Tại thủ đô Hà Nội, nhiều ngày gần đây, tình trạng thiếu xăng lan rộng khắp các quận nội thành Hà Nội. Nhiều người dân cho biết họ phải đi 3-4 cây xăng mới tìm được một cửa hàng còn mở bán, tình trạng xếp hàng dài chờ đổ xăng diễn ra phổ biến.
Nhiều cây xăng tư nhân tại các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân... đều trong tình trạng hết xăng, chờ nhập hàng.
Đêm ngày 11/11 vừa qua, rất nhiều người dân phản ánh trên các trang mạng xã hội, họ phải xếp hàng chờ đợi rất lâu để chờ tới lượt mua xăng. Tuy nhiên việc bán ra cũng nhỏ giọt khiến người mua bức xúc.
Về nhu cầu tiêu thụ xăng dầu hiện nay trên địa bàn thủ đô, đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết bình quân mỗi tháng khoảng 146.500m3, trong đó nhu cầu xăng khoảng 97.750m3 (E5 chiếm 35%, RON95 chiếm 65%), dầu khoảng 48.750m3.
Tuy nhiên từ tháng 8-2022 đến nay, nhu cầu xăng dầu ở Hà Nội tǎng đột biến, trung bình 20%, tương đương 175.800m3/tháng (một số cửa hàng tăng trên 30%).
Về lý do nhu cầu xăng dầu tăng đột biến như trên, bà lý giải là bởi các tỉnh thành lân cận cũng thiếu nguồn cung nên đổ dồn về Hà Nội mua xăng dầu, gây áp lực cho thủ đô.
Tại thành phố Hải Phòng, mặc dù các cây xăng chưa đóng cửa vì hết hàng nhưng theo người dân phản ánh, tại một số điểm bán trên đường Lê Hồng Phong, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phạm Văn Đồng, Ngô Gia Tự… tình trạng khống chế hạn mức mua xăng đã diễn ra. Khách vào đổ xăng được yêu cầu chỉ đổ tối đa 200 – 300 ngàn đồng đối với ô tô, xe máy tối đa 50 ngàn đồng.
Theo giải thích của nhân viên những cây xăng này, do việc khan hiếm nguồn hàng khiến doanh nghiệp cũng phải cân đối trong việc bán lẻ xăng cho người dân.
Để chỉ đạo, giám sát trong việc cung ứng xăng dầu, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng đã có chỉ đạo Sở Công thương cùng Cục Quản lý thị trường thành phố, các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn thành phố theo quy định;
Yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cam kết thực hiện nghiêm các quy định về kinh doanh xăng dầu, xử lý các trường hợp cửa hàng bán lẻ xăng dầu có dấu hiệu vi phạm về bán không đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán xăng dầu.
Tại Thanh Hóa, từ ngày 8/11, tình trạng khan hiếm nguồn cung xăng dầu bắt đầu xuất hiện tại một số cơ sở kinh doanh nhiên liệu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Tình trạng trên về cơ bản đã được khắc phục vào ngày 9/11 khi các cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc. Tuy nhiên, tại một số cây xăng, ở một vài thời điểm tình trạng bán hàng hạn chế vẫn tiếp tục diễn ra...
Tại hệ thống cửa hàng của doanh nghiệp, tại nhiều thời điểm chỉ có thể bán ra 30.000 đồng đến 50.000 đồng đối với xe máy, 300.000 đồng đối với xe hơi cá nhân, 500.000 đồng đối với xe tải, xe khách. Sở dĩ doanh nghiệp phải áp dụng biện pháp khẩn cấp như vậy là để người tiêu dùng chia sẻ với khó khăn chung.
Ông Nguyễn Văn Thức, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công thương Thanh Hóa thông tin, tình trạng bán hàng xăng dầu giới hạn định mức đã xảy ra tại một số cửa hàng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đây chỉ là tình trạng tạm thời, cục bộ, tập trung ở các đại lý hoặc doanh nghiệp nhượng quyền thương mại.
Trước tình trạng khan hiếm xăng dầu đang có dấu hiệu gia tăng, ngày 10.11, UBND tỉnh Sơn La đã tổ chức hội nghị đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên địa bàn.
Tại sự kiện nêu trên, Sở Công thương Sơn La đã tham mưu UBND tỉnh Sơn La ban hành văn bản hỏa tốc kiến nghị Bộ Công thương, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình, Chi nhánh Xăng dầu Sơn La đề nghị hỗ trợ bổ sung nguồn cung xăng, dầu cho hệ thống phân phối trên địa bàn.
Đồng thời, tỉnh Sơn La cũng ban hành văn bản chỉ đạo các thương nhân kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh chấp hành nghiêm các quy định về kinh doanh xăng, dầu và khắc phục khó khăn để phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Trước tình trạng khan hiếm xăng dầu đang xảy ra ở nhiều tỉnh, thành, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ, đảm bảo minh bạch, hiệu quả.
Chỉ đạo nêu trên của Thủ tướng được đưa ra sau khi Cổng Thông tin điện tử Chính phủ có tổng hợp, báo cáo Thủ tướng, các Phó Thủ tướng tình hình thông tin, báo chí, dư luận xã hội liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành, trong đó có nội dung về điều chỉnh giá xăng dầu và việc phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu của Bộ Công Thương.
Về việc phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu, Báo cáo cho biết, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi đến 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu để phân giao sản lượng nhập khẩu, đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho nhu cầu thị trường cuối năm.