Một nghiên cứu công bố năm 2023 của Viện Lao động Toàn cầu thuộc Đại học Cornell và công ty đầu tư Schroders cho thấy nếu ngành may mặc không áp dụng các biện pháp bảo vệ trước tác động của biến đổi khí hậu tại một số quốc gia sản xuất chủ chốt, việc nhiệt độ gia tăng có thể làm giảm thu nhập xuất khẩu của ngành tới 65 tỷ USD vào năm 2030. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng mất việc làm trên diện rộng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận của các thương hiệu cũng như các bên liên quan.
Tờ Nature Climate Change gần đây đưa ra nhận định, việc các khu vực như châu Âu, Bắc Mỹ và Nam Á trải qua sự gia tăng đáng kể về tần suất và cường độ của các đợt nắng nóng đồng nghĩa với việc các quốc gia vốn dựa vào doanh thu từ quần áo mùa đông như Canada hay Nga sẽ phải chứng kiến sự thay đổi lớn trong hành vi tiêu dùng. “Chúng tôi đang chứng kiến sự sụt giảm rõ rệt về nhu cầu đối với quần áo mùa đông”, Durant, trưởng nhóm thiết kế tại một nhà mốt ở Montreal cho biết.
Cuộc khảo sát năm 2023 của McKinsey & Company chỉ ra rằng, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các loại vải tự nhiên có khả năng điều hòa nhiệt độ. Do đó, các thương hiệu thời trang đã tìm cách giới thiệu các loại vải nhẹ như lanh và sợi tổng hợp thoáng khí vào các bộ sưu tập của mình. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới đây trên Geophysical Research Letters, các kiểu thời tiết gây ra nắng nóng cũng có thể dẫn đến những mùa đông khắc nghiệt hơn. Tương lai của thời trang có thể sẽ phải đáp ứng cả hai thái cực thời tiết.
Trong khi các đợt nắng nóng có thể làm xáo trộn thị trường quần áo mùa đông, những mùa đông ôn hòa hơn có thể dẫn đến nhu cầu giảm đối với áo khoác to và giày bốt. “Ngành thời trang cần trở nên linh hoạt hơn trước biến đổi khí hậu. Chúng ta cần đổi mới và thích nghi để tạo ra những bộ quần áo không chỉ hợp thời mà còn thực tiễn cho một thế giới nóng lên”, Rajwani, nhà sáng lập thương hiệu thời trang bền vững Reformation chia sẻ
Không chỉ ảnh hưởng đến sở thích của người tiêu dùng, nắng nóng còn tác động đến sản xuất nguyên liệu thô như bông. Việc tìm nguồn cung cấp sợi và chất liệu tự nhiên có thể trở nên khó khăn hơn, và việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng chỉ là giải pháp tạm thời. Từ cotton đến cashmere, nhiều loại sợi tự nhiên và hàng dệt đang trở nên khó để cung ứng đủ lượng nhu cầu.
Hậu quả là, mới đây, tổ chức phi chính phủ Changing Markets Foundation đã đưa ra một kết luận đáng suy ngẫm: các thương hiệu thời trang lớn vẫn đang sử dụng nhiều chất liệu sợi tổng hợp hơn chứ không phải ít hơn như lời họ cam kết. Trong số 50 thương hiệu được khảo sát có 23 thương hiệu thời trang quốc tế. Một nửa trong số này cho biết họ đang sử dụng nhiều loại vải có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch, chủ yếu là polyester. Chỉ có 3 trong số các thương hiệu quốc tế cho biết họ thực sự giảm sử dụng chất liệu này.
Chất liệu vải tổng hợp có chứa vi nhựa gây ô nhiễm đang là vấn đề mà chúng ta hiện đang phải đối diện. Tuy nhiên, chất liệu vải tổng hợp tương đối rẻ và tiện dụng, khiến chúng trở nên phổ biến với nhiều thương hiệu thời trang. Đặc biệt đối với bối cảnh hiện nay khi chu kỳ của các xu hướng thời trang đang trở nên nhanh hơn với sự ra đời của các thương hiệu thời trang siêu nhanh đã dẫn đến việc sử dụng những chất liệu này ngày càng gia tăng.
Hiện các nhà sản xuất ở châu Á đang thúc đẩy một cuộc cách mạng trong tiêu dùng thời trang bằng cách chuyển sang phong cách bền vững, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của thời trang “ăn liền”, góp phần giảm ô nhiễm môi trường và nguy cơ biến đổi khí hậu. Rachel Lio, người sáng lập thương hiệu thời trang Rock Daisy ở Singapore, đã giới thiệu một loạt trang phục mới được làm hoàn toàn từ sợi tự nhiên, chủ yếu dành cho phụ nữ châu Á.
Công ty sử dụng Tencel, một loại sợi được sản xuất từ cây bạch đàn. Loại vải này do công ty Lenzing có trụ sở tại Áo phát triển và công ty này thu thập nguyên liệu từ Indonesia, sau đó làm việc với các thợ dệt ở khu vực Tây Java. Mặc dù giá thành của sợi này cao hơn khoảng 7 lần so với polyester, nhưng Rachel Lio cho biết đây là một “bước đi mạnh mẽ” cho thương hiệu của mình. Tuy nhiên, cô cũng nhấn mạnh rằng đôi khi người tiêu dùng cần phải hiểu về lý do vì sao sản phẩm có giá cao hơn như vậy.
Theo SCMP, các cơ quan quản lý ở châu Âu cũng đang nỗ lực thiết lập các quy định mới vào năm 2030, đòi hỏi tất cả các sản phẩm may mặc được bán trong khu vực này phải sử dụng vật liệu có thể tái chế, bền vững và không chứa chất độc hại. Dường như Mỹ cũng sẽ tiến hành các biện pháp tương tự trong tương lai. TAL Apparels, một nhà sản xuất may mặc hàng đầu có trụ sở tại Hong Kong, dự báo sẽ có chuyển đổi từ thời đại tiêu thụ quần áo siêu nhanh sang thời trang bền vững và tối giản.
TAL đã đặt mục tiêu giảm một nửa lượng khí nhà kính so với mức cơ bản năm 2018 và đã áp dụng một loạt các biện pháp như thu mua vải và bông từ các nguồn cung ở các quốc gia như Thái Lan và Việt Nam. Công ty này cung cấp sản phẩm từ những nguyên liệu này cho các thương hiệu thời trang cao cấp của Mỹ như Brooks Brothers và JC Penney. Lee cho biết, một trong những cách quan trọng mà họ đang áp dụng là thay thế năng lượng từ than bằng năng lượng tái tạo trong các quy trình sản xuất, và họ cũng khuyến khích các nhà cung cấp cấp cao hơn thực hiện điều tương tự với các quy trình như dệt và nhuộm.
Công ty cũng đã tăng sử dụng loại bông tốt hơn để giảm tác động đến môi trường. Trồng bông có thể gây ra nhiều vấn đề môi trường, như suy thoái đất, khan hiếm nước và sử dụng hóa chất độc hại. Delman Lee cho biết: "Chúng tôi đã tạo ra một dự án để hợp tác trực tiếp với các trang trại trồng bông tái sinh và cam kết mua bông từ họ. Chúng tôi đưa ra cam kết này vì nhận thức về tính bền vững vẫn chưa phổ biến đối với nông dân".
Cuối cùng, khí hậu cũng đang tác động đến chiến lược hậu cần của thời trang. Trên tất cả các ngành, 90% hàng hóa xuất khẩu phụ thuộc vào vận chuyển để đến đích cuối cùng, nhưng hoạt động kinh tế tại các cảng ước tính trị giá 122 tỷ USD có nguy cơ bị gián đoạn do các hiện tượng khí hậu cực đoan gây ra.