April 11, 2023 | 15:55 GMT+7

Cổ phiếu bất động sản đảo chiều cả loạt, vốn ngoại bán ròng đột biến

Kim Phong -

Thông tin hỗ trợ thị trường bất động sản được lan truyền đầu phiên chiều nay đã giúp nhóm cổ phiếu bất động sản khởi động một nhịp phục hồi mạnh. Đà tăng sau đó lan tỏa, kéo ngược giá nhiều cổ phiếu khác cũng lên theo. VN-Index từ chỗ giảm 7,93 điểm thành tăng 4,11 điểm lúc đóng cửa...

VN-Index đảo chiều thành công.
VN-Index đảo chiều thành công.

Thông tin hỗ trợ thị trường bất động sản được lan truyền đầu phiên chiều nay đã giúp nhóm cổ phiếu bất động sản khởi động một nhịp phục hồi mạnh. Đà tăng sau đó lan tỏa ra rộng rãi, kéo ngược giá nhiều cổ phiếu khác cũng lên theo. VN-Index từ chỗ giảm 7,93 điểm đảo ngược thành tăng 4,11 điểm lúc đóng cửa. Độ rộng cũng tích cực với số mã tăng vượt trội.

Dĩ nhiên nhóm cổ phiếu bất động sản biến động mạnh nhất. Chỉ số VNREAL sàn HoSE đóng cửa tăng 1,3% với hai cổ phiếu bất động sản dẫn đầu nhóm tăng giá kéo điểm VN-Index là VHM và NVL.

NVL chốt phiên sáng còn đang giảm 3,76%, bất ngờ từ 1h45 trở đi bật lên mạnh mẽ. Chỉ trong vòng 10 phút giá đã vượt tham chiếu và đến cuối phiên tăng kịch trần. VHM thậm chí sớm hơn, cuối phiên sáng giảm 0,8% thì chỉ 15 phút đầu phiên chiều đã quay về tham chiếu, thời gian còn lại là tăng rất nhanh. Đóng cửa VHM tăng 3,41% trở thành mã kéo điểm nhiều nhất.

Loạt cổ phiếu bất động sản cũng đảo chiều với biên độ lớn là: DIG từ giảm 6,9% thành tăng 0,57%; DXS từ giảm 4,55% thành tăng 4,55%; SCR từ giảm 4,94% thành tăng 0,52%; HPX từ giảm 4,71% thành tăng 0,9%... Nhóm HQC, LDG, PDR, DLG, KHG, NTL... đều đảo chiều thành công.

Độ rộng là biểu hiện rõ nhất của trạng thái đảo chiều giá. Quả nửa phiên chiều cổ phiếu giảm giá vẫn áp đảo. Tuy nhiên khoảng 4 phút cuối, đà phục hồi thành công ở nhiều mã giúp độ rộng cân bằng. Đóng cửa, lực cầu tiếp tục mạnh đẩy cả loạt cổ phiếu tăng, độ rộng cuối phiên của VN-Index ghi nhận 228 mã tăng/138 mã giảm.

VN-Index đóng cửa tăng nhẹ 4,11 điểm tương đương +0,39%, VN30 tăng 0,4%, Midcap tăng 0,65%, VNSmallcap tăng 0,97%. Không có gì bất ngờ khi nhóm cổ phiếu nhỏ hưởng lợi chính từ đà phục hồi này, vì trước đó nhóm này cũng đã tỏ ra mạnh hơn các mã lớn nhờ thanh khoản hạn chế. Trong 228 cổ phiếu đóng cửa trên tham chiếu cuối ngày thì 113 mã đến từ rổ VNSmallcap. Trong 115 cổ phiếu trên HoSE tăng hơn 1% so với tham chiếu thì 65 mã thuộc rổ VNSmallcap, với những mã thanh khoản trên 50 tỷ đồng là VIX, IDI, LCG, HHV, HAH, FTS.

Xếp theo giá trị khớp lệnh, nhiều cổ phiếu hút được dòng tiền bắt đáy và phục hồi tốt.
Xếp theo giá trị khớp lệnh, nhiều cổ phiếu hút được dòng tiền bắt đáy và phục hồi tốt.

Thanh khoản chung hai sàn niêm yết phiên chiều cũng khá tốt, đạt gần 6.349 tỷ đồng, cao hơn phiên sáng 12%. HoSE chiều nay tăng giao dịch gần 17%, đạt 5.574 tỷ đồng. Rõ ràng dòng tiền đã hoạt động tích cực hơn và chấp nhận mua đẩy giá lên.

Nhóm blue-chips cũng phục hồi giá tốt theo xu hướng chung và độ rộng ghi nhận 16 mã tăng/9 mã giảm, đảo ngược so với phiên sáng (2 mã tăng/27 mã giảm). Tuy vậy khả năng vượt tham chiếu cao không xuất hiện trên diện rộng. Trừ VHM, NVL, PDR, VIB, hầu hết tăng nhẹ. Do đó chỉ số đảo chiều thành công nhưng vẫn không thể tăng mạnh so với tham chiếu.

Khối ngoại có động thái ngược dòng phiên chiều khi tiếp tục bán ra nhiều hơn buổi sáng. Tổng giá trị bán thêm ở HoSE là 666,4 tỷ đồng, mua vào 323,3 tỷ đồng tương ứng bán ròng tiếp 343,1 tỷ đồng. Như vậy cả ngày khối ngoại bán ròng 571,1 tỷ đồng trên sàn HoSE. Đây là mức bán ròng cao nhất kể từ phiên ngày 23/2/2023.

STB bị xả ròng 106,1 tỷ đồng, VND -82,8 tỷ, HPG -72,3 tỷ, VPB -51 tỷ, SSI -40,7 tỷ là những cổ phiếu bị xả đáng chú ý nhất. Phía mua duy nhất 2 mã trên 10 tỷ đồng ròng là HDB và PNJ.

Giao dịch mua của khối ngoại chiếm khoảng 5,4% tổng giao dịch sàn HoSE và bán ra chiếm 10,3%. Như vậy dòng vốn nội vẫn tiếp tục là lực cầu nâng đỡ chính trong bối cảnh khối ngoại đã đảo chiều bán ròng bước sang ngày thứ 4 liên tục.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate