Trong chương trình kỳ họp thứ 7, chiều ngày 25/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.
Sau khi có Nghị quyết 43/2022/QH15, Chính phủ đã giao cho Ngân hàng nhà nước chủ trì phối hợp với các bộ ngành để xây dựng và tham mưu trình Nghị định số 31 về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Tuy nhiên, kết quả giải ngân theo Nghị định này được đánh giá còn chậm và chưa đạt được mục tiêu đề gia.
Tham gia góp ý tại phiên thảo luận, đại biểu Vũ Tuấn Anh (đoàn Phú Thọ) cho rằng việc thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại là giải pháp rất quan trọng để giảm giá thành, hỗ trợ trực tiếp cho sản xuất kinh doanh, đóng góp quan trọng vào phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, đại biểu đánh giá kết quả thực hiện từ đầu chương trình đến hết năm 2023 mới đạt được khoảng 3,05% quy mô chính sách.
"Có thể thấy chính sách này hầu như không đi vào cuộc sống, ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu của Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra", đại biểu Tuấn Anh đánh giá.
Phân tích nguyên nhân, bên cạnh những nguyên nhân mà đoàn Giám sát đã nêu trong báo cáo, đại biểu Tuấn Anh cho rằng thực tiễn cho thấy nguyên tắc thực hiện chính sách theo Nghị định 31 của Chính phủ chưa phù hợp, chưa rõ ràng. Hướng dẫn của các cơ quan chức năng cũng chưa đầy đủ, rõ ràng, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên dư nợ tín dụng đang ở mức cao, trong khi điều kiện vay vốn được hỗ trợ lãi suất rất chặt chẽ, để đảm bảo an toàn cho hoạt động tín dụng.
"Điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh không đảm bảo điều kiện để vay hỗ trợ lãi suất. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp có tâm lý e ngại thanh tra, kiểm tra, kiểm toán như Đoàn giám sát đã nêu, nên khi được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, mặc dù đủ điều kiện cũng không đề nghị được hỗ trợ lãi suất", đại biểu Tuấn Anh chỉ ra. "Doanh nghiệp rất mong muốn được hỗ trợ lãi suất tín dụng theo chính sách của nhà nước, song vì một số lý do trên nên việc triển khai không đạt kỳ vọng".
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về nguyên nhân để rút ra bài học kinh nghiệm khi đưa ra chính sách tương tự trong giai đoạn tiếp.
Phát biểu giải trình về việc kết quả thực hiện chính sách đạt thấp, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết ngay từ đầu đây được xách định là chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp có khả năng phục hồi, tức là có khả năng trả nợ vay, không phải là chính sách để giải quyết cho tất cả các doanh nghiệp trong nền kinh tế còn khó khăn.
"Vốn cho vay của chương trình là vốn của các tổ chức tín dụng huy động của người dân. Chỉ có phần hỗ trợ lãi suất 2% là nguồn từ ngân sách nhà nước. Do đó, các tổ chức tín dụng phải thực hiện cho vay theo các quy định của pháp luật hiện hành và bảo đảm khả năng thu hồi được nợ. Do đó việc giải ngân nhiều hay ít phụ thuộc nhiều vào quyết định của doanh nghiệp và tổ chức tín dụng", bà Hồng nhấn mạnh.
Cũng phản hồi nhận định nêu trong báo cáo của đoàn giám sát của Quốc hội rằng một trong những lý do khiến tỷ lệ giải ngân theo chính sách này còn thấp là do “truyền thông chưa sâu rộng tới khách hàng, theo khảo sát của VCCI chỉ 29,5% doanh nghiệp biết đến chính sách này”, Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho biết để triển khai chương trình Ngân hàng nhà nước ngoài việc tổ chức các hội nghị, còn yêu cầu chi nhánh Ngân hàng nhà nước các tỉnh, thành phố phối hợp với các sở, ban, ngành ở các tỉnh, thành địa phương tổ chức các hội nghị kết nối với các doanh nghiệp và ngân hàng, có sự tham gia của hiệp hội doanh nghiệp.
"Các cơ quan báo chí cũng đã rất tích cực đăng tải các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Ngân hàng nhà nước; các tổ chức tín dụng đăng tải thông tin trên website để khách hàng nắm được", Thống đốc Ngân hàng nhà nước chỉ ra. "VCCI chỉ khảo sát 8.000 doanh nghiệp tư nhân, chưa chiếm 1% số doanh nghiệp toàn quốc và thực hiện trong thời gian ngắn, nên không thể là chỉ dẫn đánh giá cả chương trình".
Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho rằng trong bối cảnh phức tạp, chưa từng có tiền lệ thì các chính sách có thể chưa sát với thực tiễn nhưng điều quan trọng là qua đây chúng ta rút ra được bài học kinh nghiệm gì về cách thức hỗ trợ có doannh nghiệp và người dân.
"Không phải vì được hỗ trợ lãi suất mà doanh nghiệp mới đi vay, mà doanh nghiệp vay để làm gì và có khả năng trả nợ hay không. Lãi suất chỉ là một trong số chi phí đầu vào, nên để hỗ trợ doanh nghiệp thì có thể cân nhắc giải pháp thuế, chính sách khác", Thống đốc Ngân hàng nhà nước nhấn mạnh.