Đầu năm nay, Hermès đã tăng giá sản phẩm trên toàn cầu trong khoảng từ 6 đến 7%. Động thái này giúp duy trì hào quang độc quyền xung quanh các sản phẩm đồ da của hãng và góp phần giúp công ty duy trì sức chống chịu trong thời kỳ suy thoái - dù điều đó cũng có thể giới hạn tốc độ tăng trưởng.
Giờ đây, nhà mốt xa xỉ của Pháp sẽ tiếp tục tăng giá đồng đều trên các danh mục sản phẩm khác nhau - bao gồm đồ da, thời trang may sẵn, mỹ phẩm và đồng hồ - tại thị trường Mỹ từ ngày 1/5 nhằm bù đắp tác động của mức thuế nhập khẩu mới 10%. Thông tin này được công bố trong cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh quý 1 của công ty gần đây.
“Ở thời điểm hiện tại, các quy định vẫn chưa được hoàn thiện. Tuy nhiên, như các bạn biết, kể từ ngày 9/4, chúng tôi đã bắt đầu chịu thêm mức thuế nhập khẩu tại thị trường Mỹ là 10%, tương đương với mức áp dụng trong Liên minh châu Âu, và chúng tôi sẽ hoàn toàn chịu phần ảnh hưởng tới lợi nhuận do cộng gộp từ những loại thuế quan mới này,” ông Eric du Halgouët, Phó Chủ tịch phụ trách tài chính của Hermès, chia sẻ với các nhà phân tích.

“Việc tăng giá sẽ áp dụng trên tất cả các dòng sản phẩm,” bà Carole Dupont-Pietri, Giám đốc quan hệ nhà đầu tư của Hermès, cho biết trong một cuộc họp với các nhà phân tích. “Động thái này nhằm bù đắp cho việc tăng thuế chỉ áp dụng riêng tại thị trường Mỹ, vì vậy sẽ không có sự điều chỉnh giá ở các khu vực khác”, bà nói.
Tuy nhiên, ông Eric du Halgouët cho biết thêm: “Mức thuế hiện vẫn chưa được ấn định một cách chắc chắn... Chúng tôi vẫn duy trì sự thận trọng”, ám chỉ đến thời gian gia hạn 90 ngày đối với mức thuế suất đề xuất 25%. Ông cũng dè dặt khi được hỏi liệu giá sản phẩm có tiếp tục tăng thêm nếu mức thuế 25% chính thức có hiệu lực vào tháng 7 hay không. Và nếu mức thuế này được chính thức áp dụng, người tiêu dùng Mỹ sẽ phải chịu mức tăng giá ít nhất 41 - 42% cho một sản phẩm của Hermès.
TĂNG TRƯỞNG TUY CHẬM...
“Xét về giá trị tuyệt đối, Hermès đã công bố mức tăng trưởng doanh thu ấn tượng ở mức 7%, nhưng con số này vẫn thấp so với tiêu chuẩn cao vốn có của hãng và thấp hơn một chút so với kỳ vọng của giới đầu tư,” nhà phân tích Adam Cochrane của Deutsche Bank nhận định trong một ghi chú.
Hermès báo cáo doanh thu đạt 4,13 tỷ euro trong quý I năm 2025, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước theo tỷ giá hối đoái không đổi - nhưng thấp hơn đôi chút so với mức kỳ vọng 8%. Đây cũng là dấu hiệu chậm lại của hãng so với quý IV năm ngoái, khi doanh thu tăng tới 18%.
Cổ phiếu Hermès đã giảm 3% trong phiên giao dịch sáng 17/4. Sau khi vượt tập đoàn LVMH về giá trị vốn hóa thị trường vào ngày 15/4, hiện tại Hermès và LVMH vẫn đang bám đuổi sát nút, với vốn hóa ở mức xấp xỉ 245 tỷ euro.

Dù vậy, Hermès vẫn tiếp tục chứng tỏ vị trí vượt trội so với toàn ngành. Ngành hàng xa xỉ hiện đang trong giai đoạn phục hồi sau đợt chững lại vào năm ngoái, tuy nhiên tình hình kinh tế bất ổn trên toàn cầu đã ảnh hưởng đến các dự báo.
Kết quả kinh doanh của tập đoàn LVMH không đạt kỳ vọng trong quý 1, với doanh thu thuần giảm 3%, trong đó riêng mảng thời trang và đồ da giảm 5%, khiến cổ phiếu LVMH giảm 8% trong phiên giao dịch ngày 15/6. Thương hiệu Moncler ghi nhận doanh thu tăng 2%, vượt kỳ vọng đồng thuận 0,5%.
Brunello Cucinelli báo cáo doanh thu tăng 10,5% theo tỷ giá hối đoái không đổi. Kering sẽ công bố kết quả kinh doanh quý 1/2025 vào ngày 23/4, Prada vào 30/4, Burberry vào 14/5 và Richemont vào 16/5. HSBC dự báo doanh thu của Kering sẽ giảm 13,6%, Prada tăng 11,3%, Burberry giảm 7,3% và Richemont tăng 6,8%.
…NHƯNG RẤT VỮNG CHẮC
Hermès cho biết doanh thu tại châu Á (không bao gồm Nhật Bản) tăng 1,2%, trong khi Nhật Bản tăng mạnh 17,2%. Doanh thu tại châu Mỹ tăng 11%.
“Điều này rất đáng được nhấn mạnh, bởi trong thời điểm phức tạp như hiện nay, tập khách hàng địa phương đóng vai trò rất quan trọng đối với sự tăng trưởng của tập đoàn,” ông Eric du Halgouët chia sẻ. “Chỉ riêng ở Trung Quốc là tình hình có phần phức tạp hơn”. Mặc dù sức mua trong dịp Tết Nguyên Đán được ông Eric đánh giá là "rất tốt", doanh thu của Hermès tại thị trường này chỉ tăng 1%, do nhu cầu tiêu dùng tiếp tục suy yếu.
Macao và Hồng Kông chịu ảnh hưởng bởi sự sụt giảm lượng khách du lịch địa phương, khi ngày càng ít người Trung Quốc đại lục di chuyển đến hai khu vực này, và phần lớn những người có du lịch thì lại ở lại trong nước và mua sắm tại Thâm Quyến.

Riêng tại Mỹ, công ty ghi nhận tình hình thiên tai khắc nghiệt đã ảnh hưởng đến doanh thu vào đầu quý — cùng với vụ cháy rừng ở Los Angeles khiến Hermès phải đóng cửa hai cửa hàng tại Beverly Hills trong vài ngày — trong bối cảnh miền Nam nước Mỹ hứng chịu một trận bão tuyết hiếm gặp.
Mức tồn kho cũng thấp do quý 4 trước đó đã ghi nhận doanh số mạnh mẽ (tăng 22% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, Hermès dường như không bị ảnh hưởng bởi tình trạng bất ổn trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế quan vào ngày 2/4. Tình hình kinh doanh tháng Ba tại Mỹ được Hermès đánh giá là “rất tốt,” và theo ông Eric Du Halgouët, chưa có xu hướng thay đổi nào trong tháng Tư. Doanh thu từ châu Âu tăng 13,3%.
Giám đốc điều hành của Citi, ông Thomas Chauvet, đánh giá hiệu suất doanh thu của Hermès là “ổn định,” đồng thời chỉ ra mức tăng trưởng hai chữ số trong mảng đồ da – vốn là danh mục mang lại biên lợi nhuận cao (tăng 10%).
Doanh thu từ thời trang may sẵn và phụ kiện tăng 7,2%; lụa và dệt may tăng 4,5%; các lĩnh vực khác bao gồm trang sức và đồ gia dụng tăng 6,1%; nước hoa và mỹ phẩm giảm nhẹ 0,5%; trong khi đồng hồ giảm mạnh 16,5%.

Chủ tịch điều hành của Hermès, ông Axel Dumas, phát biểu trong thông cáo báo chí: “Trong bối cảnh địa chính trị và kinh tế phức tạp, Hermès càng củng cố vững chắc các giá trị cốt lõi: chất lượng không thỏa hiệp, sáng tạo là trung tâm của mọi phát triển, và mô hình tích hợp dọc – yếu tố đảm bảo bảo tồn tay nghề thủ công độc đáo.
Dù so sánh với quý 1 năm ngoái là một thách thức lớn, tập đoàn vẫn đạt được mức tăng trưởng doanh thu vững chắc, nhờ vào sự tin tưởng của khách hàng và cam kết của các đội ngũ nhân viên – những người mà tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành”.