November 25, 2024 | 12:05 GMT+7

Thị trường tiếp tục tăng trong nghi ngờ, khối ngoại giảm mạnh áp lực bán

Kim Phong -

Khối lượng chốt lời T+ vẫn xuất hiện nhưng không gây nhiều áp lực trong phiên sáng đầu tuần. Đà tăng chậm chạp trên nền thanh khoản thấp và độ rộng cải thiện dần theo thời gian phản ánh tâm lý nghi ngờ, nhưng vẫn có dòng tiền chấp nhận nâng giá...

Nhóm cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sáng nay chủ đạo là tăng giá.
Nhóm cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sáng nay chủ đạo là tăng giá.

Khối lượng chốt lời T+ vẫn xuất hiện nhưng không gây nhiều áp lực trong phiên sáng đầu tuần. Đà tăng chậm chạp trên nền thanh khoản thấp và độ rộng cải thiện dần theo thời gian phản ánh tâm lý nghi ngờ, nhưng vẫn có dòng tiền chấp nhận nâng giá.

VN-Index trọn phiên sáng nay nằm trên tham chiếu, điểm thấp nhất chỉ tăng khoảng 1 điểm so với tham chiếu và độ rộng trọn phiên đều nghiêng hẳn về phía tăng. Chốt phiên chỉ số tăng 5,56 điểm (+0,45%) với 243 mã tăng/116 mã giảm.

Thanh khoản sàn HoSE giảm nhẹ 3% so với phiên trước, đạt 4.145 tỷ đồng chưa kể thỏa thuận. Độ rộng tại điểm thấp nhất của chỉ số ghi nhận 166 mã tăng/140 mã giảm nhưng số giảm quá 1% rất ít. Thống kê sàn này chỉ có 76 mã có mức giảm tối đa từ 1% trở lên, chiếm khoảng 22,3% tổng số mã phát sinh giao dịch. Đến cuối phiên rút lại còn 35 mã, trong đó duy nhất 2 mã đạt thanh khoản chấp nhận được là CMG giảm 2,44% khớp 66,8 tỷ và TCH giảm 1,29% khớp 23 tỷ. Cổ phiếu thanh khoản tốt nhất kế tiếp là EVG chỉ còn 2,8 tỷ đồng. Điều này xác nhận nhóm giảm giá sâu sáng nay là không đáng kể, không có áp lực bán mạnh nào xuất hiện.

Phía tăng giá tốt hơn nhiều, trong 243 mã xanh có 76 mã tăng hơn 1% và nhóm này tập trung 41,1% tổng giá trị khớp của sàn HoSE. Nhóm hút dòng tiền và tăng giá xuất sắc nhất là POW kịch trần tăng 6,58% thanh khoản 209,8 tỷ; MSN tăng 1,69% với 193,4 tỷ; DHG tăng 2,83% với 175,3 tỷ; DXG tăng 1,49% với 157,8 tỷ; TCM tăng 2,49% với 108,6 tỷ. Danh sách khá dài các cổ phiếu thanh khoản trung bình cũng tăng giá mạnh như GEX, REE, HAH, PVD, GIL, VSC…

Mặc dù ưu thế ở nhóm tăng giá là vượt trội hoàn toàn so với nhóm giảm, cả về biên độ lẫn thanh khoản, nhưng xét về tỷ trọng, đại đa số cổ phiếu vẫn là tăng với biên độ hẹp và thanh khoản thấp. Thực ra khi tổng thể thanh khoản thị trường nhỏ, dù có một vài mã nổi bật hút dòng tiền thì cũng chỉ là trường hợp cá biệt. Ví dụ toàn sàn HoSE sáng nay chỉ có 9 cổ phiếu đạt giao dịch từ 100 tỷ đồng trở lên. Điểm tích cực chính là ngưỡng thanh khoản kém mà giá vẫn tăng, đồng nghĩa với lực bán đang rất hạn chế.

Thị trường tiếp tục tăng trong nghi ngờ, khối ngoại giảm mạnh áp lực bán - Ảnh 1

Nhóm cổ phiếu blue-chips cũng không có giao dịch nào nổi bật, đặc biệt khi thanh khoản nhóm này khá tệ. Rổ VN30 ghi nhận giảm 12% thanh khoản so với phiên trước, chỉ đạt hơn 1.768 tỷ đồng khớp lệnh. VnN30-Index tăng nhẹ 0,4% với 19 mã tăng/6 mã giảm. Trong Top 10 vốn hóa cao nhất có VCB tăng 1,21%, VHM tăng 1,32%, GAS tăng 1,3%. Ngược lại BID, FPT, CTG, TCB đỏ.

Điểm nhấn sáng nay ở khối ngoại là giao dịch bán tiếp tục yếu đi. Tổng mức bán ra trên HoSE chỉ còn 522,2 tỷ đồng, giảm 21% so với sáng phiên trước và ở mức thấp nhất 13 phiên. Sau loạt phiên sáng tổng xả cả ngàn tỷ đồng, đây là mức sụt giảm rất tích cực. Phía mua cũng vẫn còn yếu, chỉ đạt 419,1 tỷ đồng, tương ứng mức bán ròng 103,1 tỷ. Đây cũng là con số thấp nhất 20 phiên. Các cổ phiếu bị bán ròng nhiều sáng nay là MWG -39,6 tỷ, HPG -32,3 tỷ, DXG -24,9 tỷ. Bên mua ròng có MSN +46,7 tỷ, TCM +24,8 tỷ.

Thị trường đang xuất hiện chuỗi phiên phục hồi với thanh khoản rất thấp khiến tâm lý nghi ngờ lên cao. Nhịp tăng này mang dáng dấp của phục hồi kỹ thuật nên nhà đầu tư khó quyết định. Thông thường khi thanh khoản thấp nghĩa là ít người sẵn lòng mua và tâm lý chờ thị trường điều chỉnh giảm trở lại mới xuống tiền chiếm ưu thế. Đây là trạng thái “tăng trong nghi ngờ” phổ biến ở bất kỳ nhịp tạo đáy nào.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate