May 07, 2025 | 19:20 GMT+7

Thị trường nước ngoài sẽ gia tăng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại

Vũ Khuê -

Các quốc gia trên thế giới sẽ đẩy mạnh áp dụng các quy định pháp luật mới nhằm tăng mức thuế có thể áp dụng, sử dụng những biện pháp phòng vệ thương mại có phạm vi áp dụng rộng, mở rộng hơn các mặt hàng điều tra… để tăng cường bảo hộ nền sản xuất trong nước...

Mật ong Việt Nam bị điều tra chống bán phá giá tại thị trường Hoa Kỳ.
Mật ong Việt Nam bị điều tra chống bán phá giá tại thị trường Hoa Kỳ.

Tại hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại và cảnh báo sớm cho doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh biến động chính sách thuế toàn cầu” diễn ra ngày 7/5/2025, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng các nền kinh tế xuất khẩu lớn ngày càng có nguy cơ trở thành đối tượng của các biện pháp phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

NĂM 2024, HÀNG HOÁ VIỆT NAM BỊ ĐIỀU TRA NHIỀU NHẤT

Việt Nam có quy mô xuất khẩu tăng trưởng mạnh thời gian qua (liên tục nằm trong top 30 nền kinh tế có quy mô xuất khẩu lớn nhất thế giới). Tính đến tháng 4/2025, có tổng 284 vụ việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, các vụ điều tra chống bán phá giá và tự vệ chiếm tỷ lệ cao nhất, tương ứng là 54,6% và 20,8%.

Bà Nguyễn Anh Thơ, Phòng xử lý Phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương nhận định năm 2024 là năm các nước khởi xướng điều tra nhiều vụ việc phòng vệ thương mại mới nhất với nước ta, đứng thứ 2 trong lịch sử với 27 vụ trong 11 tháng.

Hoa Kỳ, Ấn Độ, Canada, Indonesia là các thị trường có xu hướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất đối với Việt Nam trong năm 2024. Đặc biệt, Hoa Kỳ chiếm gần 50% tổng số vụ việc đã khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Các cuộc điều tra phòng vệ thương mại không chỉ gia tăng về số lượng mà còn trở nên phức tạp hơn khi nhiều quốc gia điều tra các nội dung mới chưa từng có tiền lệ.

Không những thế, phạm vi sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng, tập trung ở cả các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu cao như: pin mặt trời (4,2 tỷ USD), tôm (800 triệu USD), thép chống ăn mòn (242 triệu USD) đến các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu thấp hơn như khay đúc bằng sợi giấy (50 triệu USD), đĩa giấy (09 triệu USD)…

Theo thông tin từ WTO, tỷ lệ các thành viên WTO bị điều tra với tư cách là nhà xuất khẩu trong các vụ việc chống bán phá giá giai đoạn 2020 – 2024 thì các doanh nghiệp Việt Nam bị áp dụng 107 biện pháp, chiếm 3,3% tổng số vụ điều tra. Các sản phẩm chủ yếu bị điều tra bán phá giá liên quan đến các nhóm hàng công nghiệp như kim loại, hóa chất, cao su, nhựa, dệt may, máy móc, vật liệu xây dựng, cũng như các sản phẩm nông sản như mỡ động vật và các loại cây, rau củ quả.

Còn với điều tra chống trợ cấp theo mặt hàng, Việt Nam bị điều tra 21 vụ việc. Các mặt hàng bị điều tra chủ yếu thuộc nhóm sản phẩm nông nghiệp và các sản phẩm công nghiệp, bao gồm máy móc, thiết bị điện tử, phương tiện giao thông, dệt may, cao su và các nhóm sản phẩm khác.

Bộ Công Thương cho rằng xu hướng trong thời gian tới, các quốc gia trên thế giới sẽ đẩy mạnh áp dụng các quy định pháp luật mới nhằm tăng mức thuế có thể áp dụng, thông qua việc sử dụng các quy định về: nền kinh tế phi thị trường: tình hình thị trường đăc biệt; yêu cầu, đòi hỏi khắt khe hơn về thủ tục khi tham gia các vụ việc phòng vệ thương mại.

Cùng với đó, họ tiếp tục sử dụng những biện pháp phòng vệ thương mại có phạm vi áp dụng rộng như tự vệ hoặc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại để tăng cường bảo hộ. Tiếp tục sửa đổi thêm các quy định về phòng vệ thương mại theo hướng bảo hộ và khó dự đoán hơn.

Các nhóm sản phẩm mục tiêu của các biện pháp phòng vệ thương mại trong thời gian sắp tới có thể là các mặt hàng sử dụng nhiều lao động hoặc sử dụng nguyên liệu đầu vào từ những nước thường xuyên bị điều tra phòng vệ thương mại như Trung Quốc.

7 XU HƯỚNG ĐIỀU TRA PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI ĐỐI VỚI VIỆT NAM  

Tại hội nghị tập huấn, Bộ Công Thương đưa ra một số xu hướng điều tra phòng vệ thương mại mà các thị trường nhập khẩu sẽ áp dụng với Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ nhất, số lượng vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại sẽ gia tăng. Điều này có thể thấy qua số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng nhanh chóng: giai đoạn 2001-2011 là 50 vụ; giai đoạn 2012 - tháng 4/2025 là 234 vụ. Điển hình là Hoa Kỳ, tính đến nay, nước này đã điều tra 22 vụ việc chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại.

Thứ hai, phạm vi sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng. Không giới hạn ở các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như tôm, cá tra, thép, gỗ, pin mặt trời..., mà mở rộng với những sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu trung bình và nhỏ như máy cắt cỏ, mật ong, đĩa giấy, ghim dập… Thậm chí, mở rộng với các nội dung mới như điều tra xem xét phạm vi sản phẩm…

Thứ ba, thị trường điều tra ngày càng mở rộng; các quốc gia điều tra phòng vệ thương mại đa dạng hơn. Hầu hết các thị trường xuất khẩu truyền thống lớn đều đã khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại đối với Việt Nam. Hơn nữa, số vụ việc do các nước ASEAN tiến hành cũng tăng nhanh. Hay Mexico cũng bắt đầu điều tra do việc thực thi các FTA dẫn đến xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh, cạnh tranh với ngành sản xuất nội địa của nước nhập khẩu.

Thứ tư, xu hướng điều tra khắt khe, áp đặt hơn. Họ yêu cầu cao hơn đối với Chính phủ, doanh nghiệp bị điều tra (về thời hạn trả lời, yêu cầu bổ sung nhiều thông tin, khó xin gia hạn...).

Thứ năm, mức thuế phòng vệ thương mại có thể bị đẩy lên do vấn đề kinh tế thị trường. Một số nước như Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường nên sử dụng chi phí của một nước thứ ba để tính giá trị thông thường trong các vụ việc chống bán phá giá. Như vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá với mật ong Việt Nam.

Thứ sáu, các quốc gia gia tăng sử dụng các loại thuế, như thuế đối ứng; thuế áp dụng biện pháp hạn chế đối với hàng nhập khẩu vì lý do an ninh quốc gia; thuế áp dụng biện pháp trừng phạt thương mại đối với các nước vi phạm các hiệp định thương mại của Hoa Kỳ hoặc tham gia vào các hành vi “không thể biện minh được” hoặc “không hợp lý” và gây gánh nặng cho thương mại Hoa Kỳ.

Thứ bảy, các quốc gia tăng cường kiểm tra xuất xứ (origin verification) và chứng minh giá trị gia tăng nội địa.

Trước các xu hướng này, để đối phó với các biện pháp phòng vệ thương mại từ các nước nhập khẩu, Bộ Công Thương khuyến nghị doanh nghiệp cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ quy định phòng vệ thương mại của các thị trường xuất khẩu, đặc biệt những nước thường xuyên điều tra phòng vệ thương mại.

Thường xuyên theo dõi danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh biện pháp phòng về thương mại của Bộ Công Thương. Đồng thời trao đổi với đối tác nhập khẩu về tình hình hoặc khả năng phát sinh vụ việc phòng vệ thương mại tại thị trường nhập khẩu đó.

Doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu. Cạnh tranh bằng chất lượng thay vì bằng giá, nâng cao tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam trong sản phẩm.

Cần tăng cường sử dụng các nguyên liệu được sản xuất trong nước hoặc từ các nguồn cung cấp không bị nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Triển khai hệ thống quản lý, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng; áp dụng hệ thống kế toán chuẩn quốc tế.

Phối hợp toàn diện với cơ quan điều tra nước ngoài khi bị điều tra phòng vệ thương mại. Thường xuyên liên hệ, phối hợp chặt chẽ với hiệp hội ngành hàng và Bộ Công Thương để có những giải pháp ứng phó hữu hiệu.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate