October 18, 2024 | 19:36 GMT+7

Thiếu hạ tầng logistics, Cảng Nghi Sơn "đói" tàu container quốc tế

Nguyễn Thuấn - Thiên Anh

Các bến container chưa được đầu tư hoàn thiện, thiếu quỹ đất để phát triển trung tâm logistics hiện đại để lưu giữ, bảo quản và lưu thông hàng hóa đã khiến Cảng Nghi Sơn chưa phát huy được nhiều tiềm năng và lợi thế như mong đợi...

Một góc Cảng Nghi Sơn
Một góc Cảng Nghi Sơn

Cảng biển Nghi Sơn là cảng loại I, được quy hoạch thành cảng biển đặc biệt theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong thời gian qua, Cảng biển Nghi Sơn được tỉnh Thanh Hoá quan tâm bố trí, thu hút các nguồn lực đầu tư, từng bước hoàn thiện hạ tầng, phục vụ nhu cầu giao thương hàng hóa, sản xuất, kinh doanh. 

NHIỀU BẾN CẢNG CHƯA ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

Cụ thể, về đầu tư hạ tầng các bến, khu bến, đến nay, cơ bản các bến cảng Nam Nghi Sơn đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với 14 dự án khai thác hạ tầng cảng biển, tổng mức đầu tư đăng ký trên 25.000 tỷ đồng.

Trong đó, khu vực cảng tổng hợp gồm 22 bến cảng, đã có 13 bến hoàn thành đi vào khai thác kinh doanh, có thể tiếp nhận tàu trọng tải 70.000 DWT, gồm: 2 bến cảng của Công ty Cổ phần cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp PTSC Thanh Hóa, 3 bến cảng của Công ty CP đầu tư khoáng sản Đại Dương, 5 bến cảng của Công ty Cổ phần Tập đoàn VAS Nghi Sơn, 02 bến cảng của Công ty TNHH Công nghiệp Long Sơn, 1 bến cảng của Công ty Cổ phần Hóa chất GAMA Thanh Hóa.

Tại khu vực này hiện có 7 bến cảng đang triển khai đầu tư xây dựng gồm: 4 bến của Công ty cổ phần Tập đoàn VAS Nghi Sơn, 2 bến của Công ty TNHH Công nghiệp Long Sơn, 1 bến của Công ty TNHH Quang Trung.

Tiếp đến, tại khu vực cảng chuyên dùng tại cảng Nam Nghi Sơn gồm 18 bến, đã có 12 bến hoàn thành và đang khai thác phục vụ các dự án lớn trong Khu kinh tế Nghi Sơn, gồm: Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn 8 bến, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn 1 bến, các Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1 và 2 có 3 bến. Hiện đang triển khai thực hiện Dự án xây dựng bến cảng chuyên dùng phục vụ kho đầu mối LPG và kho nhựa đường lỏng của Công ty TNHH MTV Tân Thành 8.

Ngoài ra, tại bến Nam Nghi Sơn thì khu cảng container gồm 10 bến cảng, trong đó có 1 bến đang đầu tư xây dựng, bến số 3 của Công ty TNHH Long Sơn, có 7 bến chưa đầu tư xây dựng, gồm 3 bến số 4, 5, 6 của Công ty TNHH Long Sơn và 4 bến số 7, 8, 9, 10 của Công ty Cổ phần Tập đoàn VAS Nghi Sơn, có 2 bến chưa có nhà đầu tư là bến số 1, số 2.

Còn tại khu bến Bắc Nghi Sơn, Công ty Cổ phần Đầu tư khoáng sản Đại Dương hiện đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, chấp thuận chủ trương dự án khu bến Bắc Nghi Sơn mở rộng với diện tích khoảng 557,197 ha, năng lực tiếp nhận hàng hóa khoảng 25 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư 14.119 tỷ đồng.

Về khu neo đậu, chuyển tải tại khu bến Bắc Nghi Sơn đã đầu tư và đưa vào khai thác 2 khu neo đậu, chuyển tải của Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Nghi Sơn có khả năng tiếp nhận tàu thuyền có trọng tải trên 80.000 DWT; 1 bến phao nổi SPM của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 320.000 DWT phục vụ nhập dầu thô công suất 10 triệu tấn/năm; 4 điểm neo đậu chuyển tải phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2 có khả năng tiếp nhận tàu thuyền có trọng tải đến 210.000 DWT.

Đối với việc đầu tư luồng vào cảng tạo khi bến Bắc Nghi Sơn, hiện nay đã hoàn thành Dự án cải tạo, nâng cấp luồng hàng hải vào các bến khu vực Nam Nghi Sơn với tổng mức đầu tư 567,6 tỷ đồng.

Hiện nay UBND tỉnh Thanh Hoá đang báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền chấp thuận Dự án đầu tư nạo vét luồng tàu ra vào Cảng Nghi Sơn đoạn từ phao số 0 đến đê Bắc, với tổng chiều dài 7 km, tổng mức đầu tư khoảng 2.200 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn vay ODA và nguồn vốn đối ứng của tỉnh này.

CHƯA CÓ GIAO DỊCH ĐA DẠNG VỀ HÀNG HOÁ

Với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ vận chuyển hàng hóa bằng container qua cảng biển Nghi Sơn của tỉnh Thanh Hoá trong năm 2023 và 9 tháng năm 2024 đã mang lại một số tín hiệu tích cực trong thu xuất nhập khẩu tại đây. 

Cụ thể,  Cảng Nghi Sơn đã thu hút được 2 hãng tàu vận chuyển container đi quốc tế, gồm: Công ty Cổ phần CMA - CGM Việt Nam; Công ty Vận tải biển VIMC. Năm 2023, các hãng tàu đã thực hiện 44 chuyến tàu vận chuyển container đi quốc tế, tỉnh Thanh Hoá đã hỗ trợ 22 tỷ đồng. Trong 9 tháng năm 2024, có 29 chuyến tàu vận chuyển container đi quốc tế, tỉnh này hỗ hợ kinh phí khoảng 14,5 tỷ đồng.

Đối với các hãng tàu vận chuyển container nội địa qua Cảng Nghi Sơn, từ tháng 11/2023, Công ty TNHH đại lý và tiếp vận Hải An đã mở tuyến vận chuyển container nội địa đi và đến các cảng trong nước. Trong năm 2023, đã thực hiện 2 chuyến và trong 9 tháng đầu năm 2024, đã thực hiện 18 chuyến vận chuyển container nội địa qua Cảng Nghi Sơn.

Về vận chuyển hàng hóa bằng container qua Cảng Nghi Sơn, năm 2023, đã có 12.220 container xuất, nhập khẩu qua Cảng Nghi Sơn, gồm: 7.293 container xuất khẩu, 4.927 container nhập khẩu. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là bột đá trắng, hạt nhựa nguyên sinh, sắn lát và giấy bìa. Các cơ quan quản lý đã thẩm định hồ sơ, hỗ trợ cho container xuất nhập khẩu qua Cảng Nghi Sơn với số tiền 16,05 tỉ đồng. Từ đầu năm 2024 đến nay, có 3.883 container xuất khẩu, 3.326 container nhập khẩu qua Cảng Nghi Sơn.

Theo đánh giá các cơ quan chức năng tỉnh này, hiện nay hệ thống Cảng Nghi Sơn bước đầu đã được đầu tư cơ bản đáp ứng được nhu cầu hàng hóa thông qua cảng. Tuy nhiên, các bến container chưa được đầu tư hoàn thiện, thiếu quỹ đất để phát triển trung tâm logistics hiện đại để lưu giữ, bảo quản và lưu thông hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn.

Do vậy, chưa có hàng hóa xuất khẩu qua Cảng Nghi Sơn là các sản phẩm công nghiệp thế mạnh của tỉnh Thanh Hoá như: dệt may, da giầy... chưa thu hút thêm nhiều hãng tàu khai thác vận chuyển container quốc tế qua Cảng Nghi Sơn; các container nhập khẩu chủ yếu là container rỗng, chưa có giao dịch đa dạng về hàng hóa.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate