Giảm lệ phí trước bạ xuống 50%, tương đương mức lệ phí trước bạ chỉ từ 5-6% giá trị xe là một trong những chính sách ưu đãi của Chính phủ dành riêng cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, chủ yếu tập trung vào nhóm dòng xe du lịch dưới 9 chỗ ngồi. Chính sách này khuyến khích doanh nghiệp Việt mạnh dạn đầu tư vào ngành công nghiệp ô tô, khuyến khích các doanh nghiệp FDI đầu tư nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam. Hiệu quả từ hoạt động này góp phần làm gia tăng vốn FDI vào Việt Nam, giải quyết việc làm cho người lao động, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước.
Chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước lần đầu tiên được quy định tại Nghị định số 70/2020/NĐ-CP, áp dụng từ ngày 01/7/2020 đến hết ngày 31/12/2020; lần thứ hai áp dụng từ ngày 01/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022; lần thứ ba áp dụng từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Trong hai lần đầu tiên, chính sách đều đem lại hiệu quả thiết thực. Cùng với việc giảm 50% lệ phí trước bạ theo quy định chung, nhiều hãng xe và đại lý phân phối cũng áp dụng các chương trình ưu đãi tương tự như giảm tiền mặt tương ứng với 50%-100% lệ phí trước bạ của xe. Điều này đã giúp khách hàng tiết kiệm từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng chi phí lăn bánh. Đây cũng là động lực chính giúp kích cầu tiêu dùng các mẫu xe sản xuất, lắp ráp trong nước nhờ được hưởng “ưu đãi kép”. Ngay cả các mẫu xe nhập khẩu nguyên chiếc cũng gián tiếp được hưởng lợi nhờ lực cầu của thị trường tăng mạnh và phía đại lý cũng tung ra các chương trình ưu đãi tương tự các mẫu xe sản xuất, lắp ráp trong nước.
Cụ thể, theo số liệu từ Hiệp hội Các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), trong lần áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ đầu tiên, doanh số ô tô toàn thị trường đã tăng từ mức 24.065 xe (tháng 7/2020) lên 47.865 xe (tháng 12/2020). Lần áp dụng chính sách thứ hai, tăng trưởng của thị trường bắt đầu có độ trễ, xu hướng tăng không đều đặn giữa các tháng, nhưng cũng đã giúp lũy kế doanh số ô tô cả năm tăng trưởng ấn tượng, đạt 404.635 xe, tăng 33% so với năm 2021 và là mức doanh số cao nhất trong lịch sử ngành ô tô Việt Nam.
Tuy nhiên, lần áp dụng chính sách giảm lệ phí trước bạ thứ ba, áp dụng trong 6 tháng cuối năm 2023, kết quả không như mong đợi. Doanh số ô tô liên tục “giằng co” ở ngưỡng trên dưới 25.000 xe/tháng và chỉ duy nhất tháng 12/2023 đạt mức khá (38.740 xe). Lý do đã được nhiều chuyên gia phân tích là do các tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế thế giới, tình hình xung đột và căng thẳng địa chính trị, tâm lý thắt chặt chi tiêu trong nước và lượng xe tồn kho ngày càng nhiều.
Trước tình hình này, cuối năm 2023, nhiều doanh nghiệp ô tô và tổ chức, hiệp hội và một số địa phương đã đề xuất gia hạn chính sách giảm lệ phí trước bạ thêm 6 tháng để thị trường có thêm thời gian phục hồi. Tuy nhiên, đề xuất này không được Bộ Tài chính ủng hộ do hiệu quả kém từ lần giảm lệ phí trước bạ thứ ba, chưa có đủ thời gian và căn cứ để đánh giá tác động đến cân đối Ngân sách. Trung bình, mỗi lần áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ trong thời hạn 6 tháng, thu Ngân sách bị giảm ước tính từ 8.000-9.000 tỷ đồng.
Mới đây, ngày 21/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Chỉ thị 12 về các giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng trong tháng 5 về gia hạn thời hạn nộp thuế, giảm lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm tiền thuê đất, mặt nước.
Điều này có nghĩa Chính phủ có thể sẽ đồng ý giảm 50% lệ phí trước bạ lần thứ tư, theo thông lệ có thể áp dụng từ ngày 01/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả của chính sách, thị trường ô tô Việt Nam cần tiếp tục giữ đà phục hồi trong tháng 4, tháng 5 và tháng 6 để có thể kì vọng một kịch bản tăng trưởng đột biến tương tự năm 2022.