Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Nguyễn Trùng Khánh đã khẳng định như vậy tại hội nghị phát động mở lại hoạt động du lịch “Việt Nam - Trải nghiệm trọn vẹn” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức ngày 22/3.
Hội nghị thu hút hơn 400 đại biểu tham dự gồm lãnh đạo cơ quan quản lý du lịch, hiệp hội du lịch các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp du lịch.
Sự kiện nhằm giúp các địa phương, doanh nghiệp chuẩn bị kế hoạch đón khách an toàn, hiệu quả khi hoạt động du lịch đã mở cửa hoàn toàn từ ngày 15-3 trong điều kiện “bình thường mới”.
TẤT CẢ ĐÃ SẴN SÀNG ĐÓN KHÁCH DU LỊCH
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, việc mở cửa du lịch lúc này không chỉ là khôi phục lại một ngành kinh tế, mà còn có ý nghĩa mở lại hoạt động giao thương quốc tế, khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn…
Thời gian qua, ngành du lịch cũng đã triển khai thực hiện nhiệm vụ kép hiệu quả, vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa khôi phục hoạt động du lịch.
Trong năm 2021, Việt Nam đã đón được 40 triệu khách nội địa và đón 17,6 triệu lượt khách quốc tế trong 2 tháng đầu năm 2022. Đến thời điểm này, Việt Nam cũng đón hơn 10.000 khách quốc tế theo chương trình Hộ chiếu vaccine. Đây là những tín hiệu tích cực để ngành du lịch mở cửa hoàn toàn.
Khẳng định mở cửa du lịch từ 15/3 là một chủ trương đúng đắn, kịp thời, ông Nguyễn Tường Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, với việc thực hiện phòng chống dịch hiệu quả đồng thời không ngừng chủ động phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, tỉnh Quảng Ninh đã hết sức chú trọng đầu tư cho du lịch để chủ động phục hồi lại hiệu quả.
Xác định rõ đây là giai đoạn cấp thiết, đồng thời cũng là cơ hội đổi mới lại hoạt động du lịch, ngành Du lịch Quảng Ninh đã tập trung vào hoạt động liên kết du lịch; ban hành Chương trình mở cửa, phục hồi, thu hút mạnh mẽ khách du lịch; xây dựng các chính sách hỗ trợ kích cầu du lịch; hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục lại hoạt động du lịch; tổ chức đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động du lịch… Tất cả nhằm mục tiêu năm 2022, du lịch Quảng Ninh đón trên 10 triệu lượt khách, trong đó khách du lịch quốc tế đạt 1,5 triệu lượt; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 21.000 tỷ đồng.
Các sở Du lịch như: thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… cũng đều sẵn sàng kích cầu nhằm đón khách du lịch. Thành phố Hồ Chí Minh liên kết với các vùng du lịch, như: Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long, Đông - Tây Bắc hình thành vùng du lịch liên kết với nhiều sản phẩm hấp dẫn.
Còn Đà Nẵng thì thực hiện một loạt sản phẩm mới như: Hội chợ du lịch trực tuyến; giải golf quốc tế; giải thưởng du lịch thế giới. Vào ngày 27-3 tới, Đà Nẵng sẽ đón chuyến bay quốc tế đầu tiên sau 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch.
Doanh nghiệp du lịch cũng sẵn sàng đồng hành với địa phương. Bà Trần Nguyện, Trưởng Ban Kinh doanh Tập đoàn Sun Group cho biết trong suốt thời gian qua, tập đoàn đã có sự đầu tư, chuẩn bị cho phục hồi hoạt động. Riêng đối với địa bàn tỉnh Quảng Ninh, tập đoàn Sun Group đã đầu tư một hệ sinh thái dịch vụ đồng bộ từ sân bay quốc tế, cảng tàu biển quốc tế cho tới các khu nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí cao cấp, sẵn sàng thu hút, phục vụ khách du lịch trong thời gian tới.
Chủ tịch Câu lạc bộ lữ hành UNESCO Trương Quốc Hùng thông tin, các đơn vị lữ hành luôn sẵn sàng đồng hành cùng các địa phương xây dựng sản phẩm mới, với tiêu chí “bán niềm vui cho khách”…
MỞ LẠI DU LỊCH CẦN CƠ CHẾ ĐỒNG BỘ,TOÀN DIỆN
Dù tất cả đã sẵn sàng nhưng để mở lại du lịch hoàn toàn là điều không đơn giản, như ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nói, chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong 2 năm qua, nên cần cơ chế mở cửa đồng bộ, toàn diện, an toàn, hiệu quả trên cả nước.
Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng nhận định, một trong những thách thức lớn của du lịch Việt Nam là nhiều quốc gia vẫn còn áp dụng biện pháp hạn chế công dân đi lại, khiến khách Việt khó du lịch tới một số thị trường.
Bàn về giải pháp để ngành du lịch Việt Nam đạt hiệu quả đón khách khi mở cửa du lịch, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh Bùi Thị Ngọc Hiếu cho rằng, cần tăng cường hơn nữa liên kết vùng để giúp các đơn vị dễ dàng xây dựng sản phẩm liên tuyến hấp dẫn du khách hơn.
Còn Trưởng ban Tiếp thị, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) Phạm Thị Nguyệt cho hay, việc mở cửa du lịch cần chiến lược dài hạn. Ngoài việc khôi phục đường bay cũ, các hãng hàng không cần mở thêm những đường bay mới, kết nối các điểm du lịch Việt Nam với một số nước.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh khẳng định, việc mở cửa du lịch từ 15/3 là dấu mốc hết sức quan trọng của ngành du lịch Việt Nam, là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước về mở cửa hoạt động giao lưu, giao thương với quốc tế sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Việc mở cửa trở lại không chỉ khôi phục nền kinh tế, còn khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện; góp phần nâng cao vị thế du lịch Việt Nam trong bối cảnh du lịch các quốc gia trên thế giới cũng đang khôi phục.
Trong khuôn khổ hội nghị, UBND tỉnh Quảng Ninh và Vietnam Airlines đã ký kết thỏa thuận chương trình hợp tác toàn diện giai đoạn 2022-2025.
Về phương án mở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, từ ngày 15/3/2022 hoạt động du lịch đã được mở lại toàn bộ cả du lịch quốc tế và nội địa, thông qua đường hàng không, đường bộ, đường sắt, đường biển; áp dụng với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound), khách du lịch ra nước ngoài (outbound) và khách du lịch nội địa.
Đồng thời, các điều kiện, quy định về xuất nhập cảnh, y tế đối với khách du lịch quốc tế đã thuận lợi hơn rất nhiều. Chính sách miễn thị thực đơn phương cho 13 quốc gia đã được khôi phục lại, cùng với đó là khôi phục các chính sách xuất nhập cảnh như trước khi có dịch.
Bộ Văn hóa đề nghị các địa phương, các điểm đến, các doanh nghiệp tổ chức lại hoạt động du lịch, thống nhất quy trình đón tiếp và phục vụ khách, chuẩn bị mọi mặt về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người và phương án sẵn sàng, bảo đảm du lịch an toàn, hiệu quả.