November 22, 2010 | 21:26 GMT+7

Thiếu điện: “Tôi xin nhận trách nhiệm!”

Nguyễn Vũ

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận trách nhiệm về tình hình thiếu điện với Quốc hội, với cử tri

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại nghị trường Quốc hội.
Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại nghị trường Quốc hội.
“Với tư cách là thành viên Chính phủ và Trưởng ban Chỉ đạo Nhà nước về quy hoạch điện 6, tôi xin nhận trách nhiệm về tình hình thiếu điện với Quốc hội, với cử tri”, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu, sau khi đại biểu tiếp tục chất vấn và Bộ trưởng Bộ Công Thương tiếp tục trả lời về tình trạng thiếu điện, chiều 22/11.

Tại sao vẫn thiếu điện?

Theo Phó thủ tướng thì quy hoạch điện 6 không phải là nguyên nhân gây ra thiếu điện. Vì nếu thực hiện tốt và thực hiện được hết các dự án trong quy hoạch điện 6 thì đã không thiếu điện.

Bây giờ tại sao lại vẫn thiếu điện? Sau câu hỏi này, Phó thủ tướng đã chỉ ra nhiều nguyên nhân và đặc biệt nhấn mạnh nguyên nhân thứ nhất là thiếu vốn. Từ năm 2006 đến nay, việc huy động vốn cho các dự án là hết sức khó khăn. Lãi suất trong nước có lúc lên đến 18-19%, nhưng kể cả ngành điện đi vay với lãi suất như vậy cũng không đủ vốn để vay.

"Có những công trình đã đấu thầu, đã ký được hợp đồng nhưng không có vốn, Chính phủ phải điều hành các ngân hàng cho vay nóng để có thể khởi công", Phó thủ tướng nói.

Giải phóng mặt bằng chậm, theo Phó thủ tướng, cũng là một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến việc các công trình bị chậm tiến độ. Bên cạnh đó là sự không hấp dẫn của giá điện làm cho việc huy động vốn cho các công trình đặc biệt là các công trình của tư nhân, kể cả trong và ngoài nước kém hấp dẫn.

Nguyên nhân nữa được Phó thủ tướng chỉ ra là năng lực của chủ đầu tư và các nhà thầu, kể cả một số nhà thầu nước ngoài. Tiếp đến là ý thức tiết kiệm cũng như trình độ công nghệ khi sử dụng điện còn rất lạc hậu. “Hiện nay chúng ta đang sử dụng hơn 20% so với các nước trong khu vực về điện và năng lượng để sản xuất ra một đơn vị GDP”, Phó thủ tướng nói.

Liên quan đến các giải pháp, theo Phó thủ tướng, trước hết phải tập trung vào tháo gỡ vướng mắc các công trình đang thi công. Thứ nữa là tái cơ cấu ngành điện và sang năm sẽ đưa ra thị trường cạnh tranh về phát điện.

Sẽ phải tách các nhà máy điện ra khỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chỉ để lại một số các nhà máy điện chiến lược ở trong Tập đoàn, Phó thủ tướng cho biết. Thực hiện giá điện theo cơ chế thị trường cũng là giải pháp được Phó thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời ông “rất mong các vị đại biểu Quốc hội, cử tri cả nước ủng hộ cho cơ chế giá điện này”.

Nhập siêu và "rủi ro vĩ mô"

Bên cạnh những bức xúc về điện, nhập siêu cũng là quan ngại thể hiện trong chất vấn dành cho Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

Đại biểu Trần Du Lịch (Tp.HCM) nhắc lại, tại một kỳ họp trước, ông đã nêu vấn đề với Bộ trưởng là nền kinh tế gia công, tỷ lệ nội địa hóa quá thấp là nguyên nhân dẫn đến nhập siêu. Bộ trưởng cũng đồng tình và có hứa là Bộ sẽ cố gắng đề xuất chính sách, biện pháp để từng bước giảm nhập siêu. Vậy Bộ đã thực hiện lời hứa thế nào trong 3 năm qua?

Quan ngại về tình trạng nhập siêu từ Trung Quốc và Việt Nam “trở thành một nơi gia công”, đại biểu Lịch đặt vấn đề “nếu như dồn nhập siêu vào một nước thì phải chăng đây là sự rủi ro về vĩ mô”?

Phần trả lời, bên cạnh các chính sách hạn chế nhập khẩu, Bộ trưởng Hoàng cũng cho biết Bộ đang chuẩn bị hoàn thành báo cáo với Chính phủ đề án về xuất nhập khẩu cho giai đoạn năm 2011-2015, sẽ có nhiều biện pháp cụ thể hơn nữa để tăng cao hơn nữa tỷ lệ sản phẩm, tỷ lệ sản xuất trong nước, giảm nhập khẩu.

Về việc làm sao khắc phục được tình trạng nhập siêu, trước hết đối với một số đối tác cụ thể, theo Bộ trưởng, thì một trong những giải pháp cần phải được quan tâm là phải đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, không nên quá tập trung vào một thị trường để tránh rủi ro.

Trước khi trả lời chất vấn trực tiếp, tại văn bản trả lời chất vấn các vị đại biểu Quốc hội về các giải pháp để hạn chế nhập siêu, Bộ trưởng Hoàng cũng cho biết, dự kiến đến 2015 sẽ đưa tỷ lệ nhập siêu xuống 14%, và dự tính vài năm sau 2015 sẽ tiến tới cân bằng cán cân thương mại.

Đã đọc văn bản này, tuy nhiên "những biện pháp chống nhập siêu mà đồng chí Bộ trưởng trả lời ở đây tôi thấy không căn cơ", đại biểu Lịch nhận xét.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate