June 12, 2024 | 07:33 GMT+7

Thời điểm thuận lợi cho dệt may Việt Nam mở rộng vào thị trường Liên bang Nga

Vũ Khuê -

Các sản phẩm may mặc của Việt Nam có chất lượng cao, mẫu mã phù hợp với thị hiếu và xu hướng thời trang tại thị trường Nga. Đây là thời điểm hết sức thuận lợi để doanh nghiệp dệt may Việt Nam tăng cường hợp tác với Liên bang Nga trong lĩnh vực này…

Trong 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dệt may của Việt Nam  sang Liên bang Nga tăng 134% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Liên bang Nga tăng 134% so với cùng kỳ năm 2023.

Trên đây là nhận định của ông Đặng Minh Khôi, Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga khi tiếp đoàn doanh nghiệp dệt may Việt Nam sang Nga tìm hiểu cơ hội xuất khẩu sản phẩm dệt may do ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) dẫn đầu.

21 thành viên Vitas trong đoàn là đại diện một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam đang hợp tác, mong muốn phát triển xuất khẩu hàng dệt may sang thị trường Nga, như: Công ty May Việt Tiến, May 10, May Phương Đông, May Nam Định, May Bắc Giang, May An Hưng, May Tex-Giang…

Ông Vũ Đức Giang cho biết trong thời gian gần đây, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam vào Liên bang Nga tăng nhanh. Trong giai đoạn đầu sau khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine, việc thanh toán gặp nhiều khó khăn. Nhưng ở thời điểm hiện tại, trở ngại này đã được khắc phục bởi việc thanh toán chủ yếu được thực hiện bằng VNĐ và đồng Rúp qua Ngân hàng liên doanh Việt - Nga (VRB).

Tham tán Thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga Dương Hoàng Minh, cho rằng mặc dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Liên bang Nga tăng khá trong thời gian qua nhưng còn chiếm tỷ trọng khiêm tốn trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của nước bạn. Do đó hợp tác trong lĩnh vực này giữa hai bên còn rất nhiều tiềm năng để tăng trưởng.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2023 kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang Liên bang Nga đạt 490 triệu USD, tăng 125% so với năm 2022. Trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu gần 260 triệu USD hàng dệt, may sang thị trường này, tăng 134% so với cùng kỳ năm 2023.

Đại sứ Đặng Minh Khôi đánh giá cao việc Vitas tổ chức đoàn công tác sang gặp gỡ, làm việc với các Hiệp hội và các doanh nghiệp đối tác Nga nhằm củng cố, tăng cường vị thế của hàng may mặc Việt Nam tại thị trường.

Đại sứ cho biết Liên bang Nga là thị trường lớn với GDP tính theo ngang sức mua đứng thứ 4 thế giới, hiện đang có nhu cầu thúc đẩy hợp tác với Việt Nam, trong khi đó các sản phẩm may mặc của Việt Nam có chất lượng cao, mẫu mã phù hợp với thị hiếu và xu hướng thời trang, nên đây là thời điểm hết sức thuận lợi để doanh nghiệp dệt may Việt Nam tăng cường hợp tác với Liên bang Nga trong lĩnh vực này.

Song theo vị đại sứ, các doanh nghiệp Việt Nam cần năng động hơn nữa để nắm bắt thời cơ, tận dụng được các cơ hội thị trường.

Để có thể tăng trưởng ổn định kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may sang Liên bang Nga, Chủ tịch Vitas nhấn mạnh sự cần thiết sớm tiến hành đàm phán sửa đổi nội dung của Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) về biện pháp phòng vệ ngưỡng đối với một số mặt hàng may mặc của Việt Nam xuất vào EAEU.

Theo đó, do nhu cầu của Nga và năng lực sản xuất của Việt Nam đều tăng mạnh trong thời gian gần đây nên cần điều chỉnh tăng lượng hạn ngạch được hưởng thuế suất nhập khẩu 0% đối với các mặt hàng dệt, may Việt Nam để đảm bảo không tạo rào cản thương mại bất hợp lý đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Lãnh đạo Vitas thông tin thêm, thời gian vừa qua có nhiều doanh nghiệp Nga mong muốn thúc đẩy hợp tác, kêu gọi đầu tư của Việt Nam vào các lĩnh vực kéo sợi, dệt nhuộm tại Liên bang Nga.

Tuy nhiên, một số chính sách của Nga đối với lao động nước ngoài như visa lao động, yêu cầu trình độ tiếng Nga, thu nhập của lao động trong ngành dệt may của Nga còn tương đối thấp... Do đó chưa thực sự thuận lợi cho đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam hiện chủ yếu tập trung hợp tác trong sản xuất, xuất khẩu sản phẩm may mặc sang Nga.

Đại sứ Đặng Minh Khôi cũng chia sẻ, trong thời gian qua, Đại sứ quán Việt Nam cũng đã kiến nghị, triển khai nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn trong thương mại giữa Việt Nam và Liên bang Nga, đặc biệt là về thanh toán, vận tải.

Đến nay, giữa hai nước đã có tuyến vận tải biển trực tiếp thường xuyên giữa Vladivostok và Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng. Các khó khăn về thanh toán cũng đã từng bước được giải quyết.

Từ 1/8/2023 Liên bang Nga đã áp dụng quy chế cấp visa điện tử cho công dân Việt Nam khi nhập cảnh vào Nga… Đây là các điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp ta tăng cường hợp tác với thị trường Nga.

Đối với hợp tác lao động giữa hai nước, trong đó có lĩnh vực may mặc, Đại sứ quán đã có kiến nghị hai bên cần đàm phán tiến thới ký kết hiệp định về đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Liên bang Nga nhằm đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm của người lao động và các bên liên quan, xây dựng cơ chế phù hợp hơn trong việc đưa lao động từ Việt Nam sang Nga thay cho cơ chế giới hạn hạn ngạch lao động hàng năm như hiện nay.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate