Thời báo Kinh tế Việt Nam vừa kỷ niệm 20 năm thành lập. VnEconomy xin giới thiệu bài viết của GS. Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, nhìn lại những dấu ấn trong chặng đường 20 năm.
Cách đây 20 năm, vào đầu năm 1991, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, Thời báo Kinh tế Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam đã ra mắt bạn đọc.
Ngay từ thời đó, các nhà khoa học kinh tế Việt Nam ý thức được rằng phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trọng tâm của dân tộc ta, nhưng cũng là nhiệm vụ rất khó khăn, gian khổ và lâu dài. Vì đó là bước đường mới mẻ chúng ta đang khai phá.
Nguyện vọng của các nhà khoa học kinh tế Việt Nam là phải góp phần bồi dưỡng kiến thức kinh tế một cách thiết thực, phổ thông và hiệu quả cho nhân dân và doanh nhân để xây dựng bằng được một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Với mục tiêu đó, Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam đã tập hợp một đội ngũ các nhà khoa học kinh tế có tâm huyết và tầm cỡ để lập ra tờ báo nhằm chuyển tải đường lối xây dựng đất nước, kiến thức kinh tế để mọi người ra sức làm giàu cho mình và cho đất nước. Tôn chỉ của tờ báo là như thế.
Hai mươi năm qua, từ một tờ thông tin kinh tế hàng tháng, Thời báo Kinh tế Việt Nam đã phát triển thành tờ báo kinh tế tổng hợp hàng ngày, với cả chục vạn bản phát hành trong cả nước.
Hai mươi năm qua, Thời báo Kinh tế Việt Nam đã trở thành một cơ quan báo chí có nhiều ấn phẩm, một tổ hợp báo chí kinh tế. Tờ Tư vấn Tiêu&Dùng một tháng hai số dành cho các doanh nhân và độc giả nữ, các tạp chí tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Nhật, phục vụ cho bạn đọc người nước ngoài. Báo điện tử VnEconomy cập nhật những thông tin kinh tế bổ ích và nóng bỏng, có lượng bạn đọc truy cập hàng chục vạn lượt người/ngày.
Bên cạnh hoạt động báo chí, Thời báo Kinh tế Việt Nam còn cùng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao xuất bản các sách kinh tế phục vụ doanh nghiệp. Nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, Thời báo còn kết hợp với Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin xuất bản cuốn Tổng tập 1.000 năm văn hiến Thăng Long trên một vạn trang.
Cùng với hoạt động trên trang báo, trang sách, Thời báo Kinh tế Việt Nam còn có các hoạt động hội thảo, các chương trình liên hoan dành cho cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức đều đặn hàng năm để tôn vinh các thương hiệu, hàng hóa Việt Nam và dịch vụ. Các chương trình đã gắn kết tờ báo với cộng đồng doanh nghiệp và góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước.
Hai mươi năm qua, từ một tòa soạn chỉ có vài ba người, kể cả Tổng biên tập, đã phát triển thành một tờ báo với gần 300 phóng viên, biên tập viên, nhân viên kỹ thuật, chế bản, quảng cáo, phát hành.
Trụ sở tòa soạn đã được xây dựng khang trang ở Thủ đô Hà Nội và Tp.HCM, với các trang thiết bị làm báo hiện đại, đáp ứng được yêu cầu phát triển trong thời đại công nghệ thông tin.
Trong quá trình xây dựng và phát triển, được phép của Ban bí thư và Chính phủ, Thời báo Kinh tế Việt Nam đã có 10 năm (1992-2001) hợp tác với công ty nước ngoài là Ringier AG (Thụy Sỹ) về in ấn và phát hành. Trong quá trình hợp tác ấy, Thời báo Kinh tế Việt Nam được đầu tư vốn ban đầu, có được những bài học và kinh nghiệm quý về tổ chức quản lý kinh doanh, về kỹ thuật làm báo trong điều kiện kinh tế thị trường. Sự hợp tác đã để lại những dấu ấn tích cực trong lịch sử phát triển của tờ báo.
Có được những thành tựu trên, trước hết là do sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ, của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao, sự hợp tác giúp đỡ của Hội Nhà báo Việt Nam và các cơ quan báo chí đồng nghiệp.
Trung ương Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, nhất là đồng chí Chủ tịch, Giáo sư Trần Phương đã luôn ở bên cạnh Thời báo Kinh tế Việt Nam, chỉ đạo phương hướng, nhân sự, cùng chia vui khi thành công, cùng gánh vác trách nhiệm lúc khó khăn sóng gió. Chúng tôi bày tỏ sự tin tưởng và biết ơn sâu sắc về sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự hợp tác giúp đỡ có hiệu quả đó.
Chúng tôi đánh giá rất cao cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, độc giả đông đảo và thường xuyên, đối tác quan trọng, những người đồng hành cùng chúng tôi. Chính bạn đọc là động lực thúc đẩy chúng tôi cải tiến nội dung. Nếu bạn đọc không hài lòng thì tờ báo không còn lý do tồn tại. Cũng nhân dịp này, xin cảm ơn các nhà quảng cáo, các cộng tác viên trên mọi lĩnh vực, ở mọi miền đất nước đã sát cánh cùng chúng tôi 20 năm qua.
Chúng tôi biết ơn sâu sắc đội ngũ cán bộ, phóng viên và toàn thể công nhân viên của Thời báo. Không có sự hợp lực tập thể thì dù một cá nhân có tài giỏi đến mấy cũng không thể làm nên. Qua hai mươi năm xây dựng và phát triển với những thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức, sự đoàn kết, hợp tác vì mục tiêu chung của tờ báo luôn là bài học lớn như người xưa đã nói: để có những trang viết vàng, rất cần những tấm lòng son!
Trong số đó, nhiều người đã chuyển công tác, nhiều cộng tác viên thân thiết không có mặt trong buổi vui hôm nay, nhưng công sức các bạn còn lưu mãi trong công trạng của Thời báo.
Hai mươi năm xây dựng và trưởng thành. Và hai mươi năm những tấm lòng son với Thời báo Kinh tế Việt Nam vẫn tươi thắm.
Gắn bó với sự nghiệp 20 năm Thời báo Kinh tế Việt Nam, Tổng biên tập xin cảm ơn sự đóng góp của tất cả các cơ quan đồng nghiệp, bạn đọc và xin lượng thứ vì những thiếu sót của Thời báo.
Tuổi hai mươi là tuổi đương xuân. Với tuổi đó, bước vào thời kỳ mới, Thời báo Kinh tế Việt Nam với kinh nghiệm đã tích lũy nguyện đem hết sức mình phục vụ bạn đọc.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate