Bộ Công Thương cho rằng mặc dù xuất khẩu sang thị trường các FTA tăng trưởng tích cực, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của nhiều địa phương. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường các FTA chưa đạt như kỳ vọng. Tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi chưa cao. Số lượng doanh nghiệp trong nước xuất khẩu sang các thị trường FTA vẫn khiêm tốn.
Một trong những nguyên nhân được chỉ ra, đó là vấn đề nhân lực chuyên gia thực thi các FTA. Trên thực tế, số lượng cán bộ trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ thực thi các FTA tại các địa phương còn rất hạn chế và chủ yếu là kiêm nhiệm. Thêm vào đó, kinh nghiệm và chuyên môn về các FTA, nhất là việc thực thi các FTA chưa có điều kiện được đào tạo và trau dồi thường xuyên.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, nhận định đây là vấn đề hầu hết các tỉnh, thành nêu ra trong báo cáo thực thi FTA. Số lượng cán bộ trực tiếp triển khai thực hiện nhiệm vụ thực thi FTA ở tỉnh thành còn rất hạn chế.
“Tôi thấy có nơi báo cáo chỉ có khoảng 1 người phụ trách nhưng một người này không chỉ làm FTA mà còn làm hội nhập, logistics…. Điều này đồng nghĩa nhân lực chúng ta còn hạn chế, hơn nữa chuyên môn về các FTA, hướng dẫn doanh nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu”, ông Khanh chia sẻ.
Không chỉ vậy, tại các cơ quan quản lý Nhà nước, số lượng các cán bộ có kinh nghiệm và chuyên môn sâu về FTA, có khả năng thực hiện việc đào tạo và hỗ trợ cho các tỉnh, thành còn rất thiếu và cũng phải kiêm nhiệm các công việc khác. Điều này ảnh hưởng đến việc tạo ra nguồn nhân lực hỗ trợ cho các địa phương thực thi các FTA.
Bên cạnh đó, nhân lực trong các doanh nghiệp nắm rõ các quy định về FTA có liên quan đến trực tiếp hoạt động của họ, ví dụ như quy tắc xuất xứ, hải quan, tìm kiếm thị trường xuất nhập khẩu… hầu như chưa có, khiến cho các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc hiểu và nắm bắt cơ hội từ các FTA.
Tại tọa đàm “Phát triển nguồn nhân lực chuyên gia, tăng hiệu quả thực thi FTA” ngày 13/11, bà Nguyễn Thị Lan Phương, Phó Trưởng phòng WTO và FTA, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), đồng tình với nhận định rằng nguồn nhân lực này khó khăn ở cả cấp độ Trung ương, cấp độ tỉnh, thành và cấp độ doanh nghiệp.
Ở cấp Trung ương, ví dụ như Vụ Chính sách thương mại đa biên - là đơn vị chủ trì tham gia việc đàm phán, ký kết, phê chuẩn và thực thi các FTA, nhưng đơn vị chuyên trách cũng chỉ có 10 nhân sự thực hiện tất cả các công việc, từ quá trình đàm phán, ký kết, phê chuẩn cho đến khi thực thi. Trong khi quá trình thực thi liên quan tới rất nhiều bộ, ngành và 63 tỉnh, thành khác nhau đòi hỏi một lực lượng chuyên trách phải đồ sộ và nhiều hơn nữa để có thể đủ sức vươn xa hơn hỗ trợ cho các tỉnh, thành và doanh nghiệp.
Còn ở cấp độ địa phương, khảo sát cho thấy có tỉnh thành có con số nhân sự khả quan có thể 5 - 7 nhân sự nhưng có những tỉnh, thành thì chỉ được 1-2 nhân sự và bản thân những nhân sự đó phải kiêm nhiệm rất nhiều công việc khác nhau. Ví dụ họ phải thực hiện việc cấp C/O, quản lý xuất nhập khẩu… cho nên việc chưa có đủ nhân sự ở các tỉnh, thành về nội dung FTA là một trở ngại rất lớn.
Bản thân các nhân sự đã kiêm nhiệm thì cũng chưa có điều kiện để được đào tạo chuyên sâu về các nội dung cam kết FTA. Nếu các chuyên gia, các cán bộ nhân sự trực tiếp làm FTA ở các địa phương chưa hiểu rõ về nội dung cam kết thì sẽ rất khó phối hợp trong những kế hoạch hành động của Chính phủ hoặc kế hoạch hành động của địa phương đưa ra nhưng triển khai đủ quyết liệt để có thể đạt được những kết quả nhất định.
Hơn nữa, bà Phương cho rằng bản thân các nước đối tác FTA của chúng ta như EU, các nước CPTPP đưa ra nhiều quy định mới, như EU đưa ra những quy định mới về việc chống phá rừng đối với việc xuất khẩu các mặt hàng như cà phê, gỗ hay là những quy định về CBAM…
Nếu cán bộ ở cấp địa phương không sẵn sàng nắm rõ những nội dung đấy thì quá trình phối hợp với những cơ quan Trung ương để triển khai hỗ trợ doanh nghiệp sẽ rất khó. Trong khi doanh nghiệp xuất khẩu rất cần được hỗ trợ để sẵn sàng ứng phó với những biện pháp hoặc những quy định mới của các thị trường FTA.
Ở cấp độ doanh nghiệp, bà Phương cho biết các doanh nghiệp nước ngoài có quy mô tương đối lớn, bài bản nên họ có một bộ phận pháp chế riêng, một bộ phận tư vấn xuất nhập khẩu riêng và ở đó họ có khả năng để tìm hiểu những quy định rất nhanh. Khi thị trường đối tác ra một quy định mới là họ đã nắm bắt từ lúc dự thảo, cho đến khi quy định ra họ đã có quá trình chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó. Thậm chí khi mặt hàng xuất khẩu sang có những rủi ro như liên quan đến biện pháp chống bán phá và phòng vệ họ cũng sẽ có những cố vấn để sẵn sàng hỗ trợ cho doanh nghiệp của mình ứng phó.
Còn với các doanh nghiệp Việt Nam, đến hơn 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên khả năng có được một bộ phận pháp chế, một bộ phận chuyên gia về FTA tương đối khó khăn, là một thách thức rất lớn.
Do đó, bà Phương cho rằng trong thời gian sắp tới, chúng ta phải gia tăng số lượng nguồn nhân lực, nguồn chuyên gia về FTA ở cả cơ quan quản lý cấp Trung ương, cơ quan quản lý cấp địa phương và doanh nghiệp, giảm các công tác kiêm nhiệm. Phải đào tạo đội ngũ chuyên gia FTA này một cách bài bản và chuyên môn hơn. Có như vậy họ mới có điều kiện để tập trung vào nội dung chuyên môn về FTA và hỗ trợ thực thi các FTA này được tốt hơn.