Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, Trung Quốc đang giữ vị thế là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ.
Ba tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 11,9 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm mạnh. Cụ thể, điện thoại các loại và linh kiện đạt 3,5 tỷ USD, giảm 4,42%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,4 tỷ USD, giảm 19,61%; hàng thủy sản đạt 238,3 triệu USD, giảm 27,03%; hàng dệt, may đạt 220 triệu USD, giảm 24,53%…
NHIỀU THÁCH THỨC TỪ VĨ MÔ
Phát biểu khai mạc tại “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 4/2023”, ngày 28/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định, Trung Quốc hiện không còn là thị trường dễ tính như trước, không phải hàng hóa nào thị trường họ cũng chấp nhận.
Mặt khác, hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc rất tương đồng với Việt Nam, hàng hoá của Việt Nam cũng đối diện với sự cạnh tranh… điều này vừa tạo ra lợi thế và thách thức đối với hàng hóa Việt Nam.
Ông Trần Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho rằng bên cạnh những yếu tố thuận lợi khi thị trường này mở cửa trở lại, nội nhu cao, dư địa ở khu vực miền Tây và miền Đông của Trung Quốc chưa được khai thác hết thì thách thức xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn rất lớn. Đó là kinh tế thế giới hiện vẫn còn nhiều biến động phức tạp, điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới sự khôi phục của nhiều nền kinh tế, trong đó có Trung Quốc.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng quý 1/2023 của Trung Quốc cao hơn dự báo, tuy nhiên, sự khôi phục của nền kinh tế Trung Quốc hiện vẫn chưa đồng đều. Nước này cũng đang phải giải quyết những vấn đề lớn khác của nền kinh tế, như sự suy thoái của thị trường bất động sản; lạm phát tăng cao; ngành dịch vụ, du lịch và tiêu dùng suy giảm sau thời gian dài khó khăn và cách li phòng dịch...
Về dài hạn, dân số suy giảm và năng suất tăng chậm lại sẽ là những trở ngại lớn đối với tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc.
Nền kinh tế Trung Quốc đã đặt ra kế hoạch và đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng chất lượng cao, phủ rộng hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với tiêu chuẩn hàng hóa cả xuất khẩu và nhập khẩu. Đây là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược và đòi hỏi các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng hóa trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng phải thay đổi và thích ứng.
Ông Nguyễn Hữu Quân, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc, cho rằng việc phía Trung Quốc điều chỉnh theo hướng nới nỏng các quy định phòng dịch đã góp phần tạo thuận lợi khá lớn trong hoạt động thông quan.
Tuy nhiên, hạ tầng kết nối giao thông đến cửa khẩu và hạ tầng cửa khẩu biên giới phía Việt Nam hiện vẫn đang trong quá trình đầu tư, hoàn thiện. Do vậy, rủi ro về việc ùn ứ hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc, đặc biệt là tại khu vực cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn vẫn luôn hiện hữu khi nông sản, trái cây Việt Nam bước vào cao điểm vụ thu hoạch.
Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu cần cập nhật thông tin về tình hình cửa khẩu, chủ động dự báo các tình huống để có thỏa thuận với đối tác nhập khẩu trong việc phân luồng hàng hóa hợp lý, hạn chế tối đa thiệt hại do vấn đề ách tắc hàng hóa gây ra.
ĐA DẠNG HÓA TUYẾN XUẤT KHẨU
Trong thời gian tới, để hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc khôi phục và phát triển bền vững, ông Huy khuyến nghị các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản, thực phẩm cần chú ý nghiên cứu và khẩn trương hoàn tất thủ tục đăng ký trước khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường Trung Quốc.
Phối hợp với đối tác Trung Quốc đa dạng hóa tuyến xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, tránh tập trung vào một vài cửa khẩu biên giới nhất định hoặc tận dụng tuyến vận tải biển, vận tải đường sắt liên vận Việt Nam – Trung Quốc, hạn chế tối thiểu nguy cơ gây ùn tắc tại các cửa khẩu trong mùa cao điểm.
Nghiên cứu kỹ thông tin, tín hiệu và các quy định, tiêu chuẩn của thị trường, tuân thủ đầy đủ các điều kiện về đăng ký doanh nghiệp, các tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc...
Tăng cường tham dự các chương trình hội chợ, triển lãm quốc tế do các địa phương, cơ quan trung ương hai nước phối hợp tổ chức nhằm tăng cường kết nối trực tiếp sau thời gian hạn chế kéo dài của dịch bệnh.
“Tới đây, Bộ Công Thương cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại quy mô tại thị trường Trung Quốc, trong đó, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi sẽ có một số hoạt động hướng tới cả thị trường truyền thống (cụ thể là Quảng Tây) và thị trường mới nằm sâu trong nội địa Trung Quốc (Sơn Đông, Hà Bắc). Vì vậy, các doanh nghiệp nên tham gia tích cực để mở rộng thị trường”, ông Huy khuyến nghị.
Đồng thời duy trì chú trọng việc nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường, tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản, xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu,...
Ông Quân cũng cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu cần chủ động kết hợp với các đối tác nhập khẩu trong việc xây dựng, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp và các sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp mình bên cạnh việc nắm vững và đáp ứng tốt các yêu cầu về kiểm dịch, chất lượng của thị trường Trung Quốc.
Chủ động xây dựng kênh trao đổi trực tiếp với các thương vụ trên cơ sở nắm rõ nhu cầu xuất khẩu của doanh nghiệp địa phương. Đồng thời, có sự phối hợp hiệu quả với các Thương vụ trong quá trình kết nối doanh nghiệp nhập khẩu nước ngoài với doanh nghiệp xuất khẩu tại địa phương.
Nghiên cứu kỹ các ấn phẩm hoặc cẩm nang mặt hàng, ngành hàng do Bộ Công Thương xây dựng để có cái nhìn tổng quát về thị trường, từ đó xây dựng định hướng xuất khẩu dựa trên nhu cầu thực tế của địa phương.