Giờ đây, các thương hiệu không chỉ chú trọng đến mẫu mã, xu hướng mà còn phải thực sự quan tâm tới tính bền vững do tất cả đang phải thắt chặt hầu bao vì dịch bệnh. Từ đó, xu hướng thời trang bền vững bắt đầu phát triển mạnh mẽ, đem đến một làn gió mới cho người tiêu dùng.
TS Carmen Hijosa làm việc tại Trường cao đẳng Nghệ thuật London (Anh) là người nghiên cứu về chất liệu da và ảnh hưởng môi trường trong nhiều năm qua. Quá trình thuộc da, nhuộm và chế biến da đều sử dụng lượng lớn hóa chất và gây ra hậu quả lớn tới môi trường. Năm 2015, bà bắt đầu tìm kiếm giải pháp thay thế bền vững hơn. Trong đó, bà đã đặc biệt chú ý đến một loại chất liệu mới từ lá dứa thay thế cho da động vật.
Theo bà, lá dứa thường bị bỏ đi sau mùa thu hoạch trái, lại có thể chế biến thành loại sợi bền bỉ và thân thiện với môi trường. Những sợi này sau khi dệt tạo ra chất liệu vừa có tính ứng dụng cao vừa mang lại hiệu ứng về thẩm mỹ như da thuộc. Loại “da” từ lá dứa được đặt tên là Pinatex và nhanh chóng trở thành một trong những chất liệu được yêu thích trên thị trường dệt may hiện đại.
Nguồn lá dứa được khai thác hoàn toàn từ các trang trại dứa hữu cơ tại Philippines. Tại đây, người dân địa phương thu hoạch sợi dứa sau khi lấy trái. Quá trình chế biến sợi dứa không sử dụng hóa chất và được làm thủ công, không gây ô nhiễm môi trường. Không chỉ tạo ra một loại vật liệu mới bền vững, mà quá trình chiết xơ còn tạo ra sinh khối có thể dùng trong đun nấu hoặc trồng trọt. Sau cùng, người nông dân trồng dứa thu được phân bón hữu cơ giúp tăng thu nhập.
Chất liệu Pinatex bền, thoáng, mềm, nhẹ và có các thuộc tính cơ bản như da tổng hợp cho phép nhà thiết kế sử dụng chúng như một loại vải thông thường. Hơn nữa chất liệu này có thể sản xuất hàng loạt, giúp giảm giá thành. Nhiều thương hiệu thời trang đã dùng Pinatex để thay thế cho da và các vật liệu đắt tiền khác.
Thời trang là nghành công nghiệp sáng tạo. Và sáng tạo thì không có giới hạn. Nấm, đương nhiên có thể trở thành một trong những nguồn cảm hứng. Ở Emeryville, California, một trung tâm công nghệ sinh học ở Bay Area, các công ty khởi nghiệp MycoWorks và Bolt Threads đã thu hút trí tưởng tượng của các thương hiệu thời trang bằng da làm từ sợi nấm, một giải pháp thay thế thân thiện với môi trường cho chất liệu da động vật và da tổng hợp.
Được phát triển từ nấm trong vòng chưa đầy hai tuần. Da sợi nấm thải ra ít khí nhà kính hơn và sử dụng ít tài nguyên đất và nước hơn so với chăn nuôi để sản xuất da động vật. Trên thực tế, vì nấm là sinh vật phân hủy và ăn sinh khối như thực vật chết, sản xuất da từ sợi nấm hoàn toàn có thể dựa vào nguồn carbon tự nhiên. Và không giống như nhiều loại da tổng hợp, da sợi nấm không chứa các vật liệu có nguồn gốc từ dầu mỏ như PVC và polyurethane.
Không chỉ là một sản phẩm thay thế da thân thiện với môi trường, da sợi nấm còn được các thương hiệu cao cấp thích thú vì chất lượng vượt trội của nó. Da sợi nấm rất mềm mại và dẻo dai đến nỗi Hermès, thương hiệu áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt nhất cho da thuộc, đã và đang thử nghiệm với nấm.
Vào tháng 3, Hermès và MycoWorks đã công bố một mẫu túi Victoria được làm lại bằng Sylvania; một loại da sợi nấm màu hổ phách độc quyền. Mycoworks Sử dụng một công nghệ đã được cấp bằng sáng chế gọi là Fine Mycelium; giúp điều chỉnh các thông số kỹ thuật chính xác về độ dày; và độ mềm của da sợi nấm.
Có thể nói, càng ngày càng nhiều vật liệu mới thân thiện môi trường được phát triển, như vải làm từ vỏ xương rồng hoặc vỏ hành tây; bã cà-phê được sấy khô, ép thành những chiếc khuyên tai, nhẫn, vòng tay độc đáo… khiến thị trường thời trang bền vững đang ngày càng trở nên sôi động.
Mới đây, một công ty khởi nghiệp của Israel cũng đang tạo ra một loại vải dệt có thể phân hủy sinh học, không độc hại và năng lượng thấp bằng việc sử dụng tảo. Renana Krebs, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Algaeing, cho biết công thức tảo này được sử dụng để tạo ra sợi và thuốc nhuộm tự nhiên, sử dụng ít nước hơn so với các sản phẩm thông thường và không tạo ra chất thải, chất ô nhiễm.
Công nghệ trồng tảo Algatech được trồng ngay trong nước biển tại các "trang trại thẳng đứng" trong nhà chạy bằng năng lượng mặt trời. Cách trồng tảo kiểu này không giống như bông, nó không chiếm đất nông nghiệp và không thải ra khí thải carbon liên quan đến việc sử dụng phân bón. Công ty Algaeing chuyển đổi tảo thành một công thức lỏng, sau đó có thể được sử dụng làm thuốc nhuộm hoặc biến thành sợi dệt khi kết hợp với cellulose, một loại sợi thực vật, mà các nhà sản xuất quần áo có thể tự làm bằng công thức độc quyền của Algaeing.
Các công ty khác cũng đang nhìn thấy tiềm năng của tảo trong ngành dệt may. Thương hiệu quần áo nam Vollebak đã tạo ra một chiếc áo phông có thể phân hủy sinh học được làm từ bột bạch đàn, sồi và tảo, sau đó những quần áo từ nguyên liệu này có thể được chôn trong vườn và phân hủy thành "thức ăn cho giun" trong 12 tuần, và công ty khởi nghiệp AlgiKnit đang phát triển một loại sợi giống len từ rong biển.
Theo ước tính của WWF (tổ chức quốc tế bảo tồn thiên nhiên), nhà sản xuất phải cần tới 2.700 lít nước ngọt để sản xuất bông cho một chiếc áo thun thông thường - tương đương với lượng nước uống của một người trong hai năm. Nhưng vải sợi từ tảo của Algaeing cắt giảm được 80% lượng nước sử dụng. Krebs cho biết trọng tâm của Algaeing là thay đổi chuỗi cung ứng, công ty đang chuẩn bị cho việc ra mắt thương mại công nghệ đã được cấp bằng sáng chế của mình vào năm 2022.