November 09, 2021 | 06:00 GMT+7

Thiếu tự chủ, ngành nông nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu

Chu Khôi -

Trong khi giá bán lúa không tăng, còn giá bán sản phẩm chăn nuôi đi xuống đến mức thấp dưới giá thành sản xuất, thì hầu hết các vật tư đầu vào của ngành nông nghiệp lại liên tục tăng cao suốt thời gian qua và chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều này khiến nông dân thua lỗ cả trong trồng trọt và chăn nuôi...

Giá phân bón tăng cao khiến trồng lúa không còn lợi nhuận
Giá phân bón tăng cao khiến trồng lúa không còn lợi nhuận

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết trong trồng lúa, chi phí phân bón chiếm tỉ lệ 21-24% trong tổng chi phí sản xuất; chi phí thuốc bảo vệ thực vật chiếm 15-17%; chi phí về giống chiếm 9-10%.

PHÂN BÓN VÀ THỨC ĂN CHĂN NUÔI PHỤ THUỘC NHẬP KHẨU

Từ đầu năm đến nay, giá phân bón tăng vọt, trung bình tăng từ 60-95% (tùy loại) so với cùng kỳ năm trước và dự báo vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong khi giá bán lúa gần như không tăng, việc giá vật tư đầu vào tăng đã đẩy giá thành sản xuất lúa, rau màu tăng 40-60%, khiến sản xuất nhiều loại cây trồng, đặc biệt là trồng lúa đang bị lỗ nặng.

Nguyên nhân giá phân bón trong nước tăng cao là do chịu tác động từ sự tăng giá trên thị trường thế giới. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, giá phân bón vẫn có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới, bởi thực chất Việt Nam không thể chủ động được giá phân bón nhập khẩu cũng như nguồn nguyên liệu để phục vụ sản xuất phân bón trong nước.

Chi phí các loại vật tư đầu vào trong trồng trọt
Chi phí các loại vật tư đầu vào trong trồng trọt

Số liệu từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy trong 9 tháng năm 2021, sản lượng sản xuất phân bón trong nước đạt 5,668 triệu tấn, tăng 0,235 triệu tấn, tương đương tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2020.

TS. Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho biết mỗi năm Việt Nam cần sử dụng 11 triệu tấn phân bón, trong khi khả năng đáp ứng của các nhà máy trong nước là khoảng 7,3 triệu tấn. Vì vậy, bình quân mỗi năm Việt Nam phải nhập khẩu 3,5 đến 4 triệu tấn phân bón. Trong đó, các loại phân kali, SA do trong nước chưa sản xuất được, nên phải nhập khẩu 100% với số lượng khoảng 1 triệu tấn/năm.

 
"Trong 3 quý đầu năm 2021, Việt Nam đã nhập khẩu 3,89 triệu tấn phân bón, tăng 0,24 triệu tấn, tương đương tăng 26,88% so với cùng kỳ năm 2020. Lượng phân bón nhập khẩu nhiều nhất vẫn là SA và kali".
Theo số liệu của Cục Bảo vệ thực vật

Đối với ngành chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi đang chiếm tới 70-75% giá thành sản xuất các sản phẩm thịt gà, thịt lợn. Tính riêng từ đầu năm đến nay, phần lớn các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đã tăng giá tới 9-10 đợt, với tổng cộng các đợt giá tăng tới 40-55% so với cuối năm ngoái. Cũng giống ngành phân bón, thức ăn chăn nuôi cũng phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu trong 8 tháng năm 2021 khoảng 14,45 triệu tấn (bao gồm cả nguyên liệu sản thức ăn thủy sản), tương ứng với 5,22 tỷ USD, tăng 24,3% về số lượng và 47,4 % về giá trị so với cùng kỳ 2020.

Phân tích cụ thể hơn, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết giá các loại ngũ cốc trên thị trường thế giới đều tăng cao do chi phí sản xuất tăng cao, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến mùa màng, các quỹ đầu tư lớn chuyển hướng sang đầu cơ nông sản và Trung Quốc tăng mua ngũ cốc phục vụ sản xuất, chăn nuôi trong nước. Trong đó, giá tăng mạnh nhất là các nguyên liệu thuộc nhóm ngũ cốc, cụ thể: ngô hạt tăng 35,1%, khô dầu đậu tương tăng 35,5%, bã ngô tăng 46,0%, cám mì tăng 32,8%...

Mặt khác, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên chi phí vận chuyển tăng do thiếu tàu biển và container vận chuyển hàng hóa nói chung, trong đó có mặt hàng thức ăn chăn nuôi (trung bình chi phí vận chuyển tăng 200-300% so với bình thường.

CẦN GIẢM LỆ THUỘC NGUỒN CUNG BÊN NGOÀI

Liên quan đến tình trạng giá nguyên liệu đầu vào tăng, giá đầu ra sản phẩm giảm, tại buổi đối thoại giữa Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan với sáu doanh nhân đại diện cho các ngành hàng nông sản quan trọng của Việt Nam mới đây, ông Đỗ Cao Bằng, Phó Chủ tịch Tập đoàn Greenfeed đặt câu hỏi: “Không biết tình trạng trên là do đứt gãy chuỗi cung ứng, do câu chuyện cung - cầu hay như thế nào?”.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết đầu vào của ngành nông nghiệp từ phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc thú y đến bao bì, hộp xốp…, cái gì cũng tăng là do đứt gãy chuỗi giá trị toàn cầu. Điều đó chứng tỏ tính tự chủ của nền kinh tế Việt Nam chưa cao, phụ thuộc vào nguồn cung từ nước ngoài, thậm chí có những ngành hàng chúng ta phụ thuộc 70-80%.

Ở Đồng bằng sông Cửu Long, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu chúng ta giảm một nửa lượng giống gieo sạ so với tập quán hiện nay, thì có thể tiết kiệm được 40% phân bón và vật tư đầu vào.

“Chúng ta tự hào là đất nước nông nghiệp, nhưng bắp đậu nành cũng phải nhập. Đây là vấn đề đặt ra và cùng thảo luận để tìm ra cái gì chúng ta phải chấp nhận (do không đủ điều kiện, lợi thế cạnh tranh), cái gì chúng ta không thể chấp nhận và phải tìm giải pháp để giảm lệ thuộc vào nguồn cung bên ngoài”, Bộ trưởng Hoan nhấn mạnh, đồng thời chia sẻ: “Vừa rồi tôi có chuyến công tác châu Âu cùng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các doanh nhân châu Âu thường nói câu “tối thiểu để đạt được cái tối đa”. Bàn tay vô hình của thị trường rất khó đoán định, vậy tại sao chúng ta không tiết giảm chi phí để tạo giá trị cao hơn?”.

“Quan trọng là chúng ta có chấp nhận nghĩ khác đi không? Người ta làm được thì mình làm được. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẵn sàng huy động hệ thống các viện, trường đồng hành cùng doanh nghiệp để tạo ra sự thay đổi”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

 
GS.TS. Võ Tòng Xuân
GS.TS. Võ Tòng Xuân
Nông dân Việt Nam phí phạm rất nhiều phân bón. Phí phạm ở chỗ họ đợi cây lúa lên rồi mới bón phân, và phải bón rất nhiều phân. Cách đây 5 năm, tôi đã thử nghiệm phương pháp bón lót phân trước khi sạ giống tại Hợp tác xã Tân Tiến (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp). Khi đó, nông dân vẫn chưa nghe theo, cho rằng chưa có lúa mà bón phân sẽ bị trôi mất, tốn tiền.
Tuy nhiên, nghiên cứu khoa học cho thấy, phân và đất “hút” nhau như sắt với nam châm, nếu bón phân trước khi sạ, sau đó trục để nhào trộn phân nhuyễn với đất và nhận phân sâu xuống dưới trước khi sạ lúa, thì phân bón không thể trôi mất. Tôi đã động viên nông dân làm theo kiểu mới.
Hợp tác xã Tân Tiến đã thực hiện theo cách làm mới trên diện tích 50 ha lúa, kết quả là lượng phân bón chỉ tốn 40% so với trước, lúa lên nhiều, năng suất không giảm nhưng giá thành sản xuất đã giảm, chỉ còn hơn một nửa.
 
 
Thiếu tự chủ, ngành nông nghiệp phụ thuộc vào nhập khẩu - Ảnh 1Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi
Để cho ngành chăn nuôi hoàn thành kế hoạch sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp; đảm bảo chủ động nguồn cung thực phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu những tháng cuối năm đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương phối hợp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong sản xuất, chế biến, lưu thông, xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản và vật tư nông nghiệp.
Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính có biện pháp giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, vật tư đầu vào, hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào.
Về phía Cục Chăn nuôi, sẽ tăng cường các kênh theo dõi sát diễn biến về nguồn cung, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước và trên thế giới. Chỉ đạo tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu thức ăn trong nước, nguồn phụ phẩm của nông – lâm – nghiệp...

 

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate