Tại hội thảo “Ảnh hưởng của tĩnh không Cầu Thủ Thiêm 4 đến tiềm năng phát triển du lịch khu vực Cảng Sài Gòn”, nhiều chuyên gia kinh tế, đô thị, kiến trúc sư lo ngại với phương án tĩnh không cao 10m, cảng Sài Gòn sẽ trở thành ốc đảo, không còn tàu ra vào, đánh mất lợi thế của một cảng đang tiếp nhận tàu biển chở khách du lịch.
CẦN TÍNH TOÁN CẨN TRỌNG ĐỂ KHÔNG ĐÁNH MẤT LỢI THẾ CỦA TP.HCM
TP.HCM đã đầu tư nhiều dự án ngang sông Sài Gòn, ngoài cầu Phú Mỹ, hiện cầu Thủ Thiêm 1, hầm Thủ Thiêm đã đi vào hoạt động và gần đây nhất là vào năm 2022 khánh thành cầu Thủ Thiêm 2 (nay là cầu Ba Son).
Cùng với đó, cầu Thủ Thiêm 4 đang trong quá trình lập dự án, thiết kế, xúc tiến đầu tư... Kỳ vọng, qua đó góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông trục chính của thành phố, nhất là khu vực phía Đông và phía Nam; mở ra tiềm năng phát triển du lịch, thương mại, dịch vụ.
Hiện nay, phương án thiết kế của cầu Thủ Thiêm 4 đang lấy ý kiến các sở, ngành, đơn vị liên quan, cầu dài hơn 2 km, có thiết kế tĩnh không thông thuyền BxH=80x10 (m), quy mô 6 làn xe. Vị trí cầu bắt đầu từ đường Nguyễn Cơ Thạch (thành phố Thủ Đức) bắc qua sông Sài Gòn, nối vào đường Lưu Trọng Lư (Quận 7).
“Cân nhắc về tỷ lệ của cầu Thủ Thiêm 3 và Thủ Thiêm 4, tránh để Bến Nhà Rồng bị mất đi bản sắc và giá trị lịch sử. Cầu Thủ Thiêm 4 có độ tĩnh không như thế nào, thiết kế mỹ thuật và kỹ thuật ra sao thì thành phố cần phải có tính toán cẩn trọng. Mong rằng thiết kế hai cây cầu này sẽ nằm trong chương trình định hướng lại quy hoạch TP.HCM gắn với quy hoạch sông Sài Gòn trong tương lai".
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn.
Theo ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập báo Nhân Dân, sau cầu Phú Mỹ (tĩnh không thông thuyền 45m) cầu Thủ Thiêm 4 là cây cầu cửa ngõ của khu vực cảng Sài Gòn. Do vậy, thiết kế tĩnh không thông thuyền của cầu Thủ Thiêm 4 sẽ ảnh trực tiếp đến việc quy hoạch, phát triển kinh tế, đặc biệt là du lịch đường sông của bến cảng Sài Gòn cũng như khu vực sông nước của cả TP.HCM.
Đồng quan điểm, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM cho biết TP.HCM định hướng là trung tâm dịch vụ, nơi trung chuyển hàng đầu thế giới. Do đó, cần sự nghiên cứu và tính toán kỹ thuật trước khi triển khai dự án, tránh việc thực hiện xong mới khắc phục, đánh mất lợi thế kinh tế của thành phố.
Trong khi đó, PGS. TS Trần Đình Thiên khẳng định phải định hình chân dung thành phố tương lai, trong đó cầu Thủ Thiêm 4 có một vai trò vô cùng quan trọng. Thành phố cần tận dụng lợi thế mở do sông Sài Gòn mang lại, không thể lãng phí và chặn “độ mở” bằng một cây cầu có độ tĩnh không thấp.
TẬN DỤNG VỊ THẾ SÔNG NƯỚC, PHÁT HUY TIỀM NĂNG DU LỊCH
Theo thống kê sơ bộ của Sở Du lịch TP.HCM, lượng khách du lịch bằng đường thuỷ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng của du lịch thành phố như năm 2018 đón được 845.400 lượt khách (805.400 lượt khách du lịch bằng đường sông, 40.400 lượt khách du lịch bằng đường biển); năm 2019 đón được 786.700 lượt khách (745.500 lượt khách du lịch bằng đường sông, 41.200 lượt khách du lịch bằng đường biển) và năm 2020 đón được 297.600 lượt khách (286.300 lượt khách du lịch bằng đường sông, 11.300 lượt khách du lịch bằng đường biển).
Dưới góc độ chuyên gia kinh tế, theo TS. Trần Du Lịch, TP.HCM từng là thương cảng quốc tế sầm uất. Do đó, TP.HCM nên tận dụng vị trí của cảng Nhà Rồng - Khánh Hội để xây dựng một cảng du lịch tàu biển đón du khách trong và ngoài nước với mục tiêu biến nơi đây thành trung tâm hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ, kinh tế đêm của thế giới.
“Làm được như vậy, trong tương lai, thành phố sẽ trở thành trung tâm du lịch quốc tế với thế mạnh là du lịch tàu biển”, TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh.
Trong năm 2023 - 2024, TP.HCM đặt ra mục tiêu với số lượng khách du lịch đường thủy vào đạt khoảng 500 ngàn lượt khách/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo. Doanh thu du lịch đường thủy trong hai năm này đạt 300 tỷ đồng/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, số lượng khách quốc tế đến bằng đường tàu biển đến thành phố trong đạt khoảng 100 ngàn lượt khách và tăng khoảng 12% – 15% trong những năm tiếp theo. Doanh thu du lịch từ tàu biển năm 2023 và 2024 đạt 500 tỷ đồng/năm và tăng khoảng 12% trong những năm tiếp theo.
“TP.HCM chính là thành phố cảng xuất hiện sớm nhất của Việt Nam theo những tiêu chí phổ quát của thế giới. Nhưng hiện nay thành phố đang dần ít quan tâm và ý thức lợi thế của mình về cảng”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc.
Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm, Giám đốc Cảng Sài Gòn cho biết thực tế gần 95% du khách tới TP.HCM bằng đường thủy tiếp tục muốn đi sâu hơn vào trung tâm thành phố. Tuy nhiên, hiện nay, phương tiện duy nhất khả thi vẫn chủ yếu là xe cơ giới. Do đó, ông Tâm nhận định, nếu hệ thống giao thông đường thủy được kết nối tốt hơn sẽ tạo nên một lợi thế cực kỳ lớn về du lịch cho thành phố.
Đồng tình, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho rằng đường thủy là một lợi thế, một điểm mạnh của thành phố cần được khai thác một cách hiệu quả.
Theo đó, Sở Du lịch TP.HCM cũng đề xuất cần đa dạng các tuyến sản phẩm du lịch qua việc thêm các loại hình dịch vụ trải nghiệm tại các điểm đến, trên phương tiện thủy; có chính sách liên quan đến việc tiếp nhận các tàu biển lớn được cập cảng biển ở khu vực trung tâm thành phố nhằm khai thác hiệu quả Cảng Sài Gòn…
Khu bến trên sông Sài Gòn có13 bến cảng với chiều dài 5.223m cầu cảng, đang khai thác cho tàu có trọng tải 30.000 tấn.
Trong đó, khu cảng Sài Gòn (Nhà Rồng - Khánh Hội) tại TP.HCM là bến cảng có lịch sử lâu đời. Khu bến cảng này có tổng chiều dài 1.800m, chiều rộng cầu cảng trung bình từ 12m đến 25m, đảm bảo thuận lợi để phục vụ hoạt động của các tàu khách nội địa, tàu hành khách quốc tế.