop tăng mạnh gấp 2 lần so với thời điểm tháng 5/2021 do nhu cầu làm việc tại nhà và giải trí tăng cao. Trong các tháng 6 và 7, sức mua giảm 20-30% tuy nhiên vẫn được coi là tăng trưởng trong khi các mặt hàng khác giảm 70-80%.

Tuần rồi hệ thống CellphoneS cũng ghi nhận lượng mua máy tính bảng, laptop tăng khoảng 50% so với cùng kỳ, trung bình trong tuần sức mua còn cao hơn 20% so với đỉnh điểm trong tháng 5. Dự đoán nhu cầu vẫn sẽ tiếp tục tăng cao khi các trường còn lại do không thể tiếp tục trì hoãn việc khai giảng vì dịch kéo dài nên dự kiến cũng bắt buộc phải lựa chọn hình thức học trực tuyến.

XU HƯỚNG LAPTOP GIẢI TRÍ, GAMING, VĂN PHÒNG LÊN NGÔI

Về xu hướng cho tiêu dùng laptop sắp tới, ông Hoàng Văn Dũng, Giám Đốc ngành hàng laptop FPT Shop cho rằng: Những mẫu laptop đang được ưa chuộng nhất năm nay là những mẫu dành cho gaming phục vụ nhu cầu giải trí và laptop mỏng nhẹ khoảng dưới 1.3kg dễ dàng di chuyển. 

 
"Nếu khách hàng không có nhu cầu chơi game và đồ họa mà chỉ cần những chiếc máy dễ di chuyển và làm việc tốt thì sẽ tìm những laptop mỏng nhẹ ở khoảng 20 triệu đồng".
Ông Hoàng Văn Dũng, Giám đốc ngành hàng laptop FPT Shop.

Ông Dũng dẫn chứng, nếu khách hàng mua máy phục vụ mục đích chơi game và đồ họa thì sẽ tìm những chiếc laptop gaming có cấu hình và thiết kế mạnh mẽ để tối ưu hóa nhu cầu sử dụng; hoặc nếu khách hàng không có nhu cầu chơi game và đồ họa mà chỉ cần những chiếc máy dễ di chuyển và làm việc tốt thì sẽ tìm những laptop mỏng nhẹ ở khoảng 20 triệu đồng. Đây là những chiếc máy đẹp, nhỏ, gọn, cấu hình khá tốt có thể đáp ứng nhu cầu làm việc văn phòng.

Ông Nguyễn Lạc Huy, Phụ trách truyền thông của chuỗi cửa hàng CellphoneS, thừa nhận: Từ ngày 23/8 toàn bộ việc đi lại ở TP.HCM được kiểm soát đặc biệt gắt gao thì các em học sinh sẽ rất khó tiếp cận với các sản phẩm phục vụ cho mục đích học tập này. Hiện, CellphoneS tại Hà Nội vẫn nỗ lực giao hàng qua các bên vận chuyển. Tại TP.HCM, lượng hàng laptop đặt mua tăng cao, khách hàng sẵn sàng trả giá cao nhưng vẫn rất khó đáp ứng do thực hiện Chỉ thị 16, giãn cách xã hội.”

Hiện nay, CellphoneS cùng các hãng tập trung vào việc giữ nguyên bình ổn giá bán và đảm bảo nguồn cung mặc dù nhu cầu thế giới cũng đang tăng cao và việc nhập khẩu thông quan tại Việt Nam cũng rất khó khăn.

Từ đầu năm 2021 đến nay, một số mẫu laptop của các hãng Asus, Dell, HP có tình trạng khan hàng. Bên cạnh nhu cầu cao từ khách hàng thì nguồn cung cũng gặp khó khăn. Sự thiếu hụt về nguồn cung linh kiện, vật liệu chế tạo đã tác động lớn đến quá trình sản xuất laptop. Covid-19 bùng phát khiến quá trình vận chuyển, chuỗi cung ứng hàng hóa gặp nhiều khó khăn dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung.

Theo số liệu GFK trong quý 2/2021, FPT Shop đã vươn lên dẫn đầu thị phần bán lẻ laptop với 31% thị phần. Doanh thu laptop của hệ thống cũng có bước tiến mới, đạt 1.329 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng 31% so với cùng kỳ năm 2020.

Hãng nghiên cứu Gartner dự báo, năm 2021, tổng số máy tính cá nhân (laptop, PC), máy tính bảng (tablet) và điện thoại thông minh sẽ đạt 6,2 tỷ chiếc trên toàn cầu. Số lượng laptop và tablet được sử dụng vào năm 2021 sẽ tăng 125 triệu chiếc so với năm 2020. Năm 2022, số lượng thiết bị này trên toàn cầu sẽ đạt 6,4 tỷ chiếc, tăng 3,2% so với năm 2021.

Gartner cho rằng, số lượng laptop và tablet sẽ tăng tương ứng 8,8% và 11,7% vào năm 2021. Tuy nhiên, số lượng PC có thể sẽ giảm từ 522 triệu chiếc vào năm 2020 xuống còn 470 triệu chiếc vào năm 2022.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate