Các doanh nghiệp châu Á đang mong muốn mở rộng văn phòng mạnh mẽ hơn, đặc biệt là các công ty công nghệ và một số công ty đầu tư và bảo hiểm.
NHIỀU CÔNG TY DUY TRÌ DƯỚI 50% NHÂN VIÊN TẠI VĂN PHÒNG
Theo kết quả của Khảo sát Tương lai văn phòng Châu Á-Thái Bình Dương năm 2021 của CBRE, nhiều khách thuê văn phòng đang xem xét chiến lược mở rộng dài hạn, đồng thời áp dụng các chiến lược có tính linh hoạt hơn và mô hình làm việc kết hợp mới trước bối cảnh lạc quan về sự phục hồi của nền kinh tế tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Tại các công ty đa quốc gia, bên cạnh việc chú trọng về sự củng cố địa điểm thuê hay chuyển văn phòng đến những địa điểm chất lượng hơn, một số khác vẫn có mong muốn mở rộng dài hạn. Đứng đầu là các doanh nghiệp châu Á đang mong muốn mở rộng mạnh mẽ hơn, đặc biệt là các công ty công nghệ và một số công ty đầu tư và bảo hiểm.
Nguyên nhân nào khiến khách thuê văn phòng có kế hoạch mở rộng dài hạn?
Tại khu vực Đông Nam Á, tâm lý kinh doanh ở Việt Nam được đánh giá tích cực, kết quả của CBRE ghi nhận 32% khách hàng được khảo sát kỳ vọng có sự tăng trưởng và hơn 50% dự báo tình hình ổn định. Đây cũng có thể là tâm lý hỗ trợ phân khúc văn phòng khi công suất vẫn đạt 90% vào quý 2/2021 tại TP.HCM và Hà Nội. Song điều này có thể thay đổi, nếu như các biện pháp giãn cách phòng chống Covid-19 còn tiếp tục kéo dài đến quý 4/2021.
Các khách thuê đang tận dụng chính sách giảm giá thuê để đàm phán và gia hạn các hợp đồng thuê, nhằm tiết kiệm chi phí, lựa chọn các bất động sản chất lượng.
CBRE
“Một khi đại dịch hoàn toàn được kiểm soát, các công ty mong muốn đưa nhân viên trở lại văn phòng làm việc hơn là làm việc tại nhà. Vì làm việc tại văn phòng sẽ đem lại hiệu quả hơn trong việc hỗ trợ cộng tác, năng suất nhóm, sự gắn kết, đổi mới, học tập và phát triển của nhân viên so với làm việc từ xa, Manish Kashyap, Giám đốc bộ phận Tư vấn Giao dịch, Châu Á - Thái Bình Dương của CBRE, cho biết.
Savills cũng vừa có cuộc khảo sát về sự thích ứng của thị trường văn phòng đối với mô hình làm việc kết hợp giữa nhà và văn phòng, cho thấy các nhân viên trong khảo sát đều bày tỏ mong muốn được làm việc tại văn phòng vài lần một tuần. Doanh nghiệp cũng cần một số lượng nhân viên nhất định có mặt tại văn phòng để đảm bảo sự hỗ trợ nhất định và tương tác công việc nhanh. Đặc biệt, tại ngân hàng - lĩnh vực cần sự giám sát chặt chẽ, thì làm việc tại văn phòng vẫn được lựa chọn.
Điều này cũng ghi nhận qua kết quả khảo sát thực tế của CBRE trong tháng 7/2021, có tới 62% công ty tham gia trả lời vẫn đang hoạt động với tỷ lệ dưới 50% nhân viên đến văn phòng hàng ngày. Tại Việt Nam, thì sự kết hợp trong làm việc tại văn phòng và từ xa chỉ là ngắn hạn hay dài hạn vẫn chưa rõ ràng.
Lý giải vấn đề làm việc kết hợp tại Châu Á có thể không nhanh như Châu Âu, Savills cho rằng văn hoá làm việc ít linh hoạt hơn ở Thượng Hải, Hồng Kông, Tokyo và TP.HCM, Hà Nội khiến quá trình chuyển đổi sang làm việc kết hợp chậm hơn so với các nước có văn hóa linh hoạt. Do đó, nhu cầu thuê mặt bằng văn phòng vẫn là ưu tiên của nhiều doanh nghiệp tại những quốc gia này.
MÔ HÌNH LÀM VIỆC KẾT HỢP ĐƯỢC LỰA CHỌN
Khi dịch bệnh Covid-19 và những bất ổn kinh tế còn tiếp diễn, mô hình văn phòng linh hoạt sẽ tiếp tục là trọng tâm của khách thuê.
Bà Ada Choi, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Khách thuê của CBRE, cho rằng với mô hình làm việc kết hợp, các công ty sẽ xem xét giảm số lượng phòng họp lớn khi nhân viên làm việc riêng lẻ. Họ kỳ vọng chủ nhà sẽ cung cấp các giải pháp và dịch vụ theo yêu cầu cho các cuộc họp và sự kiện lớn.
Do đó, sự thay đổi trong xu hướng làm việc sẽ tác động làm hạn chế nhu cầu văn phòng trong tương lai, nhưng các khách thuê vẫn đang xem xét thiết kế nơi làm việc để tăng không gian hợp tác không chính thức nhằm kết nối mọi người.
Còn theo bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc bộ phận Cho thuê thương mại, Savills Hà Nội, văn phòng thiết kế linh hoạt với nhiều khu vực chung để phục vụ việc giao lưu, tương tác giữa các nhân viên đã xuất hiện ở nhiều doanh nghiệp tại Hà Nội. Để tăng hiệu suất lao động của nhân viên, nhất là đối tượng lao động chủ yếu của các văn phòng hiện nay hầu hết là các bạn trẻ thuộc thế hệ Z (Gen Z) với nhu cầu giao lưu học hỏi và trao đổi rất lớn, đòi hỏi các công ty cần có những khu vực chung thay vì phân tách riêng các phòng ban.
Sự phát hiện này rất có ý nghĩa đối với các nhà đầu tư bất động sản, nhiều nhà đầu tư đang theo dõi chặt chẽ sự phục hồi của nhu cầu văn phòng và tìm cách điều chỉnh lại chiến lược đầu tư để tận dụng xu hướng của khách thuê.