Nhiều nhà điều hành trong ngành dầu khí Mỹ đã cảnh báo rằng thời kỳ bùng nổ khai thác dầu đá phiến ở nước này trong thập kỷ qua đang đi tới giai đoạn thoái trào -theo tờ báo Financial Times.
Quyết định bất ngờ của liên minh OPEC+ giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh ngoài khối gồm Nga về đẩy nhanh việc tăng sản lượng khai thác dầu đã khiến bức tranh đang tối màu của ngành dầu khí Mỹ thêm phần ảm đạm. Việc OPEC+ khai thác nhiều dầu hơn đang làm dấy lên nỗi lo về một cuộc chiến giá dầu mới, đồng thời khiến các nhà phân tích cắt giảm dự báo sản lượng dầu của Mỹ.
“Chúng tôi đang trong tình trạng báo động cao tại thời điểm này. Mọi chuyện đều có thể xảy ra khi chúng ta bước vào một môi trường khó khăn hơn”, CEO Clay Gaspar của công ty dầu khí Devon Energy có trụ sở ở Oklahoma City nói với các nhà đầu tư trong tháng 5 này.
DỰ BÁO U ÁM VỀ SẢN LƯỢNG
Theo dự báo của công ty phân tích S&P Global Commodity Insights, sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ giảm 1,1% trong năm tới, còn 13,3 triệu thùng mỗi ngày. Sự suy giảm sản lượng này sẽ diễn ra khi các công ty khai thác dầu đá phiến năng suất cao - lực lượng đã đưa Mỹ trở thành nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới - ngừng hoạt động nhiều giàn khoan do giá giảm sâu vì lo ngại về tình trạng nguồn cung vượt nhu cầu và cuộc chiến thương mại do ông Trump khởi xướng.
Nếu dự báo này trở thành hiện thực, năm 2026 sẽ là năm đầu tiên trong 1 thập kỷ sản lượng dầu của Mỹ giảm, không tính đại dịch Covid năm 2020 - thời điểm nhu cầu suy sụp đẩy giá dầu giảm xuống dưới 0 USD/thùng và gây ra tình trạng phá sản trên diện rộng ở các tiểu bang có ngành công nghiệp dầu khí quy mô lớn như Texas và Bắc Dakota.
Giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường Mỹ kết thúc tuần vừa rồi ở mức khoảng 61,5 USD/thùng, thấp hơn xấp xỉ 23% so với mức đỉnh của năm nay. Theo khảo sát năng lượng hàng quý của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Dallas, các nhà sản xuất đá phiến Mỹ cần giá dầu ở mức 65 USD/thùng để hòa vốn.
“Khẩu hiệu bây giờ là ‘cố lên’”, CEO Herbert Vogel công ty SM Energy ở Denver phát biểu tại hội nghị dầu khí Super DUG ở Fort Worth mới đây.
Sản lượng khai thác dầu giảm xuống sẽ đặt dấu chấm hết cho chuỗi năm tăng trưởng đáng kinh ngạc trong ngành năng lượng của Mỹ. Đó là khoảng thời gian mà cuộc cách mạng dầu đá phiến đã cung cấp khối lượng dầu và khí đốt giá rẻ ngày càng lớn để thúc đẩy nền kinh tế và thị trường lao động, đồng thời đưa xuất khẩu dầu khí của Mỹ cũng tăng vọt, giúp cải thiện cán cân thương mại của nước này.
Sản lượng dầu đá phiến tăng cao cũng đã phá vỡ sự phụ thuộc của Mỹ vào các nhà cung cấp nước ngoài như Saudi Arabia và các nước thành viên khác của OPEC, đồng thời mang lại cho Nhà Trắng dư địa để trừng phạt các nước xuất khẩu dầu lớn như Iran, Nga và Venezuela.
Khi lên cầm quyền nhiệm kỳ thứ hai, ông Trump đã hứa sẽ “giải phóng” nhiều hoạt động khoan tìm dầu và sản xuất dầu nhiều hơn nữa nhằm đảm bảo “sự thống trị về năng lượng” của Mỹ. Nhưng sản lượng dầu của Mỹ - sau khi đạt mức cao kỷ lục dưới thời Tổng thốn Joe Biden - có thể sụt giảm nếu giá dầu còn giảm.
Cựu CEO Scott Sheffield của công ty dầu đá phiến Pioneer Natural Resources nói với Financial Times rằng nếu giá dầu thô giảm xuống 50 USD/thùng, sản lượng của dầu của Mỹ có thể sụt tới 300.000 thùng/ngày, nhiều hơn cả sản lượng dầu của một số nước thành viên nhỏ trong OPEC. Ông cho rằng quyết định bơm thêm dầu của Saudi Arabia trong những tháng gần đây sẽ là mối đe dọa trực tiếp đến thị phần toàn cầu của các nhà sản xuất dầu Mỹ.
“Saudi Arabia đang cố gắng giành lại thị phần và họ có thể sẽ làm được việc đó trong 5 năm tới”, ông Sheffield nói.
CẮT GIẢM VÀ CẮT GIẢM
Theo công ty dịch vụ mỏ dầu Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu còn hoạt động trên đất liền của Mỹ -một thước đo của hoạt động khoan tìm dầu - là 553 giàn vào tuần trước, giảm 10 giàn so với tuần trước đó và ít hơn hơn 26 giàn so với cùng kỳ năm ngoái.
Một số nhà sản xuất dầu lớn của Mỹ cũng đã cắt giảm việc làm. Chevron và BP đã công bố cắt giảm 15.000 vị trí trên toàn cầu, mặc dù tại Mỹ từ đầu năm đến nay, tình hình việc làm trong lĩnh vực dầu khí vẫn tương đối ổn định - theo Cục Thống kê lao động Mỹ.
20 nhà sản xuất đá phiến hàng đầu của Mỹ, không bao gồm ExxonMobil và Chevron, đã cắt giảm ngân sách đầu tư cơ bản năm 2025 tổng cộng khoảng 1,8 tỷ USD, tương đương giảm 3% - theo công ty nghiên cứu năng lượng Enverus.
“Là những nhà điều hành, chúng tôi không thể kiểm soát được các yếu tố vĩ mô, nhưng chúng tôi có thể kiểm soát cách mình phản ứng”, CEO Vicki Hollub của công ty dầu khí Occidental Petroleum nói. Công ty này đã cắt giảm bớt số lượng giàn khoan hoạt động trong 2 quý đầu tiên của năm nay.
Nhiều công ty sẽ cắt giảm số giàn khoan nhiều hơn nữa nếu giá dầu trượt về mức 50 USD/thùng - mức giá mà giới chức của chính quyền ông Trump cho là sẽ giúp kiềm chế lạm phát ở Mỹ.
“Trong môi trường này, chúng tôi sẽ cắt giảm số giàn khoan và tiến hành mua lại cổ phiếu. Mọi cuộc trò chuyện của tôi đều đánh giá là mức giá dầu này sẽ không hiệu quả”, ông Travis Stice - Chủ tịch kiêm CEO công ty dầu khí Diamondback Energy, phát biểu. Công ty này gần đây đã cảnh báo các nhà đầu tư rằng sản lượng dầu của Mỹ có thể đã đạt đỉnh.
Các chính sách khác của Tổng thống Trump cũng đang ảnh hưởng đến ngành dầu khí Mỹ. Thuế quan đã đẩy giá thép và nhôm lên cao, trong khi đây là những đầu vào quan trọng của ngành này. Giá vỏ bọc, kim loại được sử dụng để lót giếng và là chi phí lớn nhất để khoan giếng, đã tăng 10% chỉ trong quý vừa qua.
“Yếu tố kinh tế đang bị thách thức. Chúng ta sẽ thấy vốn đầu tư tiếp tục bị cắt giảm trong những quý sắp tới”, CEO Doug Lawlor của Continental Resources, một trong những công ty năng lượng tư nhân lớn nhất của Mỹ, nhận định.