Việc giá thịt lợn vẫn chưa giảm ở các chợ và siêu thị như hiện nay khiến cho người tiêu dùng có phần bị thịt thòi.
GIÁ BÁN LẺ THỊT LỢN CHƯA GIẢM
Giá lợn hơi vào giữa tháng 4/2021 vẫn ở vào mức 75 -77 nghìn đồng/kg. Tuy vậy, từ gần một tháng nay, giá lợn hơi bắt đầu sụt giảm, xuống 70 nghìn đồng/kg thời điểm cuối tháng 4. Tính đến ngày 19/5/2021, giá lợn hơi tại miền Bắc, miền Trung dao động trong khoảng 64.000 - 67.000 đồng/kg. Đây được cho là mức giá thấp nhất trong hơn một năm trở lại đây.
Anh Vũ Văn Tuấn, chủ một trang trại chăn nuôi lợn ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Vừa qua trang trại gia đình tôi có xuất bán 2,6 tấn lợn hơi với giá 65 nghìn đồng/kg, trong khi trước đó khoảng 2 tuần, giá lợn hơi 70 nghìn đồng/kg. Như vậy, trong vòng 2 tuần, xuất bán 2,6 tấn lợn, gia đình thất thu gần 15 triệu đồng”.
Anh Khương, một thương lái buôn lợn ở Đại Đồng (Vĩnh Tường), kể rằng: "Trước đây, trung bình mỗi ngày xuất bán chừng 30 con, nhưng hiện nay do Covid - 19 bùng phát trở lại khiến các nhà hàng, bếp ăn tập thể trong khu công nghiệp giảm hẳn số lượng đặt hàng, nên cách 2 -3 ngày chúng tôi mới xuất được một chuyến chừng 20 con".
Mặc dù hầu hết doanh nghiệp chăn nuôi, trang trại lớn đã giảm giá lợn hơi, nhưng sau đó, các khâu trung gian đều tăng giá dẫn đến thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn tăng.
Khảo sát của phóng viên VnEconomy tại các chợ bán ở quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, huyện Hoài Đức, vào ngày 19/5/2021, giá thịt lợn bán lẻ vẫn ở mức 130.000 – 160.000 đồng/kg, trong đó nạc vai 155.000-160.000 đồng/kg (tùy chợ); thịt ba chỉ 145.000-150.000 đồng/kg; thịt mông sấn 125.000-135.000 đồng/kg.
Tại các siêu thị, giá thịt lợn nạc vai vẫn ở mức 150.000 đồng/kg, thịt mông sấn 139.000 đồng/kg. Một người tiêu dùng phàn nàn: “Nghe tin giá lợn hơi giảm từ mấy tuần nay, vậy mà ra chợ, giá thịt lợn vẫn chưa giảm, thậm chí có hàng bán còn nhích hơn trước".
Chia sẻ về thực tế này, một tiểu thương bán thịt lợn tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức cho hay: “Mặc dù giá lợn hơi có giảm vài nghìn đồng/kg; tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên tiêu thụ rất chậm. Nếu giảm giá theo giá lợn hơi, chúng tôi chỉ có lỗ”. Một lý do mà người bán thịt lợn khác đưa ra là: “Giá lợn giảm ở đâu không biết, chứ hiện tại, chúng tôi vẫn phải mua lợn móc hàm tại lò mổ với giá 120.000 đồng/kg, chỉ giảm 2.000 đồng/kg so với cách đây 1 tháng".
CẮT BỚT CÁC KHÂU TRUNG GIAN
Theo tính toán của giới kỹ thuật trong ngành hàng chăn nuôi, lợn sau khi giết mổ, tỷ lệ thịt móc hàm thường đạt 70-78% so với trọng lượng lợn sống. Nếu giá lợn xuất chuồng 67.000 đồng/kg, cộng thêm chi phí vận chuyển, giá thành về đến lò mổ sẽ vào khoảng 72.000 đồng/kg lợn sống.
Sau giết mổ, giá thành lợn móc hàm (đã tính chi phí điện, nhân công giết mổ) vào khoảng 95.000 đồng/kg. Thông thường trước đây, lò mổ ăn lãi 2-5%, chi phí vận chyển đến chợ chiếm 5%, người bán thịt lợn ở chợ có lợi nhuận khoảng 10%, thì giá bán thịt lợn bình quân tại chợ ở thời điểm hiện tại sẽ ở mức 110.000 – 115.000 đồng/kg là hợp lý.
Theo tìm hiểu của phóng viên VnEconomy, trong thời gian gần đây, khi các chợ cóc bị cấm hoạt động để phòng dịch Covid-19, nhiều người bán hàng thịt ở các chợ chưa bị cấm đã lợi dụng tình hình đẩy giá bán lẻ thịt lợn lên cao.
Giải thích nguyên nhân tăng giá thịt lợn, ông Kiều Đình Thép, Giám đốc Kinh doanh Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam chi nhánh miền Bắc, cho hay mặc dù công ty xuất bán thịt lợn hơi giá thấp, nhưng lợn được thương lái mua về giết mổ, bán ra thị trường đến tay người tiêu dùng vẫn quá cao. Nguyên nhân là do có quá nhiều khâu trung gian.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Nếu như năm trước, giá thịt lợn diễn biến thất thường đã khiến Bộ Nông nghiệp và Bộ Công Thương liên tục tổ chức các hội nghị, cuộc họp, ra hàng loạt văn bản để nhằm bình ổn thị trường. Nhưng năm nay, tại thời điểm này, có lẽ do bận với các nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19 và thúc đẩy tiêu thụ nhiều sản phẩm nông nghiệp khác, mà các Bộ này lãng quên nhiệm vụ bình ổn thị trường thịt lợn.
Giá thịt lợn xuất chuồng đến tay người tiêu dùng phải qua 2-5 khâu trung gian. Thịt lợn từ cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ được bán cho cơ sở lớn, rồi lần lượt tới tay các đại lý và lò mổ. Sau đó, lò mổ tiếp tục bán cho nhà phân phối và kênh phân phối lẻ. Mỗi khâu chỉ cần tăng 10% giá bán ra cũng đủ khiến người tiêu dùng phải mua thịt với giá cao.
Để khắc phục tình trạng giá thịt lợn trên thị trường cách xa giá của lợn hơi xuất chuông như hiện nay, ông Cao Xuân Quảng - Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng thuộc Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), cho rằng việc xây dựng các chuỗi cung ứng thịt lợn từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm, giảm thiểu các khâu trung gian là tất yếu cần quan tâm triển khai.
Đồng thời các doanh nghiệp, trang trại, gia trại chăn nuôi cần tăng cường liên kết, tăng lượng lợn giết mổ của các cơ sở giết mổ tập trung nhằm hình thành chuỗi cung ứng, hạn chế thấp nhất tình trạng tăng giá lợn qua các khâu trung gian. Đặc biệt, cần tiếp tục đưa thịt lợn vào diện bình ổn giá thông qua giải pháp bình ổn nguồn cung - thay đổi hệ thống phương thức tiêu dùng.