) Thị trường lưu trú du lịch đang trên đà phục hồi tích cực - VnEconomy Emagazine
Thị trường lưu trú du lịch đang trên đà phục hồi tích cực - Ảnh 1
Thị trường lưu trú du lịch đang trên đà phục hồi tích cực - Ảnh 2

Ngành công nghiệp khách sạn là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 trong gần ba năm qua. Theo bà, sự dồn nén về nhu cầu sẽ thúc đẩy quá trình khôi phục của ngành này như thế nào?

Xin chào độc giả của Tạp chí Kinh tế Việt Nam! Điều đầu tiên mà tôi nhận thấy là ngành du lịch hiện nay là đang phục hồi với tốc độ rất mạnh mẽ. Thực tế là, kể từ đầu năm 2022, chúng tôi nhận thấy sự phục hồi về lượng đặt phòng trên toàn khu vực Đông Nam Á. Các khoản đầu tư vào khách sạn ở châu Á - Thái Bình Dương cũng đã tăng lên và có nhiều dự đoán về việc các khu nghỉ dưỡng sẽ thu hút nhiều khoản đầu tư vào nửa cuối năm nay, cùng với sự phục hồi hoàn toàn về công suất phòng và lượng khách. Điều này mang tới cho những người làm việc trong ngành khách sạn sự tự tin về nhu cầu lâu nay đang bị dồn nén thì sắp tới sẽ bùng lên và có nhiều dư địa để tăng trưởng trong thời gian tới.

Thị trường lưu trú du lịch đang trên đà phục hồi tích cực - Ảnh 3

So với các đối thủ toàn cầu, Hilton đang tích cực mở rộng khắp châu Á – Thái Bình Dương. Vì sao Hilton lại đánh giá cao thị trường này như vậy?

Tập đoàn khách sạn Hilton đã tạo kỷ lục với 110 khách sạn mới được mở ra trên toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2022, bao gồm khách sạn Conrad Thượng Hải – địa điểm với diện tích lớn nhất của thương hiệu Conrad trong khu vực, và Hilton Garden Inn Cẩm Châu – địa điểm thứ 50 của thương hiệu Hilton Garden Inn trong khu vực. Công ty đặt mục tiêu quản lý 1.000 khách sạn trong quá trình hoạt động cho đến năm 2025.

Cơ sở để Hilton đánh giá cao thị trường châu Á – Thái Bình Dương, đầu tiên là dựa vào tốc độ gia tăng dân số, thứ hai là sự phát triển ngày càng cao của tầng lớp trung lưu, từ đó dẫn đến sự phát triển của phân khúc lưu trú tầm trung. Chúng tôi đang đặt một mục tiêu là cứ bốn phòng khách sạn đang trong quá trình xây dựng tại châu Á – Thái Bình Dương thì sẽ có một phòng gắn với thương hiệu Hilton, cùng với sự phát triển của Hilton tại Đông Nam Á, thị trường đóng vai trò quan trọng đối với tập đoàn.

Thị trường lưu trú du lịch đang trên đà phục hồi tích cực - Ảnh 4

Vậy, bà nhận định như thế nào về triển vọng tăng trưởng của du lịch Việt Nam, đặc biệt là phân khúc tầm trung?

Việt Nam có phân khúc người tiêu dùng trung lưu phát triển nhanh nhất Đông Nam Á và dự kiến sẽ có thêm 36 triệu người tiêu dùng gia nhập phân khúc này vào năm 2030. Đồng thời, 65% dân số Đông Nam Á dự kiến sẽ thuộc tầng lớp trung lưu vào năm 2030. Dự đoán trong thời gian tới, du khách trong khu vực sẽ có thu nhập khả dụng cao hơn và lên kế hoạch du lịch nhiều hơn. Chúng tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ chứng kiến sự tăng trưởng cả về khách du lịch nội địa và quốc tế tại Việt Nam.

Tiềm năng này, cùng với lịch sử lâu đời của Hilton tại Việt Nam, sẽ giúp chúng tôi có lợi thế trong việc phát triển các thương hiệu dịch vụ trọng tâm của mình. Năm 2019, chúng tôi đã đưa thương hiệu Hilton Đà Nẵng đến với thành phố biển. Tháng 5 năm nay, chúng tôi đã nắm bắt cơ hội đưa thương hiệu Hilton Garden Inn vào Đà Nẵng, thương hiệu dành cho những du khách đang tìm kiếm chỗ ở cao cấp với giá cả phải chăng, cũng như sự thoải mái và lòng hiếu khách của một thương hiệu tinh tế nhưng giản dị.

Thị trường lưu trú du lịch đang trên đà phục hồi tích cực - Ảnh 5

Theo một báo cáo gần đây của Colliers Việt Nam, số lượng các khách sạn do thương hiệu quốc tế vận hành tại Việt Nam sẽ tăng gấp đôi trong 3 năm tới. Bà đánh giá như thế nào về cuộc đua giành thị phần của Hilton khi phân khúc khách sạn trung và cao cấp tại Việt Nam ngày càng tăng nhiệt?

Việt Nam đang dần trở thành một trong những điểm đến du lịch được tìm kiếm nhiều nhất tại châu Á. Từ những bãi biển tươi đẹp của Đà Nẵng đến di sản phong phú của các thành phố như phố cổ Hội An, TP.HCM và Hà Nội, Việt Nam có nhiều điều thú vị cho cả du khách quốc tế và trong nước khám phá. Với một điểm đến có sức hấp dẫn lớn như vậy, không có gì ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều thương hiệu tham gia và phát triển sự hiện diện của họ tại Việt Nam. Nhưng chúng tôi tin tưởng rằng vẫn còn nhu cầu đáng kể của người tiêu dùng và cơ hội tăng trưởng trên thị trường dành cho Hilton.

Là một công ty khách sạn toàn cầu với danh mục đầu tư đầu ngành gồm 20 thương hiệu từng đoạt giải thưởng và tiên phong trong các nỗ lực đổi mới, Hilton đang có lợi thế để mang lại trải nghiệm đặc biệt cho du khách và lợi nhuận cao cho chủ sở hữu. Hilton cũng đã được Brand Finance công nhận là một trong những thương hiệu giá trị nhất trong danh sách Global 500. Trong khi ngày càng nhiều du khách tìm kiếm những chuyến du lịch nghỉ dưỡng chất lượng và những trải nghiệm chăm sóc sức khỏe mới mẻ, chúng tôi tin rằng Việt Nam và những dịch vụ của Hilton sẽ đáp ứng những yêu cầu mới của khách du lịch.

Thị trường lưu trú du lịch đang trên đà phục hồi tích cực - Ảnh 6

Bên cạnh việc là một thị trường lưu trú đa dạng, Việt Nam còn có những lợi thế gì để có thể thu hút khách du lịch quốc tế mạnh mẽ hơn, thưa bà?

Là “Điểm đến hàng đầu châu Á” được công nhận trong bốn năm liên tiếp, Việt Nam mang đến nhiều trải nghiệm hấp dẫn. Du lịch quốc tế tại đây đang tăng trưởng khả quan khi Việt Nam đã đón 4,6 triệu lượt khách quốc tế trong 5 tháng đầu năm 2023, đạt hơn một nửa mục tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế đặt ra trong năm nay. Du lịch nội địa cũng đã phục hồi hơn 50% so với mức trước đại dịch trong 6 tháng đầu năm 2023.

Để hỗ trợ lượng du khách trong nước và quốc tế đến Việt Nam, chúng tôi rất vui mừng khi thấy các bước chuẩn bị quan trọng đang được tiến hành tốt: Chính phủ đã công bố kế hoạch nâng cấp cơ sở hạ tầng sân bay của Việt Nam với mục tiêu thành lập tổng cộng 30 sân bay vào năm 2030. Việc nối lại các đường bay quốc tế cũng sẽ giúp các sân bay của Việt Nam tiếp nhận lượng lớn khách du lịch hiệu quả hơn.

Chúng tôi cũng nhận thấy những nỗ lực của Chính phủ trong mục tiêu tiếp tục thúc đẩy hệ sinh thái du lịch Việt Nam – ví dụ như chương trình truyền thông “Live Fully in Vietnam” (Sống trọn vẹn tại Việt Nam) được triển khai để thu hút du khách quốc tế. Với triển vọng tươi sáng của hoạt động du lịch Việt Nam, chúng tôi đang tập trung vào mục tiêu mở rộng dấu ấn của Hilton một cách chiến lược tại thị trường này, để đảm bảo rằng chúng tôi cung cấp đúng thương hiệu ở địa điểm và thời điểm phù hợp.

Thị trường lưu trú du lịch đang trên đà phục hồi tích cực - Ảnh 7

Bà dự đoán khi nào doanh thu ngành khách sạn tại Đông Nam Á nói chung và các khách sạn tại Việt Nam nói riêng sẽ quay lại mức trước dịch Covid-19?

Chúng tôi đã nhìn thấy tiềm năng phục hồi hoàn toàn của ngành du lịch tại Việt Nam và trên khu vực Đông Nam Á vào năm 2024. Tuy nhiên cũng chia sẻ thêm, đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì trong những tháng vừa qua, nhu cầu về du lịch đã quay trở lại nhanh hơn dự kiến. Tại các thị trường trên khắp Đông Nam Á, công suất phòng tiếp tục tăng nhờ nhu cầu giải trí tăng cao và sự phục hồi mạnh mẽ hơn mức kỳ vọng của hoạt động kinh doanh tạm thời và du lịch theo nhóm. Do đó, chúng tôi rất tự tin rằng ngành khách sạn tại Đông Nam Á và tại Việt Nam sẽ phục hồi hoàn toàn vào năm 2024.

Thị trường lưu trú du lịch đang trên đà phục hồi tích cực - Ảnh 8

VnEconomy 28/06/2023 07:00

 

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 25-2023 phát hành ngày 19-06-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Thị trường lưu trú du lịch đang trên đà phục hồi tích cực - Ảnh 9