February 20, 2025 | 10:01 GMT+7

Thị trường thời trang second-hand có bớt “nóng” trong năm 2025?

Minh Nguyệt -

“Săn đồ si” đang được các chuyên gia đánh giá là một phần của tương lai thời trang bền vững. Hơn thế nữa, xu hướng này tạo ra một cộng đồng thời trang phi truyền thống, không bị ràng buộc bởi mác giá hay xu hướng đại chúng…

Ảnh: Just Style
Ảnh: Just Style

Theo dữ liệu từ Statista, thị trường thời trang second-hand toàn cầu dự kiến đạt 351 tỷ USD vào năm 2027, tăng gần gấp đôi so với 177 tỷ USD vào năm 2023, với mức tăng trưởng hàng năm ổn định là 12%. Achim Berg, cố vấn về thời trang và hàng xa xỉ của McKinsey, nhận định: "Thị trường thời trang second-hand toàn cầu đã tăng gấp bốn lần kể từ năm 2017 và dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, chủ yếu nhờ nhu cầu của thế hệ trẻ".

Trong báo cáo thường niên về xu hướng bán lại thời trang (resale) thực hiện cùng GlobalData, Thredup ghi nhận thị trường này tăng trưởng 11%, nhanh gấp 7 lần so với thị trường bán lẻ thời trang nói chung tại Hoa Kỳ, và dự báo sẽ đạt mức 73 tỷ USD vào năm 2028. Năm 2025, thị trường second-hand dự kiến sẽ chiếm khoảng 10% tổng giá trị thị trường thời trang toàn cầu. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, vào năm 2033, thị trường này sẽ phát triển nhanh hơn tới 6 lần so với việc mua sắm giảm giá.

Theo Global Times, sức hút của thị trường second-hand đối với người tiêu dùng có khả năng tạo ra một hiệu ứng domino mạnh mẽ. 65% nhân viên và 43% người tiêu dùng vẫn cảm thấy chính phủ chưa thực hiện đủ các biện pháp để giảm thiểu tác động môi trường từ ngành thời trang.

Chính vì thế, thị trường second-hand được xem như là một cách đóng góp vào thời trang bền vững đối với người tiêu dùng. Ngoài ra, 22% người tiêu dùng quan tâm đến việc mua hàng second-hand để sở hữu những sản phẩm từ các thương hiệu cao cấp với mức giá phải chăng.

Thị trường thời trang second-hand toàn cầu dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, chủ yếu nhờ nhu cầu của thế hệ trẻ.
Thị trường thời trang second-hand toàn cầu dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, chủ yếu nhờ nhu cầu của thế hệ trẻ.

Thậm chí những người ban đầu có quan điểm tiêu cực về việc mặc đồ second hand cũng đã thay đổi suy nghĩ vì nhiều lý do khác nhau. Chẳng hạn, 55% người tiêu dùng cho biết họ sẽ chuyển sang thời trang second-hand để tiết kiệm chi phí nếu tình hình kinh tế không được cải thiện. Tại châu Á và Úc, thị trường đồ cũ được ghi nhận tăng trưởng nhanh hơn ba lần so với thị trường may mặc.

Các thương hiệu lớn như Kate Spade, H&M, J. Crew và American Eagle đều đã khởi động chương trình bán lại, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các tín đồ có mục tiêu tiết kiệm, kéo dài vòng đời của các mặt hàng xa xỉ.

Trong số các thành phố châu Á, Tokyo đã phát triển thị trường đồ cũ sang trọng vượt tầm, cung cấp các loại đồ cũ không chỉ trong khu vực mà còn cho nhiều nơi trên thế giới. Cách làm độc đáo của người Nhật là tân trang và bán lại những món đồ đã qua sử dụng để thu hút khách du lịch nước ngoài đồng thời xuất khẩu mô hình kinh doanh của họ sang các nơi giàu có như Thượng Hải, Hồng Kông, Singapore. 

Cũng như Tokyo, thị trường đồ cũ cao cấp của Trung Quốc với các đại diện như Thượng Hải, Hồng Kông… cũng bùng nổ mặc cho trước đây việc mua hàng cũ của Louis Vuitton, Rolex, Hermès, Prada hay Fendi không hề được tán thành. Bây giờ thì khác, người mua sắm ngày càng thực tế hơn. Khi một chiếc túi nylon Prada Messenger hoặc Fendi Baguette được bán với giá thấp hơn từ 30% - 40% tai cửa hàng đồ cũ, thì một số sản phẩm chứng kiến khoảng cách giá còn xa hơn trên các nền tảng trực tuyến.

 Những phiên chợ đồ cũ xuất hiện thường xuyên giữa thủ đô Tokyo.
 Những phiên chợ đồ cũ xuất hiện thường xuyên giữa thủ đô Tokyo.
Thị trường thời trang second-hand có bớt “nóng” trong năm 2025? - Ảnh 1
Thị trường thời trang second-hand có bớt “nóng” trong năm 2025? - Ảnh 2
 

Các mô hình dịch vụ đấu giá ở Nhật (và sao chép đi các nước đối tác khác) rất đa dạng. Hoặc nó cho phép các nhà tái chế đăng ký và các chuyên gia mua hàng độc lập liệt kê các mặt hàng với phí niêm yết là 550 Yên cho mỗi mặt hàng, mức hoa hồng 5% cho đồng hồ, trang sức và túi xách và 10% cho quần áo khi bán thành công.

Trong nhiều phiên đấu giá, người ta liệt kê ra được hàng vài chục ngàn chiếc đồng hồ, trang sức, túi xách hàng hiệu, đạt tỷ lệ bán đấu giá cao trên 90%. Đáng chú ý, khoảng 30% số tiền đấu giá đến từ người mua ở nước ngoài, trong đó gần một nửa đến từ châu Á...

Suy thoái kinh tế khiến người tiêu dùng toàn cầu ngày càng thắt chặt chi tiêu. Ngay cả tầng lớp trung lưu và tầng lớp giàu có mới nổi cũng tập trung vào việc gia tăng tài sản thay vì thoải mái tiêu dùng như trước. Điều này lý giải tại sao các thương hiệu sản xuất hàng tiêu dùng ở các lĩnh vực ngoài thời trang cũng mong muốn nhanh chóng gia nhập nền kinh tế đồ cũ.

Mới đây, IKEA ra mắt nền tảng IKEA Preowned để người mua có thể bán lại đồ nội thất đã qua sử dụng trực tiếp cho người khác. Được thiết kế để cạnh tranh với eBay, Craigslist và Gumtree, IKEA Preowned đang ra mắt thử nghiệm đầu tiên tại Madrid (Tây Ban Nha) và Oslo (Na Uy), trước khi tiến tới quyết định triển khai trên toàn cầu. Ông Jesper Brodin, Giám đốc điều hành của Ingka, đơn vị điều hành chính các cửa hàng IKEA, cho biết thị phần đồ cũ của tập đoàn còn cao hơn sản phẩm mới.

55% người tiêu dùng cho biết họ sẽ chuyển sang thời trang second-hand để tiết kiệm chi phí nếu tình hình kinh tế không được cải thiện.
55% người tiêu dùng cho biết họ sẽ chuyển sang thời trang second-hand để tiết kiệm chi phí nếu tình hình kinh tế không được cải thiện.

Bản thân các nền tảng “mua đi bán lại” đồ cũ cũng không ngừng đổi mới trải nghiệm cho người dùng cũng như nỗ lực tìm kiếm thêm các mặt hàng đã qua sử dụng. ThredUp ước tính rằng thị trường quần áo cũ toàn cầu có tốc độ tăng trưởng ước tính gấp 3 lần so với quần áo mới. Bain & Company ước tính doanh số bán hàng xa xỉ đã qua sử dụng tăng 125% từ năm 2017-2023 so với tỉ lệ 43% hàng mới.

Dù các con số khả quan nhưng thực tế đã chứng minh chi phí vận hành loại hình kinh doanh đồ cũ là rất lớn. Chưa kể còn rất nhiều rào cản và những câu chuyện dở khóc dở cười trong quá trình thu mua vì tư duy của người dùng. Bên cạnh đó là những lo ngại về động cơ của một số thương hiệu khi họ sản xuất sản phẩm mới vượt nhu cầu của thị trường. Việc tái sử dụng sản phẩm ở thị trường đồ cũ thực sự là để giảm tác động lên môi trường hay lại là “chiêu trò” để họ bán sản phẩm tồn kho và tiếp thị hình ảnh?

Ở khía cạnh khác, các nền tảng đồ cũ phải đầu tư công nghệ lớn đến mức khó thu hồi lợi nhuận. Theo tờ Financial Times, Vinted không tính phí người bán, là nền tảng thời trang cũ đầu tiên có lãi vào năm 2024 khi thu được lợi nhuận ròng là 18 triệu euro trên doanh số 596 triệu euro. Depop hay ThredUp khó có thể cạnh tranh với Goodwill - tổ chức bán đồ cũ lớn nhất thế giới, được điều hành như một tổ chức phi lợi nhuận. Bên cạnh đó là nguy cơ gian lận, đặc biệt là đối với quần áo cao cấp.

Dù các con số khả quan nhưng thực tế đã chứng minh chi phí vận hành loại hình kinh doanh đồ cũ là rất lớn.
Dù các con số khả quan nhưng thực tế đã chứng minh chi phí vận hành loại hình kinh doanh đồ cũ là rất lớn.

Nhìn chung, nhu cầu sử dụng đồ cũ vẫn không ngừng hạ nhiệt trong bối cảnh người tiêu dùng hướng đến một thế giới bền vững hơn, các công ty giảm lượng khí thải và chú trọng đến kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, để vận hành trơn tru, có lẽ còn cần thêm thời gian và rất nhiều nỗ lực ở cả 2 phía doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate