Nhận định về xu hướng thị trường giai đoạn này, theo Chứng khoán MBS, về mặt định giá, chỉ số P/E (ttm) của thị trường hiện tại ở mức 13,7 lần, tương đương thấp hơn mức bình quân kể từ năm 2020 đến nay 1 độ lệch chuẩn, bên cạnh đó cho thấy thị trường đang ở mức định giá thấp hơn trung bình lịch sử (19%) là cơ hội tiềm năng cho nhà đầu tư dài hạn.
Mạch thông tin hỗ trợ thị trường lúc này chủ yếu đến từ báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2025 và mùa Đại hội cổ đông. Bên cạnh đó là thông tin “treo” về kết quả đàm phán thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ.
Cổ phiếu Nike (NKE: NYSE, công ty có 450.000 nhân viên tại 130 nhà máy tại Việt Nam), đã phục hồi 2 tuần liên tiếp, ngắt mạch giảm 6 tuần liền, có thể coi là tín hiệu tích cực cho kỳ vọng về đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ. Bên cạnh đó, việc khối ngoại quay trở lại mua ròng tuần đầu tiên sau chuỗi bán ròng, ít nhất cũng sẽ củng cố xu hướng dao động đi ngang của thị trường.
Nhìn chung, bối cảnh thông tin trong nước là tích cực để hỗ trợ thị trường từ kết quả kinh doanh cho đến Đại hội cổ đông, các đợt giảm mạnh trong thời gian vừa qua cũng đã rũ bớt các cổ phiếu dùng đòn bẩy cao và tâm lý thận trọng của nhà đầu tư cũng đã qua đỉnh, do vậy khi các tác động bên ngoài giảm nhiệt/xuống thang, tình hình sẽ tốt dần lên.
Về kỹ thuật, sau nhịp phục hồi nhanh chóng 167 điểm kể từ đáy tháng 4, thị trường đang tạo vùng cân bằng ở khu vực 1.200 – 1.240 điểm. Thanh khoản 2 tuần vừa qua đã sự suy giảm (nếu loại trừ các giao dịch thỏa thuận), phù hợp với kịch bản thị trường đi ngang trước kỳ nghỉ lễ dài ngày khiến nhà đầu tư hạ bớt hoặc giảm vòng quay.
Nhịp hồi vừa qua, đóng góp chính đến từ 2 cổ phiếu (VIC, VHM), cơ hội để tìm kiếm lợi nhuận không nhiều ngoài nhóm Vingroup. Diễn biến này kết hợp với thanh khoản giảm có thể còn tiếp diễn trước và sau kỳ nghỉ lễ.
Trong kịch bản cơ bản, MBS cho rằng thị trường sẽ tiếp tục dao động trong xu hướng đi ngang trong khi chờ kết quả đàm phán thuế quan, với vùng dao động 1.200 – 1.240 điểm. Trong kịch bản thận trọng, mức thuế 46% nếu coi là mức trần thì tương ứng với thị trường đã tạo được 1 đáy để tham chiếu ở khu vực 1.080 điểm, các vùng hỗ trợ gần cho thị trường trong kịch bản này sẽ ở khu vực 1.150 – 1.160 điểm.
Mạch thông tin kết quả kinh doanh và mùa đại hội cổ đông sẽ là cơ sở để lựa chọn cổ phiếu ở thời điểm hiện tại, bên cạnh đó nhà đầu tư nên xem xét đối với các cổ phiếu tương ứng với Vn-Index từ 1.240 điểm trở lên, tập trung ở: Vingroup, Bán lẻ, Logistics, Hóa chất, Sản xuất và phân phối điện, Đầu tư công, thép, Bất động sản, …
Mirae Asset nhận định, trước thông tin hạ nhiệt về thương chiến, thị trường dường như đang phản ứng quá tích cực đối với việc Tổng thống Trump đột ngột hạ giọng trước Trung Quốc khi cả hai quốc gia vẫn đang trong quá trình thử lửa nhằm đánh giá vị thế của bên còn lại, khiến cho thỏa thuận chính thức sẽ cần thêm thời gian để bước qua nhiều vòng đàm phán tiếp theo.
MAS kỳ vọng tâm lý giao dịch sẽ trở nên tích cực hơn khi thị trường bước vào giai đoạn ổn định khi các quốc gia dần bước vào đàm phán thuế quan và tần suất các tin tức khó lường đến từ phía Mỹ sẽ giảm xuống trong khi diễn biến tại thị trường nội địa sẽ được củng cố bởi thông tin hệ thống giao dịch KRX sẽ chính thức đi vào vận hành kể từ ngày 5/5.
Tuy vậy, mức độ biến động ở giai đoạn hiện tại cùng với tính bất định về mặt tin tức sẽ làm gia tăng tần suất các phiên giao dịch tăng giảm bất thường và có khả năng khiến thị trường kiểm định lại vùng hỗ trợ ngắn hạn tại 1.180 – 1.200 điểm trước khi tiếp diễn xu hướng phục hồi và hướng về ngưỡng kháng cự 1.280 điểm.
Trong khi đó, theo Agriseco, xác suất VN- Index tăng điểm trong tuần giao dịch cuối của tháng 4 đạt 80% (12/15 lần), với tỷ suất bình quân 1,01% cho thấy xu hướng tăng khá tích cực. Các phiên tăng điểm có hiệu suất trung bình khá cao (+1,72%) với năm 2011 là năm đột biến (+5,17%). Tuy nhiên mức giảm trung bình (-1,8%) cũng tương đối lớn, cho thấy thị trường biến động khá mạnh giai đoạn này. Thanh khoản trung bình tuần giao dịch cuối hầu hết đều ghi nhận sụt giảm so với trung bình cả tháng trong giai đoạn 2010 - 2024.
Tương tự tuần giao dịch trước kỳ nghỉ, VN-Index thường duy trì xu hướng tăng điểm trong phiên cuối tháng 4, với 13/15 năm tăng giá (tỷ lệ 87%) và chỉ ghi nhận giảm điểm trong hai năm (2013, 2015). Tỷ suất bình quân là +0,57% cho thấy tâm lý lạc quan trước khi thị trường bước vào kỳ nghỉ.
Mức tăng trung bình (+0,74%) khá ổn định, đồng thời không có năm nào ghi nhận biến động đột biến, với mức tăng cao nhất là +1,52% (năm 2011) và mức giảm mạnh nhất là -0,6% (năm 2015) đều nằm trong phạm vi biến động tương đối hẹp. Thanh khoản phiên cuối cũng ghi nhận sụt giảm so với trung bình toàn tháng 4.