Thảo luận gần đây tại các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài cho thấy vốn đầu tư sẽ tiếp tục được rót vào Việt Nam. Đây tiếp tục là tín hiệu tích cực cho thu hút đầu tư nước ngoài khi vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam cũng như giải ngân vẫn là "điểm sáng" của bức tranh kinh tế 7 tháng đầu năm 2024.
“ĐIỂM SÁNG” THU HÚT ĐẦU TƯ
Số liệu được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố cho thấy 7 tháng đầu năm, vốn đăng ký mới của nhà đầu tư nước ngoài chảy vào Việt Nam đạt hơn 18 tỷ USD, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, vốn đăng ký mới đạt 10,76 tỷ USD, tăng 35,6%; vốn tăng thêm đạt gần 4,97 tỷ USD, tăng 19,4%; chỉ riêng vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt 2,27 tỷ USD, giảm 45,2% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoại trừ vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư vẫn giảm thì cả vốn đăng ký mới và vốn tăng thêm đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, vốn giải ngân tháng 7/2024 tiếp tục duy trì đà tăng được thiết lập kể từ đầu năm, đưa tổng vốn giải ngân 7 tháng đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong bối cảnh vốn đầu tư toàn cầu suy giảm thì nguồn vốn đầu tư nước ngoài được rót vào Việt Nam vẫn tiếp tục tăng, cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn với các nhà đầu tư quốc tế.
Tại Diễn đàn kinh tế được Tạp chí Kinh tế Việt Nam và Ban Kinh tế Trung ương tổ chức mới đây, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã chia sẻ về xu hướng sụt giảm của dòng vốn đầu tư toàn cầu, đặc biệt là vốn đầu tư vào Trung Quốc.
“Vốn đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc đã sụt giảm khoảng 150 tỷ USD/năm. Luồng vốn này đã chạy đi đâu?”, ông Hùng đặt câu hỏi và cho rằng: “Dòng vốn này đang chảy vào các nước xung quanh. Trong đó, Việt Nam vẫn là ‘điểm sáng’ khi thu hút đầu tư nước ngoài tốt trong bức tranh suy giảm tổng thể”.
Đánh giá về sức hấp dẫn của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á, ông Dominik Meichle, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocharm) cho biết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) là một trong những nhân tố góp phần tạo nên sức hấp dẫn đối với doanh nghiệp châu Âu. Ngoài ra, sức hấp dẫn của Việt Nam còn được thể hiện qua lực lượng lao động trẻ, nhiệt huyết với hơn 50 triệu người, chi phí lao động thấp. Và đặc biệt là vị trí ngày càng gia tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu…
“Với tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng chất lượng cao của Việt Nam cũng tăng nhanh chóng, mang lại cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp của châu Âu”, ông Dominik cho biết.
Đáng chú ý, theo Cục Đầu tư nước ngoài, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực chiếm ưu thế trong tất cả các hình thức đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài trong 7 tháng đầu năm. Số liệu thống kê cho thấy có 1.816 dự án đầu tư nước ngoài được đăng ký cấp mới tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 10,76 tỷ USD thì ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 7,88 tỷ USD, chiếm 73,2% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới vào Việt Nam.
Tương tự, trong số 4,97 tỷ USD vốn đăng ký tăng thêm của những dự án trước thì vốn tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là hơn 4,35 tỷ USD, chiếm 87,5% tổng vốn đăng ký tăng thêm vào Việt Nam từ đầu năm đến nay.
Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần, vốn đầu tư được các nhà đầu tư nước ngoài rót vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là hơn 420 triệu USD, chiếm 18,4% tổng vốn góp, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, chỉ đứng sau lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
Không chỉ vậy, theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo cũng chiếm tỷ lệ cao. Trong tổng số 12,55 tỷ USD vốn đầu tư được giải ngân trong 7 tháng thì vốn giải ngân thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 9,98 tỷ USD, chiếm 79,5%.
“Điều này cho thấy Việt Nam vẫn được lựa chọn là cứ điểm sản xuất trong chuỗi sản xuất toàn cầu của nhiều doanh nghiệp nước ngoài”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài khẳng định.
HỨA HẸN NHIỀU DỰ ÁN ĐẦU TƯ LỚN
Minh chứng rõ nét là nhiều dự án đầu tư quy mô lớn tiếp tục được nhiều nhà đầu tư nước ngoài đề xuất. Ông Gauta Adani, Chủ tịch Tập đoàn Adani trong buổi gặp Thủ tướng Phạm Minh Chính nhân chuyến thăm chính thức Ấn Độ mới đây, đã bày tỏ mong muốn đầu tư vào hàng loạt dự án hạ tầng và năng lượng của Việt Nam.
Lãnh đạo Adani cho biết tập đoàn đang đề xuất đầu tư vào cảng Liên Chiểu, Đà Nẵng với tổng vốn dự kiến đạt trên 2 tỷ USD. Tập đoàn cũng mong muốn triển khai hoạt động đầu tư năng lượng tại dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 3 với vốn đầu tư dự kiến 2,8 tỷ USD. Ngoài ra, Adani cũng đang có dự định hợp tác với các đối tác Việt Nam trong lĩnh vực hàng không như xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 2, sân bay Chu Lai… Theo đó, tổng vốn đầu tư mà Adani dự kiến rót vào Việt Nam lên gần 5 tỷ USD.
Ngoài ra, hai tập đoàn dược phẩm của Ấn Độ là BDR và SMS Pharmaceuticals cũng muốn rót vốn đầu tư xây dựng khu công nghiệp dược phẩm công nghệ cao tại Khu kinh tế Nghi Sơn. Sau khi hình thành, khu công nghiệp dược phẩm được kỳ vọng thu hút 4-5 tỷ USD trong 10-12 năm tới với mục tiêu sản xuất các sản phẩm hướng tới thị trường Mỹ và châu Âu.
Trong khi đó, tại buổi tiếp của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang mới đây, ông Kitao Yoshihisa, Giám đốc điều hành Tập đoàn NIDEC (Nhật Bản) cho biết, NIDEC luôn coi Việt Nam là địa điểm đầu tư quan trọng nhất trên toàn cầu do tin tưởng vào tiềm năng, triển vọng phát triển của Việt Nam, cùng sự thấu hiểu, giúp đỡ tận tình của Chính phủ. Theo đó, NIDEC sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ mới tại Việt Nam, sau khi đã đầu tư trên 1 tỷ USD vào Việt Nam, kể từ năm 2017 tới nay.
Chưa rõ thời điểm các nhà đầu tư nước ngoài này sẽ đổ vốn vào Việt Nam khi nào nhưng rõ ràng đây là những tín hiệu tích cực cho thấy Việt Nam vẫn là điểm sáng trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy vậy, có điểm cần lưu ý, đó là chỉ số Niềm tin kinh doanh (BCI) quý 2/2024 được Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố giữa tháng 7/2024 cho thấy chỉ số BCI đã giảm nhẹ từ 52,8 điểm trong quý 1/2024 xuống 51,3 điểm trong quý 2/2024. Điều này cho thấy chính sách pháp luật của Việt Nam cần phải được tiếp tục điều chỉnh để quay trở lại giai đoạn cao những năm trước kia.
“Mặc dù cuộc khảo sát của chúng tôi chỉ ra những lĩnh vực cần cải thiện, nhưng chúng tôi tin rằng, bằng cách hợp tác để giải quyết các rào cản hành chính và quy định, chúng ta có thể tạo ra một môi trường kinh doanh hiệu quả và hấp dẫn hơn, mang lại lợi ích cho cả cộng đồng doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam”, ông Dominik Meichle cho biết.
Theo đó, để thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam chỉ ra 5 yếu tố để Việt Nam có thể cải thiện môi trường kinh doanh, bao gồm: (i) Hợp lý hóa các quy trình hành chính và thủ tục; (ii) Tăng cường sự rõ ràng trong pháp luật để giảm bớt việc giải thích không chính xác; (iii) Phát triển cơ sở hạ tầng cốt lõi (đường, cảng, cầu...); (iv) Đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực, giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài; (v) Bảo đảm ổn định chính trị và an ninh.