October 28, 2023 | 12:26 GMT+7

Thiếu thuốc do chậm đấu thầu và đàm phán giá, Bộ Y tế nói gì?

Nhật Dương -

Theo Bộ Y tế, đàm phán giá có quy trình phức tạp, gặp rất nhiều khó khăn, không có quy định về thời gian phải công bố kết quả. Vì thế, trong khi chưa có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia và đàm phán giá được công bố, các cơ sở y tế được tổ chức đấu thầu đảm bảo cung ứng thuốc cho nhu cầu điều trị...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Liên quan đến thông tin phản ánh, việc các cơ sở y tế trên toàn quốc hiện nay thiếu thuốc một phần do nguyên nhân Trung tâm Đấu thầu thuốc Quốc gia chậm có kết quả đấu thầu tập trung và đàm phán giá, đại diện Bộ Y tế đã có phản hồi về vấn đề này.

KHÓ KHĂN TRONG ĐÀM PHÁN GIÁ 

Trao đổi với báo chí, ông Lê Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Đấu thầu thuốc Quốc gia, Bộ Y tế cho biết, đấu thầu tập trung quốc gia phần lớn (88/106 thuốc) đã có kết quả từ ngày 3/8/2022, và có hiệu lực thực hiện từ ngày 1/9/2022 đến hết ngày 31/8/2024.

Như vậy, kết quả đã được thực hiện hơn 1 năm và thời gian thực hiện còn gần 1 năm. Hiện Trung tâm chỉ tổ chức đấu thầu đối với các thuốc generic nhóm 1, nhóm 2 của 32 hoạt chất trong tổng số 1.226 hoạt chất thuộc danh mục thuốc đấu thầu.

Vì vậy, phần lớn nhu cầu các thuốc phục vụ công tác điều trị được thực hiện bởi đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương, hoặc do cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu.

Đối với các thuốc đàm phán giá, ông Dũng cho biết, đã có kết quả trúng thầu 64 thuốc biệt dược gốc được công bố 4 đợt, và hiệu lực thực hiện thỏa thuận khung đợt 1 từ ngày 15/11/2022 đến ngày 14/11/2024; đợt 4 từ ngày 17/4/2023 đến ngày 16/4/2025.

“Đàm phán giá là một hình thức đấu thầu có quy trình phức tạp, gặp rất nhiều khó khăn, không có quy định về thời gian phải công bố kết quả”, ông Dũng nói.

Đồng thời, số lượng thuốc thuộc danh mục được áp dụng hình thức đàm phán giá rất lớn gồm 701 thuốc, nên Trung tâm xây dựng kế hoạch và lộ trình phù hợp với điều kiện về thời gian của Hội đồng Đàm phán giá, và số lượng nhân lực của cán bộ thực hiện công tác đàm phán giá. 

Theo Giám đốc Trung tâm Đấu thầu thuốc Quốc gia, trong thời gian chưa có kết quả đấu thầu tập trung quốc gia và đàm phán giá được công bố, các cơ sở y tế được tổ chức đấu thầu đảm bảo cung ứng thuốc cho nhu cầu điều trị theo quy định tại Điều 18 Thông tư 15/2019/TT-BYT.

KHÔNG THIẾU THUỐC THUỘC DANH MỤC ĐẤU THẦU TẬP TRUNG QUỐC GIA

Về tiến độ cung ứng thuốc, Trung tâm Đấu thầu thuốc Quốc gia cho hay, hiện các nhà thầu cơ bản đáp ứng tiến độ cung ứng tới các cơ sở y tế trên cả nước.

Đảm bảo cung ứng thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh. Ảnh minh họa - Tuấn Dũng.
Đảm bảo cung ứng thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh. Ảnh minh họa - Tuấn Dũng.

Một số trường hợp nhà thầu không cung ứng thuốc do cơ sở y tế chưa thực hiện việc thanh toán với các nhà thầu theo hợp đồng đã ký kết, Trung tâm có văn bản đề nghị các cơ sở y tế nghiêm túc thực hiện theo nội dung Hợp đồng đã ký kết giữa hai bên.

Đối với một số thuốc nhập khẩu cung ứng chậm do thiếu nguyên liệu trên toàn cầu bởi ảnh hưởng hậu dịch Covid-19, hoặc chưa được Cục Quản lý Dược xét duyệt đơn hàng nhập khẩu thuốc kiểm soát đặc biệt, Trung tâm đã yêu cầu nhà thầu tài trợ thuốc có tiêu chí kỹ thuật tương đương cho các cơ sở y tế trong thời gian chưa cung ứng được thuốc trúng thầu.

Trung tâm đấu thầu thuốc Quốc gia khẳng định, đối với các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp Quốc gia có kết quả trúng thầu, đến nay không xảy ra tình trạng thiếu thuốc, đảm bảo cung ứng đầy đủ tới các cơ sở y tế.

Tuy nhiên, tình hình sử dụng các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp Quốc gia đến nay tương đối thấp. Theo số liệu được cập nhật về giá trị thực hiện từ ngày 1/9/2022 đến hết ngày 30/6/2023 (thời gian thực hiện 10/24 tháng) của từng gói thầu, cụ thể như sau: Gói 1 (Miền Bắc) đạt 24,0% (519,5 tỷ đồng/2.162,3 tỷ đồng); Gói 2 (Miền Trung) đạt 18,6% (233,1 tỷ đồng/1.256,4 tỷ đồng); Gói 3 (Miền Nam) đạt 19,0% (562,9 tỷ đồng/2.962,9 tỷ đồng).

Nguyên nhân chủ yếu các cơ sở y tế có báo cáo lại do thời điểm dự trù thuốc diễn ra trước dịch Covid-19, nên việc sử dụng thuốc, mô hình bệnh tật, số lượng bệnh nhân cơ bản có sự thay đổi sau đại dịch.

Vì vậy, đối với tình hình sử dụng thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp Quốc gia tương đối thấp, Trung tâm đã thực hiện giám sát trực tiếp tới các Sở Y tế, cơ sở y tế để tìm hiểu nguyên nhân, cũng như đôn đốc việc sử dụng tối thiểu 80% số lượng thuốc các cơ sở y tế đã cam kết khi dự trù.

Trong trường hợp các cơ sở y tế không sử dụng đúng tiến độ thuốc đã dự trù, Trung tâm, các Sở Y tế/Đơn vị mua sắm tập trung thuốc đã thực hiện chức năng điều tiết thuốc tới các cơ sở có nhu cầu, để kịp thời đảm bảo cung ứng thuốc, tỷ lệ sử dụng thuốc hiệu quả.

Đối với các thuốc đàm phán giá, các nhà thầu cung cấp thuốc trúng thầu đàm phán giá nhìn chung ổn định, hiếm gặp tình trạng gián đoạn cung ứng.

Hiện nay, đối với 50 thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung, Trung tâm đang tiến hành rà soát danh mục để tiếp tục tổ chức lựa chọn nhà thầu cung cấp thuốc cho cơ sở y tế, dự kiến thời gian cung cấp thuốc cho cơ sở từ ngày 1/9/2024 đến ngày 31/8/2026.

Về công tác đàm phán giá, ngày 26/10/2023, Trung tâm đã được Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp 2 thuốc điều trị HIV/AIDS thuộc danh mục thuốc được áp dụng hình thức đàm phán giá nguồn bảo hiểm y tế và các nguồn hợp pháp khác năm 2024-2025. Hiện đang khẩn trương tiến hành các bước tiếp theo theo quy định đối với gói thầu này.

Đối với các thuốc biệt dược gốc, Trung tâm đang hoàn thiện Kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với 86 thuốc, dự kiến trình Bộ Y tế phê duyệt trong tháng 11/2023.

Đồng thời cùng thời gian này, Trung tâm dự kiến sẽ tiến hành tổng hợp nhu cầu của các cơ sở y tế trên toàn quốc đối với 64 thuốc biệt dược gốc sẽ hết hiệu lực Thỏa thuận khung vào cuối năm 2024 và đầu năm 2025.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate