April 12, 2023 | 12:04 GMT+7

Thị trường trì trệ, tiền dồn vào Midcap, vốn ngoại tiếp tục rút ròng

Kim Phong -

Đà hưng phấn của nhóm cổ phiếu bất động sản đã nguội đi đáng kể sáng nay. NVL vẫn tăng tốt 5,28% nhưng nhiều mã khác đã chậm lại, số lớn quay đầu giảm. Dù vậy độ rộng tổng thể của VN-Index vẫn cân bằng, chỉ là không có nhóm dẫn dắt đủ khỏe để bứt phá...

Xếp theo giá trị khớp lệnh cho thấy nhiều cổ phiếu hút tiền tốt giá vẫn mạnh.
Xếp theo giá trị khớp lệnh cho thấy nhiều cổ phiếu hút tiền tốt giá vẫn mạnh.

Đà hưng phấn của nhóm cổ phiếu bất động sản đã nguội đi đáng kể sáng nay. NVL vẫn tăng tốt 5,28% nhưng nhiều mã khác đã chậm lại, số lớn quay đầu giảm. Dù vậy độ rộng tổng thể của VN-Index vẫn cân bằng, chỉ là không có nhóm dẫn dắt đủ khỏe để bứt phá.

VN-Index kết phiên sáng tăng 1,09 điểm tương đương 0,1%, rất nhỏ. VN30-Index tăng 0,09%, Midcap tăng 0,77%, VNSmallcap tăng 0,25%. Nhóm Midcap lại đang thể hiện phong độ khá tốt, một phần do nhiều mã bất động sản thuộc nhóm này.

Chỉ số VNREAL sàn HoSE tăng 0,51%, cũng không rõ rệt do bị tác động từ các cổ phiếu vốn hóa lớn của nhóm. VIC giảm 1,31% ảnh hưởng rõ nhất, đây cũng là cổ phiếu kiềm chế VN-Index khi lấy đi 0,7 điểm. Các mã còn mạnh ở nhóm này hầu hết vốn hóa khá nhỏ, ngoài NVL, có thể kể tới NLG tăng 5,68%, KDH tăng 2,98%, PDR tăng 2,22%, ITA tăng 1,69%, KBC tăng 1,35%. Vài mã nhỏ hơn như D2D, HDC, ASM, HDG, SZC... cũng tăng mạnh nhưng ảnh hưởng không đáng kể.

Thanh khoản trong rổ Midcap sáng nay đang chiếm gần 44% tổng giá trị khớp lệnh toàn sàn HoSE. Giao dịch nhóm này còn lớn hơn cả VN30. Độ rộng của nhóm Midcap ghi nhận 42 mã tăng/25 mã giảm, trong đó 11 mã tăng trên 2% có dấu ấn đậm nét của cổ phiếu bất động sản.

Độ rộng chung trên sàn HoSE là 183 mã tăng/173 mã giảm, cân bằng phù hợp với diễn biến yếu ở chỉ số VN-Index. Điều này một lần nữa cho thấy giao dịch ở cổ phiếu hay nhóm cổ phiếu tách biệt so với diễn biến chỉ số. Nhóm dẫn dắt đã suy yếu và chững lại, từ đó không tác động mạnh về mặt điểm số, nhưng dòng tiền vẫn tích cực tìm kiếm cơ hội ở các mã trung bình tới nhỏ.

VN-Index đã xanh trở lại cuối phiên sáng.
VN-Index đã xanh trở lại cuối phiên sáng.

VN30 cũng có 12 mã tăng/15 mã giảm nhưng không có trụ. MSN tăng 2,31% là đáng kể nhất. NVL, POW, PDR cũng tăng trên 2% nhưng không xứng đáng làm trụ và điểm số tạo thành cũng không đáng kể. VHM tăng quá yếu 0,39%, GAS thậm chí may mắn còn tăng 0,1% vì dư mua giá cao nhất vẫn đang là giá đỏ. Các trụ như VCB, HPG, TCB, VPB, BID, CTG, VNM đều đang giảm nhẹ. Sức ép chính đến từ VIC và SAB.

Toàn sàn HoSE sáng nay ghi nhận 90 cổ phiếu đang tăng hơn 1% giá trị với thanh khoản ở nhóm này chiếm 55% giá trị sàn. Đây là tín hiệu tích cực nhất, thể hiện dòng tiền đang rất tập trung và vẫn tạo được hiệu ứng giá tốt. Ngoài ra, toàn thị trường có 10 cổ phiếu thanh khoản trên 100 tỷ đồng thì 7 mã vẫn đang tăng giá.

Nếu nhìn thị trường qua chỉ số đại diện là VN-Index thì sáng nay là một phiên trì trệ. Tuy nhiên nếu nhìn ở cổ phiếu thì trạng thái tích cực vẫn nhiều hơn. HoSE mới có 70 mã đang giảm trên 1% nhưng thanh khoản chỉ chiếm hơn 14% giá trị sàn. Vì vậy từ góc độ phân bổ dòng tiền, nhà đầu tư cũng không thiệt hại nhiều.

Khối ngoại sáng nay mua vào rất ít, mới giải ngân 286,3 tỷ đồng trên HoSE, chiếm chưa đầy 5% tổng giao dịch. Mức giải ngân này giảm khoảng 6% so với sáng hôm qua. Mức bán ra cũng giảm, nhưng chậm hơn, đạt 444 tỷ đồng, tương ứng bán ròng 157,7 tỷ đồng. KBC đang bị xả nhiều nhất -26,4 tỷ ròng, DIG -26 tỷ, FUEVFVND -24,5 tỷ, VNM -16,1 tỷ. Phía mua có HDB +16,7 tỷ, PNJ +14,2 tỷ, NLG +13,1 tỷ.

Vốn ngoại mua yếu nhưng thanh khoản hai sàn niêm yết sáng nay vẫn tăng nhẹ 2%, đạt 5.771 tỷ đồng, trong đó HoSE tăng trên 9%, đạt 5.225 tỷ đồng. Như vậy vốn nội đã phục hồi trở lại một chút. Hiện dòng tiền vào VN30 khá yếu dù có cải thiện so với phiên trước, nhưng cơ bản là các trụ hoạt động kém. Thanh khoản ở các cổ phiếu vốn hóa hàng đầu như VCB, VIC, VNM, thậm chí cả VHM đều kém. Chỉ số muốn cải thiện thì phải có dòng tiền mạnh hơn vào nhóm này.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate