June 19, 2017 | 16:20 GMT+7

Thông qua nghị quyết về giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành

Nguyên Vũ

Tổng kinh phí khái toán cho công tác giải phóng mặt bằng dự án là khoảng 23.000 tỷ đồng.

Kết quả biểu quyết về việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án sân bay Long Thành thành dự án thành phần.
Kết quả biểu quyết về việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án sân bay Long Thành thành dự án thành phần.
Với đa số phiếu thuận, chiều 19/6, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về việc tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án sân bay Long Thành thành dự án thành phần.

Đã cân nhắc kỹ

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phản ánh có ý kiến đại biểu băn khoăn về những hệ lụy nếu Quốc hội không thông qua báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trong khi đã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án.

Không đề cập thẳng nội dung này, cơ quan giải trình khẳng định, dự án sân bay Long Thành đã được Chính phủ xem xét thận trọng trong một thời gian dài, Quốc hội khóa 13 khi quyết định chủ trương đầu tư cũng đã cân nhắc kỹ lưỡng trên nhiều góc độ, nhiều mặt, và cũng đã thấy rõ sự cần thiết của dự án.

Sự quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất và nhu cầu vận tải hàng không ngày càng tăng cao khiến việc triển khai dự án sân bay Long Thành càng trở nên cấp bách hơn.

Do đặc thù giải phóng mặt bằng thường mất nhiều thời gian, phát sinh khó khăn, vướng mắc, làm tăng chi phí nếu quá trình thực hiện kéo dài, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho phép tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để thực hiện trước, nhằm bảo đảm tiến độ của dự án, tiết kiệm chi phí và đáp ứng nguyện vọng của người dân.

Báo cáo nêu rõ, với vị trí thuận lợi của dự án, quỹ đất đã thu hồi sẽ được sử dụng hiệu quả cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Kinh phí giải phóng mặt bằng mới đáp ứng 1/5 nhu cầu

Qua thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị làm rõ hơn nguồn vốn thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, trên cơ sở số liệu điều tra thông tin, khảo sát sơ bộ và cập nhật đơn giá mới nhất của UBND tỉnh Đồng Nai thì tổng kinh phí khái toán cho công tác giải phóng mặt bằng (bao gồm xây dựng hạ tầng khu tái định cư và khu nghĩa trang) là khoảng 23.000 tỷ đồng.

Hiện ngân sách đã bố trí 5.000 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn cho công tác giải phóng mặt bằng dự án, mới đáp ứng 21,7% nhu cầu.

Sau khi Quốc hội thông qua việc tách dự án thành phần, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần và xây dựng phương án giải phóng mặt bằng cụ thể, xác định được tổng mức đầu tư chính thức làm căn cứ để Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo chuẩn bị kỹ phương án nguồn vốn và báo cáo Quốc hội việc xem xét.

Đồng ý tách nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án sân bay Long Thành thành dự án thành phần, nghị quyết nêu rõ, diện tích đất thu hồi bao gồm: diện tích đất của dự án sân bay Long Thành (5.000 ha) và diện tích đất xây dựng các khu tái định cư tập trung, diện tích nghĩa trang, diện tích các công trình phục vụ tái định cư.

Quốc hội yêu cầu việc thu hồi đất phải bảo đảm an sinh xã hội, ổn định đời sống và sản xuất của người dân vùng chịu ảnh hưởng của sự án; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Khu tái định cư tập trung phải được xây dựng đồng bộ về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội, bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, phù hợp với điều kiện, phong tục, tập quán của địa phương.

Yêu cầu tiếp theo tại nghị quyết là Chính phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai và các bộ, ngành liên quan triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành báo cáo Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate